(KTSG) - Động thái dồn dập tăng vốn của nhiều công ty chứng khoán diễn ra trong bối cảnh dư nợ cho vay margin tăng trưởng liên tiếp trong vài quí trở lại đây.
- Cho vay margin tăng, lợi nhuận công ty chứng khoán khả quan
- Hai công ty chứng khoán bi phạt vì vi phạm trong đặt lệnh
Sôi động trở lại
Cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán (CTCK) đang có dấu hiệu sôi động trở lại trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Theo thống kê, dự kiến sẽ có ít nhất năm CTCK thực hiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới với tổng giá trị khoảng 13.400 tỉ đồng. Mục đích sử dụng vốn đa phần là để bổ sung hoạt động cho vay, song song với đầu tư và các mục đích khác.
Cụ thể, mới đây CTCK LPBank (LPBS) công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường, dự trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, LPBS sẽ chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1.000/14.552. Nếu hoàn tất 100% kế hoạch, vốn điều lệ của LPBS dự kiến sẽ tăng gấp gần 16 lần, từ mức 250 tỉ đồng lên mức 3.888 tỉ đồng. Với số tiền tối thiểu thu về là hơn 3.600 tỉ đồng, công ty dự kiến sử dụng 500 tỉ đồng cho hoạt động đầu tư tự doanh, 200 tỉ đồng để mở rộng mạng lưới chi nhánh tại các tỉnh, thành phố lớn, còn lại 2.938 tỉ đồng sẽ được bổ sung cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán khác.
“Anh cả” của ngành là CTCK SSI (SSI) công bố sẽ thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản từ ngày 22-11 đến 20-12-2023. Nội dung lấy ý kiến cũng liên quan tới các phương án phát hành tăng vốn. Theo đó, SSI sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trong đó, SSI phát hành 302 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100:20 và chào bán 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 100:10. Nếu hoàn tất kế hoạch trên, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng lên mức 19.645 tỉ đồng, tiếp tục là quán quân về vốn điều lệ trong nhóm chứng khoán. Ngoài ra, SSI cho biết phương án phát hành hơn 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất kế hoạch tăng vốn nói trên. Như vậy nếu thành công, vốn điều lệ của SSI thậm chí sẽ có thể tăng lên mức gần 20.700 tỉ đồng.
Việc tăng vốn khủng thường đi kèm lo ngại pha loãng cổ phần đối với nhiều CTCK trên sàn. Tuy nhiên, để đánh giá về yếu tố có pha loãng hay không thì cần đánh giá kế hoạch sử dụng vốn sau khi phát hành.
Trước đó, vào tháng 8-2023, CTCK VNDirect (VND) công bố nghị quyết của hội đồng quản trị về việc triển khai chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. VND dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong năm 2023 và/hoặc năm 2024, sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). VND cũng lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành gần 61 triệu cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán năm 2022. Thời gian thực hiện trong năm 2023 sau khi có chấp thuận của UBCKNN. Nếu cả hai phương án trên đều thành công, vốn điều lệ của VND sẽ được nâng từ mức 12.178 tỉ đồng lên gần 15.223 tỉ đồng.
Với CTCK Tiên Phong (TPS), công ty đang tiếp tục triển khai phương án phát hành tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng thông qua chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1, giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong động thái mới nhất, TPS đã bổ sung chi tiết về mục đích và kế hoạch sử dụng số tiền thu được. Dự kiến với 1.000 tỉ đồng thu về, TPS sẽ sử dụng theo thứ tự ưu tiên gồm 700 tỉ đồng cho hoạt động tự doanh chứng khoán; 200 tỉ đồng cho hoạt động đầu tư vốn; và 100 tỉ đồng cho hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ hợp pháp khác…
Trước đó nữa, CTCK Kỹ Thương (TCBS) đã công bố kế hoạch tăng vốn với mức tăng tới hơn 10.000 tỉ đồng, trong khi CTCK MB (MBS) đã chốt quyền phát hành hơn 57 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 4.377 tỉ đồng. Ngoài ra, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỉ đồng, lên mức 4.000 tỉ đồng; nguồn vốn góp đến từ ngân hàng mẹ - Ngân hàng Á Châu (ACB).
Động lực đến từ đâu?
Động thái dồn dập tăng vốn của nhiều CTCK diễn ra trong bối cảnh dư nợ cho vay tại các CTCK tăng trưởng liên tiếp trong vài quí trở lại đây. Thống kê tại thời điểm 30-9-2023, dư nợ cho vay (phần lớn là cho vay margin) tại các CTCK ước tính đạt 165.000 tỉ đồng, tăng 15.000 tỉ đồng so với cuối quí 2-2023 và tăng 43.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022. Việc dư nợ cho vay tại các CTCK tăng mạnh thời gian qua, bên cạnh việc nhà đầu tư gia tăng sử dụng margin, còn có thể đến từ việc các chủ doanh nghiệp cầm cố cổ phiếu để phục vụ cho hoạt động kinh doanh đã tiến hành đảo nợ. Điều này cũng có phần dễ hiểu trong bối cảnh việc vay vốn từ các ngân hàng, hay việc phát hành trái phiếu thời gian qua không còn quá thuận lợi. Do đó, có thể nói việc các CTCK đẩy mạnh tăng vốn thời gian qua nhằm đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường, đặc biệt là các thỏa thuận vay từ tổ chức.
Nhìn chung, hơn hai năm qua, các CTCK đã dồn dập tăng vốn điều lệ với tổng quy mô tăng gấp 2,5 lần. Trên thực tế, tổng số vốn hơn trăm ngàn tỉ đồng của 25 CTCK vẫn là con số nhỏ bé so với một thị trường cổ phiếu có quy mô khoảng 200 tỉ đô la Mỹ và một thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng rất lớn. Dù vậy, việc tăng vốn khủng thường đi kèm lo ngại pha loãng cổ phần đối với nhiều CTCK trên sàn. Tuy nhiên, để đánh giá về yếu tố có pha loãng hay không thì cần đánh giá kế hoạch sử dụng vốn sau khi phát hành. Theo tờ trình tăng vốn, đa số các CTCK đều sử dụng số tiền tăng vốn để mở rộng nguồn cung cho vay margin. Trong khi đó, đây lại là mảng kinh doanh tương đối an toàn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư vẫn rất lớn. Do đó, việc cổ phiếu nhóm chứng khoán pha loãng do phát hành tăng vốn có thể sẽ không quá đáng ngại!