Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp hóa nông nghiệp: Đứng nhất, nhì chưa hẳn “ngon”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp hóa nông nghiệp: Đứng nhất, nhì chưa hẳn “ngon”

Nguyên Tấn

Việc sử dụng các lọai máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Mặc dù đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế trong hơn 20 năm qua nhưng nông nghiệp đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, thậm chí có nơi vẫn còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Vai trò của công nghiệp hóa trong nông nghiệp, vì vậy, theo các chuyên gia rất cần phải được xem lại.

Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam từ chỗ thiếu ăn đã trở thành nước đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, đứng đầu về xuất khẩu điều và nhiều loại nông sản khác như hồ tiêu, cà phê, cao su, thủy sản…Thành tựu của nông nghiệp có thể nói là vượt bậc.

Tuy nhiên, theo GS.TS. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2, thành tựu đó đạt được chủ yếu nhờ hai yếu tố: Nghị quyết “khoán 10” vào năm 1988 với việc thừa nhận hộ nông dân là kinh tế tự chủ đã “cởi trói” cho người nông dân và hàng hóa được tự do lưu thông.

Trong khi đó, vai trò của công nghiệp hóa đối với nông nghiệp rất mờ nhạt, thậm chí cả đến nội hàm của công nghiệp hóa nông nghiệp như thế nào đến nay vẫn chưa rõ ràng. Ông Khải cho rằng cái được nổi bật nhất trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn mấy chục năm qua có lẽ chính là thủy lợi. Thế nhưng, ngay cả thủy lợi cũng đang bộc lộ những mặt bất cập.

“Hệ thống thủy lợi được xây dựng chủ yếu để tưới tiêu nước ngọt, phục vụ trồng lúa nhưng bây giờ nhu cầu đâu chỉ có trồng lúa mà là đa mục tiêu. Không đáp ứng được mục tiêu ấy nên nhiều công trình thủy lợi đã và đang bị dân phá đi để dẫn nước lợ vào nuôi tôm. Như vậy là không hiệu quả!”, GS. Khải dẫn chứng.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng thừa nhận: công nghiệp hóa nông nghiệp của ta chưa đạt được như mong muốn và so với các nước thì càng thua xa!

Theo GS. Vũ Trọng Khải, công nghiệp hóa nông nghiệp là biến nông nghiệp thành một ngành công nghiệp sinh học, đảm bảo cho chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bảo quản, tiêu thụ có hàm lượng giá trị chất xám cao và do đó mang lại giá trị gia tăng cao. Nếu nhìn vào nội hàm như vậy thì ngành nông nghiệp vẫn chưa có thể gọi là đã được công nghiệp hóa, ngược lại vẫn còn quá manh mún, thô sơ.

Mặc dù đứng thứ hạng cao thế giới về xuất khẩu nông sản song hầu hết các sản phẩm xuất khẩu đều dưới dạng nguyên liệu thô, không có giá trị gia tăng cao. Chẳng hạn như về gạo, theo ông Khải, các nhà máy chế biến hiện vẫn lạc hậu và nguyên liệu cung cấp cho chế biến không đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng.

Điều này dẫn đến tình trạng là “các doanh xuất khẩu luôn phải ăn đong. Ký được hợp đồng nào, chờ khi tàu đến mới đi mua gom từ các thương lái, từ các nhà máy xay xát nhỏ, rồi về đánh bóng, phân loại và đem bán xô. Không một doanh nghiệp nào dám ghi xuất xứ, chủng loại gạo, thương hiệu của mình vào đấy mà chỉ nói chung chung là gạo Việt Nam”.

Các chuyên gia cho rằng để công nghiệp hóa nông nghiệp thì điều kiện cơ bản đầu tiên là phải có phương tiện, tư liệu sản xuất tốt, trong đó có đất đai. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp lâu nay vẫn bị kẹt cứng bởi hạn điền và thời hạn giao đất.

Theo Luật Đất đai, tùy vùng và mục đích sử dụng, cá nhân, hộ gia đình chỉ được giao tối đa từ 3-30 héc ta đất với thời hạn giao đất từ 20-50 năm để canh tác. “Thậm chí, ở đồng bằng Bắc bộ, ruộng được chia cho hộ nông dân nhỏ đến mức con trâu chỉ đi một vạt bừa là hết. Cho nên vẫn còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” là vì vậy, bởi ruộng nhỏ như thế, thời hạn sử dụng như thế người ta sắm máy móc làm gì!”.

Ông Phan Đỗ Duy Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Samsan, cũng cho biết công ty của ông cần 20 héc ta đất liền thửa để trồng chanh xuất khẩu ở Dak Nông nhưng không có nên đành phải đi mua gom từng héc ta của người dân địa phương, rất phiền phức và tốn kém. Để thiết lập một trang trại như vậy, ông không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước mà phải “tự bơi” trong mọi công đoạn: từ việc gom đất, làm sổ đỏ đến chuẩn bị vốn liếng, máy móc, nhân công, đầu ra, đầu vào…

Ngay cả những việc lẽ ra Nhà nước có thể hỗ trợ như bản đồ địa chất hoặc cây giống nhưng ông Bảo vẫn phải tự đi thuê xét nghiệm đất và mày mò tìm mua cây giống trong dân. Đó là chưa kể tình trạng đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dự án trong khi người nông dân không được hưởng lợi gì đáng kể, thậm chí còn khó khăn hơn.

Ông Khải kể có lần đi công tác gặp một chị làm nghề chở đò, chị khoe vừa được xã cho làm nghề này sau khi bị thu hồi đất. Mấy sào đất được chủ đầu tư là một công ty du lịch đền bù vỏn vẹn 4,6 triệu đồng, chị chưa biết làm gì thì may mắn được xã chiếu cố cho chuyển nghề chở đò. Ông hỏi: “Sao người ta đền bù rẻ vậy?”. “Phía công ty họ giải thích vì đất có hạn sử dụng đến năm 2013, gần hết hạn rồi nên trả rẻ”. Với nghề chèo đò, mỗi ngày chị chỉ thu được 30.000 đồng nhưng vẫn không được hưởng hết vì một phần tiền trong đó chị phải đóng lại cho xã.

Một vấn đề khác cũng gây cản trở, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, là việc không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho đầu vào chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Sở dĩ như vậy vì nông dân không thể xuất hóa đơn khi cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp nên theo quy định doanh nghiệp không được khấu trừ thuế. Hệ quả là nông dân phải gánh chịu toàn bộ thuế khi bán ra nông sản do bị doanh nghiệp ép giá để bù vào khoản chi phí đội lên, kể cả các khoản thuế khi người nông dân mua vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như máy móc thiết bị, phân bón, cây giống…

“Không chỉ nông dân chịu thiệt thòi mà các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản cũng chẳng ham đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Để khỏi phải đóng thuế, người ta chỉ thích làm thương lái mà thôi”, ông Viên phát biểu.

Ông Nguyễn Minh Nhị cho rằng để công nghiệp hóa nông nghiệp thành công, Nhà nước phải vạch ra được một chiến lược tổng thể, dài hơi, đồng bộ và đã đề ra thì phải quyết tâm làm. “Chiến lược của mình hầu hết chỉ năm năm trong khi các nước chiến lược quốc gia của người ta có giá trị 30, 50 năm và lâu hơn thế nữa. Một chiến lược muốn thành công, trước hết phải xuất phát từ lợi ích của người nông dân”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới