Công nghiệp sáng tạo muốn được nhìn nhận vai trò
Tường Vi
![]() |
Liên hoan quảng cáo Việt Nam tại TPHCM, một hoạt động nhằm nâng cao tầm quan trọng của ngành quảng cáo nước nhà, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: Tường Vi |
(TBKTSG Online) - "Để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, chính phủ và các cấp lãnh đạo cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng mà ngành này đem lại cho quốc gia, để từ đó có thể hoạch định một chiến lược phát triển phù hợp".
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Nhân, Phó cục trưởng Cục quan hệ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại thảo “Tầm quan trọng của dự án thu thập và phân tích số liệu ngành công nghiệp sáng tạo đối với một địa phương, thành phố và quốc gia” trong khuôn khổ dự án “Thành phố sáng tạo” (kéo dài đến năm 2012), một dự án hợp tác văn hóa và nghệ thuật giữa vùng Đông Á và Vương quốc Anh, do Hội đồng Anh tổ chức hôm 5-2 tại TPHCM.
Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam, nói thêm: “Có lẽ chúng ta chưa thu thập đầy đủ số liệu từ các loại hình quảng cáo, số lượng các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực quảng cáo, cho đến sự thay đổi và phát triển của ngành này trong tương lai để thuyết phục các cấp lãnh đạo rằng chỉ cần thay đổi chính sách sẽ mang lợi nhiều lợi ích cụ thể”.
Tổng doanh thu cho ngành quảng cáo toàn thế giới đạt 540 tỉ đô la Mỹ trong năm vừa qua và dự kiến trong năm 2010 sẽ đạt 580 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, riêng tại Việt Nam thì con số doanh thu đã vượt ngưỡng 450 triệu đô la Mỹ, theo số liệu của Công ty cổ phần truyền thông TNS Media. “Số liệu trên đa phần chỉ dựa vào thông số của một số đài truyền hình, phát thanh và báo in mà thôi bởi thực tế hiện nay chúng ta chưa xác định được số lượng các công ty tham gia lĩnh vực quảng cáo cũng như doanh thu thực hằng năm của các doanh nghiệp này”, ông Dũng bổ sung.
Hiện nay, theo ước tính Việt Nam có khoảng 7.000 công ty chuyên về lĩnh vực quảng cáo và có khoảng 50% số doanh nghiệp có bộ phận chịu trách nhiệm về quảng cáo. “Tốc độ tăng trưởng của thị trường quảng cáo Việt Nam trong những năm gần đây đạt khoảng 30%/năm và dự đoán trong vòng 15 năm tới, doanh thu của ngành này sẽ vượt mức 24.000 tỉ đồng”, ông Nhân cho biết.
Trên thế giới, quảng cáo được xếp vào các ngành công nghiệp sáng tạo, còn ở Việt Nam gọi là công nghiệp văn hóa. Tùy quan niệm mỗi nước mà có một định nghĩa riêng về “công nghiệp sáng tạo”. Ví dụ như Vương quốc Anh bổ sung lĩnh vực thư viện và bảo tàng vào danh sách các ngành công nghiệp sáng tạo, Indonesia xếp ngành ẩm thực vào ngành công nghiệp sáng tạo...
Ông Nhân nói: "Việt Nam rất cần thành lập Cục công nghiệp văn hóa theo mô hình của Trung Quốc nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo phát triển từ cấp chính phủ đến địa phương”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đang hoạt động trong ngành công nghiệp sáng tạo cũng thống nhất rằng để phát triển ngành này thì chính phủ đóng một vai trò quan trọng, tiên quyết ở mỗi quốc gia.
Bà Josephine Burns, chuyên gia tư vấn ngành công nghiệp sáng tạo Vương quốc Anh, cho biết nhờ nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp sáng tạo mà ở Anh đã có đến 8 bộ ngành chính phủ tham gia hoạch địch phát triển ngành công nghiệp “hái ra tiền” này. Tiến sĩ Togar Simatupang, Trường Quản lý và kinh doanh thuộc Học viện kỹ thuật Bandung, Indonesia, cũng đồng ý với ý kiến trên khi cho biết: “Sở dĩ ngành công nghiệp sáng tạo của Indonesia phát triển là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính phủ”.
Ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm các ngành như quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật cổ, thủ công, thiết kế, giải trí, truyền thanh, truyền hình, xuất bản, phần mềm và máy tính, nghệ thuật trình diễn… Ngành công nghiệp sáng tạo trung bình mỗi năm chiếm 3,5% tổng giá trị thương mại quốc tế. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2005 đạt 425 tỉ đô la Mỹ trên toàn thế giới và trong giai đoạn 2000-2005, tốc độ tăng trưởng mỗi năm của ngành này đạt gần 9%. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Synovate, ngành công nghiệp sáng tạo tại các quốc gia châu Á trong năm 2007-2008 đã góp 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Thái Lan; Indonesia là 6,3%; Hàn Quốc: 5,8%; Singapore: 5,6%; Philippines: 5%; Malaysia 1,3% GDP… Riêng tại Vương quốc Anh, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp 7,5% tổng giá trị gia tăng và tạo ra hơn 1 triệu việc làm cho người dân. Tỉnh Bandung của Indonesia, ngành công nghiệp sáng tạo đem về 535 triệu đô la Mỹ, chiếm 11% tổng thu nhập của tỉnh này trong năm 2007, và đóng góp 16% tổng thu nhập cho thủ đô Jakarta của quốc gia này. |