Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công nhân Mỹ lại chuộng nghiệp đoàn?

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một hiện tượng lạ đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp lớn ở Mỹ: công nhân đồng ý tham gia nghiệp đoàn, xem đó như là một phương cách đấu tranh đòi quyền lợi với giới chủ. Hiện tượng này trái ngược với xu hướng đã diễn ra trong cả chục năm qua, khi công nhân không còn mặn mà với tổ chức công đoàn nữa.

Bên trong nhà kho của Amazon. Ảnh: Getty Images

Trước khi thành lập một nghiệp đoàn được chính quyền liên bang thừa nhận, những người khởi xướng phải nộp đơn xin tổ chức cho công nhân bỏ phiếu tán thành hay không tán thành chuyện thành lập nghiệp đoàn tại doanh nghiệp họ đang làm việc. Theo tờ New York Times, số đơn như thế nộp tại Ủy ban Quan hệ Lao động quốc gia (National Labor Relations Board) trong sáu tháng qua đã tăng 60%. Trước đây, vào thời cao điểm, đến một phần ba công nhân Mỹ tham gia nghiệp đoàn, nhưng những năm gần đây tỷ lệ này sụt xuống còn chừng 10%.

Lần lượt báo chí đưa tin đậm về việc công nhân ở các xí nghiệp, nhà máy, cửa hàng của nhiều doanh nghiệp lớn như Amazon, Starbucks, Apple, Google bỏ phiếu tán thành chuyện thành lập nghiệp đoàn đại diện cho họ tại nơi làm việc. Làn sóng này đang lan rộng, chưa biết tương lai gần sẽ có những chuyển biến như thế nào.

Tờ New York Times so sánh thời điểm hiện tại với giai đoạn thập niên 1930 khi cuộc đại khủng hoảng nổ ra. Tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin Roosevelt đã ký ban hành những quy định tạo điều kiện dễ dàng cho công nhân thành lập nghiệp đoàn nhằm buộc giới chủ thực hiện mức lương tối thiểu, ngăn làm việc quá mức, và nhất là trao cho công nhân quyền thương lượng tập thể. Sau cuộc đình công thành công của nghiệp đoàn công nhân ở hãng GM, phong trào thành lập nghiệp đoàn lan ra các ngành khác, từ sản xuất thép đến khai thác dầu, từ công nhân nhà máy dệt đến ngay cả những người điều khiển tàu điện. Từ tỷ lệ chỉ có 12% công nhân thuộc về một nghiệp đoàn nào đó vào năm 1935, con số này nâng lên mức 34% vào đầu thập niên 1950.

Xu hướng toàn cầu hóa và tự động hóa làm công nhân hiện nay hầu như không có quyền thương lượng so với thời thập niên 1930. Công nhân luôn có nỗi lo việc làm bị chuyển dịch sang một nước tận đâu đâu hay máy móc sẽ thay chân họ. Ngược lại, doanh nghiệp có nhiều lý do để chặn đứng phong trào thành lập nghiệp đoàn.

Hiện nay Tổng thống Joe Biden cũng cam kết ủng hộ công nhân thành lập nghiệp đoàn không khác gì Roosevet; Ủy ban Quan hệ Lao động quốc gia thường tạo điều kiện cho những nơi nộp đơn xin thành lập nghiệp đoàn, kể cả nghiêm cấm doanh nghiệp nào sa thải công nhân chỉ vì họ ở trong ban vận động. Điều lạ là trong một hai thập niên qua, nhiều tổ chức nghiệp đoàn bỏ ra rất nhiều công sức, kể cả tiền bạc để cố gắng đưa công nhân ở những chuỗi thức ăn nhanh như McDonald’s hay các chuỗi siêu thị như Walmart vào nghiệp đoàn, nhưng không thành công. Nay đi đầu trong phong trào lập nghiệp đoàn là những công nhân có bằng đại học, hoạt động rất bài bản, với rất ít kinh phí vận động được.

Tờ New York Times dẫn chứng một người tốt nghiệp Đại học Siena vào năm 2017, môn khoa học chính trị. Sau đó anh làm nhiều việc trong lĩnh vực dịch vụ xã hội nhưng chưa khi nào lãnh lương trên 15 đô la/giờ. Sau một thời gian thất nghiệp, anh vào làm người pha chế cho một cửa hàng Starbucks với mức lương 15,5 đô la/giờ. Những người như anh, khó kiếm việc làm đúng ngành nghề được đào tạo sau cuộc khủng hoảng năm 2008, có cảm giác như bị bỏ lại đằng sau khi chênh lệch thu nhập giữa các ông chủ các công ty công nghệ và công nhân bình thường ngày càng lớn.

Một trường hợp khác là một cô tốt nghiệp Đại học Arizona chuyên ngành sư phạm âm nhạc, rồi lấy thêm bằng thạc sĩ về biểu diễn nhạc thính phòng. Không tìm được việc làm thích hợp, cô vào làm trưởng ca tại Starbucks rồi có gia đình, sinh con nên phải bám vào công việc lương thấp này để có bảo hiểm y tế. Đây là những nhân vật nòng cốt của phong trào tổ chức nghiệp đoàn ở Starbucks hiện nay. Đa số không hài lòng cách họ bị đối xử trong thời gian đại dịch khi nhân viên phải đến nơi làm việc, còn giới chủ vẫn có thể làm việc từ xa.

Ưu tiên của các hãng như Starbucks là làm sao giảm chi phí nhân sự càng nhiều càng tốt. Họ lên phương án sử dụng nhân viên sao cho tối ưu, dùng cả thuật toán hay phần mềm để biết ngày nào trong tuần, giờ nào trong ngày cần bao nhiêu nhân viên là vừa đủ. Vì thế Starbucks mới có những ca làm việc kỳ lạ, kéo dài 3 giờ 15 phút hay 4 giờ 45 phút!

Điều kiện làm việc ở những nơi như Amazon lại quá khắc nghiệt - chuyện này đã có nhiều phóng sự trên nhiều báo sau khi xảy ra các vụ nhân viên Amazon chết vì làm việc quá sức. Mức độ xoay vòng công nhân tại một số nhà kho lên đến 100-150%/năm, tức sau một năm toàn bộ công nhân tại đây được thay thế bằng lớp người mới. Theo tờ Washington Post, đây là chính sách cố tình của Amazon nhằm khỏi phải tăng lương theo thâm niên. Sau năm năm nếu vẫn còn làm hưởng lương theo giờ thì Amazon sẽ trao cho bạn một món tiền rồi mời nghỉ việc. Nên biết Washing Post là tờ báo mà ông chủ Amazon là Jeff Bezos đã mua hẳn.

Trong khi đó xu hướng toàn cầu hóa và tự động hóa làm công nhân hiện nay hầu như không có quyền thương lượng so với thời thập niên 1930. Công nhân luôn có nỗi lo việc làm bị chuyển dịch sang một nước tận đâu đâu hay máy móc sẽ thay chân họ. Ngược lại, doanh nghiệp có nhiều lý do để chặn đứng phong trào thành lập nghiệp đoàn. Đó là bởi nền kinh tế Mỹ ngày nay chủ yếu là nền kinh tế dịch vụ, và khi chuyển từ sản xuất sang dịch vụ thì chi phí nhân viên chiếm một phần rất lớn, tác động ngay lên mức lời lỗ của công ty. Chính vì thế, ưu tiên của các hãng như Starbucks là làm sao giảm chi phí nhân sự càng nhiều càng tốt. Họ lên phương án sử dụng nhân viên sao cho tối ưu, dùng cả thuật toán hay phần mềm để biết ngày nào trong tuần, giờ nào trong ngày cần bao nhiêu nhân viên là vừa đủ. Vì thế Starbucks mới có những ca làm việc kỳ lạ, kéo dài 3 giờ 15 phút hay 4 giờ 45 phút!

Giả thử có nghiệp đoàn và nghiệp đoàn yêu cầu giờ làm việc phải khoa học, cố định và theo lịch bình thường, Starbucks ắt sẽ không sắp xếp theo kiểu “just-in-time” như trong sản xuất tinh gọn được nên chắc chắn không muốn nghiệp đoàn xuất hiện. Amazon cũng vậy; nên khi công nhân tại nhà kho của Amazon ở Staten Island, New York bỏ phiếu đồng ý thành lập nghiệp đoàn, trở thành nơi đầu tiên trong tập đoàn này có nghiệp đoàn, đây trở thành sự kiện trang nhất của các báo. Amazon từng thuê các chuyên gia chống nghiệp đoàn để tư vấn cách đối phó, với tiền công mỗi người lên đến 3.200 đô la mỗi ngày, nhưng cũng không ngăn được!

Ngay cả tại Google, một công ty công nghệ hàng đầu, 400 kỹ sư và nhân viên đã bí mật bỏ phiếu thành lập nghiệp đoàn, đặt tên nghiệp đoàn công nhân Alphabet. Sau cửa hàng đầu tiên thành lập nghiệp đoàn vào cuối năm ngoái, đến nay đã có thêm 10 cửa hàng Starbucks khác theo chân và trong vài tháng tới con số này được dự báo sẽ tăng lên 160. Tuy vậy, so với con số 8.953 cửa hàng Starbucks trên khắp nước Mỹ, 160 cửa hàng là một tỷ lệ rất nhỏ nên chưa biết sức mạnh thương lượng của nhân viên ở đây sẽ có trọng lượng đến đâu.

Mặc dù phong trào nghiệp đoàn hóa đang lan rộng, nhiều nhà phân tích cho rằng mối quan hệ giữa công nhân và giới chủ đã khác trước, thời nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nên tỷ lệ công nhân tham gia nghiệp đoàn khó lòng lên cao như cũ. Ngược lại, theo một thăm dò của hãng Gallup, đến 65% công nhân Mỹ hiện nay đồng ý với sự đại diện của nghiệp đoàn, một tỷ lệ rất cao so với chỉ 48% vào năm 2008. Vì thế với các doanh nghiệp Mỹ, mối quan hệ với công nhân sẽ ra sao, nhất là sau phong trào nghỉ việc rộng khắp, vẫn là bài toán để ngỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới