Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Công việc sau chuyển đổi mới quan trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công việc sau chuyển đổi mới quan trọng

Lê Văn Tứ

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) - Chỉ còn gần ba tháng nữa Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ hết hiệu lực. Đó cũng chính là thời hạn chuyển 1.500 DNNN còn đang hoạt động theo Luật DNNN thành công ty TNHH một thành viên.

Thời gian còn lại quá ít và đã có ý kiến đề nghị gia hạn. Song có lẽ không cần, nếu hình dung công việc chuyển đổi theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP ngày 19-3-2010 của Chính phủ gồm hai bước.

Bước 1: chuyển đổi danh nghĩa doanh nghiệp thông qua thủ tục đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Tuy chỉ là thủ tục pháp lý, nhưng cần thiết và có thể hoàn thành trước ngày 1-7-2010.

Bước 2: chuyển đổi nội dung, có thể khởi động từ giờ, nhưng không buộc kết thúc trước ngày 1-7-2010. Bước này giải quyết những vấn đề quan trọng nhất, khó khăn nhất, tốn thời gian nhất: kiểm kê và đánh giá lại tài sản, xác định chiến lược kinh doanh, chấn chỉnh bộ máy, sắp xếp cán bộ, xây dựng cơ chế quản lý. Khó khăn trong bước này không chỉ do thiếu tiền lệ, mà còn do phải điều hòa các mối quan hệ đan xen, thậm chí đối chọi nhau giữa các nhóm lợi ích.

Không chỉ là thay áo mới

Nghị định 25 không chỉ giới hạn trong những quy định trực tiếp liên quan tới chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH một thành viên, mà còn có nhiều quy định về tổ chức và quản lý doanh nghiệp sau chuyển đổi, những việc nhất thiết phải làm nhằm đổi mới thực sự doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp không chỉ có bộ áo mới, mà còn trở thành một thực thể kinh tế cường tráng.

Rõ ràng tầm nhìn của Nghị định 25 sâu rộng hơn, không chỉ cần áp dụng đối với các doanh nghiệp chuyển đổi đợt này, mà cần cho cả những doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển đổi trước đây. Đã có ý kiến cho rằng ở nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là ở những nơi mà Nhà nước là cổ đông đa số (nắm từ 51% cổ phần trở lên) và nắm quyền chi phối, chưa có những đổi mới thực sự về quản lý. Cho nên cần vận dụng tinh thần của Nghị định 25 đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, coi đó như một bước hoàn thiện quản lý khu vực nhà nước.

Nếu nền kinh tế bao cấp trước đây không chấp nhận kinh tế tư nhân, kể cả cá thể, thì nền kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là kinh tế thị trường) lại đòi hỏi sự hiện diện của kinh tế nhà nước như một thành phần không thể thiếu. Điều này đã được ghi nhận trong các văn bản mang tính cương lĩnh. Vì vậy, trước hết cần khẳng định mục tiêu cổ phần hóa và chuyển đổi DNNN không nhằm thu hẹp hay xóa bỏ DNNN, mà nhằm củng cố và làm cho DNNN trở nên vững mạnh hơn.

Từ trước tới nay, tầm quan trọng của DNNN luôn được gắn với vai trò “chủ đạo”, nhưng nội hàm khái niệm “chủ đạo” thì khá lờ mờ. Còn trong thực tế, vai trò “chủ đạo” của DNNN chủ yếu dựa vào những ưu ái quá mức của Nhà nước. Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp này nói chung rất thấp.

Tình trạng nói trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ vai trò “không thể thiếu” của DNNN đối với những lĩnh vực quốc kế dân sinh mà các thành phần ngoài nhà nước không đủ sức hoặc không muốn làm. Nguyên nhân chủ quan là duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung bao cấp.

Còn ra khỏi thực trạng này, phải áp dụng cơ chế thị trường nhằm phát huy ưu thế vốn có của từng thành phần kinh tế, mở đầu bằng sự tái sinh và phát triển của các cơ sở kinh tế ngoài nhà nước. Tuy nhiên, trong mấy chục năm kinh tế tập trung bao cấp, DNNN đã được xây dựng và trở thành những thực thể kinh tế lớn trong tất cả các ngành. Áp dụng cơ chế thị trường thực chất là tái cấu trúc về thành phần kinh tế, trong đó có vấn đề tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước. Định hướng tái cấu trúc về thành phần kinh tế ở nước ta đã được xác định là mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, hoạt động đan xen trong thế nương tựa vào nhau để cùng phát triển, không có “ai thắng ai”.

Theo định hướng đó, khu vực nhà nước đã và đang được điều chỉnh theo hướng tập trung vào những lĩnh vực quan trọng mà khu vực ngoài nhà nước không đủ sức hoặc không muốn làm. Tầm quan trọng của DNNN và vai trò “chủ đạo” của nó phải biểu hiện ở đấy. Hiệu quả kinh tế thấp của DNNN cũng có thể có nguyên nhân từ đấy. Cho nên đã đến lúc cần chứng minh vai trò mới của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Không nên lấy con số đóng góp 40% trong GDP của kinh tế nhà nước (thấp nhiều so với thời hưng thịnh của nó) mà cho rằng nó không còn quan trọng.

Chứng minh rõ điều này, một mặt sẽ tạo cơ sở lý luận cho nhiều luận điểm quan trọng trong cương lĩnh xây dựng đất nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2010-2020); mặt khác sẽ cho thấy rõ định hướng tiếp tục đổi mới DNNN.

Những vấn đề còn lại

Công cuộc đổi mới DNNN đã diễn ra chủ yếu thông qua hai con đường là cổ phần hóa và chuyển đổi (thành công ty TNHH một thành viên). Cổ phần hóa khác chuyển đổi ở chỗ nó làm thay đổi sở hữu. Do đó cổ phần hóa đồng nghĩa với tư nhân hóa với mức độ khác nhau. Cổ phần hóa toàn bộ là tư nhân hóa toàn bộ, công ty cổ phần loại này chuyển sang khu vực dân doanh, chịu sự quản lý của Nhà nước như mọi công ty dân doanh khác. Cổ phần hóa một phần là tư nhân hóa một phần, hình thành các doanh nghiệp sở hữu hỗn hợp (thường gọi là công ty cổ phần có vốn nhà nước).

Phải nói rằng nhận thức của chúng ta về loại công ty cổ phần này còn chưa sáng tỏ và minh bạch. Luật DNNN coi các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm quyền chi phối là DNNN, có nghĩa là mặc nhiên phủ nhận thay đổi sở hữu, mặc nhiên công nhận các cơ quan quản lý nhà nước có quyền quản lý các công ty này như quản lý DNNN, cũng là vô hiệu hóa quyền chủ sở hữu của cổ đông thiểu số là những cá nhân. Cho nên nhiều vấn đề tổ chức và quản lý trong các công ty cổ phần sở hữu hỗn hợp vẫn mang tính thời sự.

Khác với cổ phần hóa, chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH một thành viên không làm thay đổi sở hữu. Tuy mang tên công ty TNHH nhưng doanh nghiệp vẫn là của Nhà nước. Thay đổi căn bản là ở mặt trách nhiệm. Từ nay doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, không được dựa dẫm vào Nhà nước như trước.

Là chủ sở hữu, Nhà nước có quyền và trách nhiệm quản lý kinh doanh đối với doanh nghiệp, nhưng trách nhiệm vật chất của Nhà nước lại chỉ gói gọn trong số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, đúng nghĩa đen của cụm từ TNHH. Các đối tác của công ty TNHH cần lưu ý cái nghĩa đơn giản nhưng rất sát phạt này.

Nghị định 25 đã chỉ định những tổ chức được trao quyền chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên. Song, cần thấy rằng những tổ chức đó chỉ được Nhà nước trao quyền chủ sở hữu. Còn chủ sở hữu thực sự của công ty cổ phần (về phần vốn nhà nước) và công ty TNHH một thành viên vẫn là Nhà nước.

Do Nhà nước là một thiết chế, không thể trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu trong quản lý cụ thể, nên Nghị định 25 phải cá nhân hóa quyền đó. Tuy vậy, việc đó cũng chưa triệt để. Cá nhân duy nhất được chỉ định làm chủ sở hữu trong một số trường hợp là Thủ tướng Chính phủ. Còn các trường hợp khác, chủ sở hữu được chỉ định đều là tổ chức (bộ, UBND tỉnh, thành phố, công ty mẹ các loại…). Trong trường hợp chủ sở hữu là tổ chức này, phải ngầm hiểu đó là người đứng đầu tổ chức hay có thể ủy quyền?

Ngoài ra, còn có ba điểm đáng lưu ý khác.

i) Theo Nghị định 25, có nhiều tổ chức được trao quyền chủ sở hữu, nhưng cần luôn nhớ rằng DNNN cũng chỉ có một chủ sở hữu thực sự duy nhất là Nhà nước. Xuất hiện vấn đề cơ chế điều hành của chủ sở hữu duy nhất là Nhà nước này đối với các tổ chức được trao quyền chủ sở hữu. Thiếu cơ chế này khó tránh khỏi tình trạng hoạt động chồng lấn, cạnh tranh nhau, sự chỉ đạo thống nhất và nguồn lực của Nhà nước sẽ bị phân tán.

ii) Trong các công ty có sở hữu nhà nước, người được chỉ định đóng vai chủ sở hữu thực ra cũng chỉ là người làm thuê, người được chỉ định trực tiếp quản lý ở công ty cũng là người làm thuê trong vai trò đại diện chủ sở hữu. Làm sao thống nhất được ý chí, hành động giữa những con người này trên cơ sở thống nhất được lợi ích của Nhà nước với lợi ích của những người quản lý làm thuê? Bài toán này hình như chưa được đặt ra.

iii) Nhìn chung, chủ sở hữu được chỉ định trong Nghị định 25 đều là những cơ quan quản lý nhà nước, nay lại thêm chức năng quản lý của chủ sở hữu. Như vậy, làm sao tách được quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh như ý tưởng đã hình thành lâu nay?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới