Dù không phải là doanh nghiệp xã hội, Công ty Tái chế Duy Tân vẫn khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp có các hoạt động trách nhiệm xã hội năng nổ nhất, đặc biệt khi công ty thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Nguyên nhân rất đơn giản: hoạt động kinh doanh chính của công ty là thu gom và tái chế rác thải nhựa.
Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Tái chế Duy Tân, cho biết nhà máy của công ty được xây dựng vào cuối năm 2019 tại tỉnh Long An và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020, với dây chuyền sản xuất đầu tiên có thể tái chế 30.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm, tương đương gần ba tỷ chai nhựa.
Đi trước đón đầu
Tái chế Duy Tân đã lường trước rác thải nhựa sẽ là thách thức lớn nhất đối với môi trường Việt Nam vì khoảng 80% rác thải được đưa đến bãi rác hoặc thải ra đại dương, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng cho nhiều thế hệ sau. Công ty cũng nhận thấy tiềm năng từ rác thải nhựa.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong số hơn năm triệu tấn nguyên liệu nhựa nhập khẩu hàng năm, hầu hết được tiêu thụ trong nước. Dữ liệu xuất nhập khẩu cho thấy Việt Nam đã nhập khẩu các sản phẩm và nguyên liệu nhựa với giá trị lên tới 19,6 tỷ đô-la trong năm 2020, nhưng chỉ xuất khẩu 5 tỷ đô-la.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, và 280.000-730.000 tấn bị thải ra biển. Bộ cho biết chỉ 27% rác thải nhựa được các doanh nghiệp thu gom xử lý, nhưng 90% số đó được vận chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt, chỉ 10% được tái chế.
Căn cứ vào số liệu của bộ, gần 500.000 tấn rác thải nhựa được tái chế hàng năm, và Tái chế Duy Tân là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này. Nhà máy của công ty với diện tích 6,5 ha, đang trong quá trình mở rộng, và một khi có đầy đủ nhân lực, có khả năng tái chế hơn 100.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
Đáng chú ý, Tái chế Duy Tân đã mạnh dạn đi trước một bước, chi 1.600 tỉ đồng để phát triển nhà máy trước khi các cơ quan trung ương quan tâm đến vấn đề này.
Năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường, bổ sung một số quy định về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa. Luật này cũng nhằm hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần và khuyến khích các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cùng năm đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, nhấn mạnh rằng ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất của đất nước.
Với các dự án được tiến hành từ các năm trước và bắt đầu đi vào hoạt động đầu năm 2020, Tái chế Duy Tân đã có bước nhảy vọt trong trào lưu tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Giám đốc Phát triển bền vững công ty cho biết “với nguồn vốn đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng, chúng tôi hiện đang là công ty đi đầu trong lĩnh vực tái chế nhựa với hệ thống máy móc hiện đại được nhập khẩu từ châu Âu.”
Nhằm đảm bảo đủ lượng rác thải nhựa cho tái chế, Tái chế Duy Tân đã thành lập các trung tâm thu gom liên kết với hơn 100 đầu mối thu gom ở miền Nam.
Kiến tạo giá trị
Giám đốc Phát triển bền vững Lê Anh cho biết công ty tập trung vào tái chế hạt nhựa rPET và rHDPE, “hồi sinh chai nhựa đã qua sử dụng sẽ làm giảm rác thải nhựa ở cả đại dương và bãi rác.”
Tuy nhiên, đối với đơn vị tiên phong trong thị trường nguyên liệu nhựa nguyên sinh vẫn còn được ưu ái, không hề dễ dàng cho Tái chế Duy Tân để thuyết phục người mua các sản phẩm đóng gói bằng nhựa chấp nhận nguyên liệu tái chế. Ông Lê Anh nói rằng các nguyên liệu của Tái chế Duy Tân đáp ứng được mọi tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt trên thế giới.
Những chai nhựa sau khi sử dụng sẽ được phân loại theo màu sắc, loại bỏ tạp chất, làm sạch, nghiền vụn để sản xuất nhựa dẻo tái chế chất lượng cao.
“Chúng tôi đang hợp tác với nhiều đơn vị hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng nhanh nhằm khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế. Một tín hiệu tốt là nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài xem đây là một phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phù hợp với xu thế toàn cầu và hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, các công ty trong nước vẫn còn do dự”, ông Lê Anh chia sẻ.
Trên thực tế, dự án của Tái chế Duy Tân đã áp dụng công nghệ tái chế nhựa hàng đầu trên thế giới hiện nay, và các sản phẩm của công ty đã được chứng nhận đáp ứng một số tiêu chuẩn quốc tế như FDA, FSSC22000 và GMP. Rác thải nhựa được xử lý và tái chế để trở thành các nguyên liệu sạch, an toàn và vệ sinh được dùng trong sản xuất bao bì thực phẩm.
Ông Lê Anh tự tin rằng việc các cơ quan trung ương tham gia vào việc đẩy mạnh chiến lược 3R sẽ đóng vai trò then chốt, nhưng các chiến dịch giáo dục được tiến hành trên quy mô toàn quốc sẽ khuyến khích người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp thay đổi thói quen và chấp nhận nguyên liệu tái chế.
Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, một chính sách khuyến khích các nhà sản xuất có trách nhiệm xử lý sản phẩm hậu tiêu dùng. Trách nhiệm này về nguyên tắc có thể giảm lượng rác thải tại nguồn, đẩy mạnh thiết kế sản phẩm vì môi trường và hỗ trợ các mục tiêu tái chế và quản lý nguyên vật liệu.
Những quy định này sẽ mở đường cho việc phổ biến các nguyên liệu nhựa tái chế.
“Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất sẽ được áp dụng trong năm 2024 và luật này sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam và làm đất nước chúng ta xanh, sạch, đẹp,” ông nói.
Nhận xét về xu hướng CSR trong cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Anh cho biết các công ty không những muốn đóng góp tài chính cho cộng đồng mà còn đóng góp cho môi trường và các cam kết xã hội khác, và “Tái chế Duy Tân tự hào đóng góp cho Việt Nam bằng chính các hoạt động” đẩy mạnh bảo vệ môi trường như là yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững.
“Tái chế Duy Tân là công ty hàng đầu về tái chế nhựa, tất cả hoạt động của chúng tôi được xem là các hoạt động CSR vì các hoạt động của chúng tôi đều hướng đến môi trường Việt Nam, giảm lượng rác thải nhựa và tái chế chai nhựa,” ông Lê Anh cho biết.