Corona, thuốc thử mạnh
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
(TBKTSG) - Dịch cúm corona như quả bom tấn với sức công phá dữ dội vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh và các nước liên đới trong đó có Việt Nam.
Khẩu trang đã trở nên khan hiếm trong mùa dịch cúm corona. Ảnh: THÀNH HOA |
Corona như cơn bão gây thiệt hại nặng nề, không chỉ cho các ngành sản xuất, nông nghiệp, giao thông, du lịch, dịch vụ, mà cả những lĩnh vực tưởng vô hại như giáo dục. Ngành nào cũng chới với. Không ít người hốt hoảng, có nơi như sắp tận thế. Người bi quan cho rằng đây chính là quả báo của thiên nhiên vì những phá hoại môi trường, bạc đãi vạn vật hoang dã mà con người đã gây ra.
Dù thế nào thì con người vẫn phải sống. Trước khi tính chuyện phát triển thì phải đối mặt với dịch để tồn tại và vượt qua bĩ cực. Sợ hãi hay than vãn không giải quyết được gì. “Họa hề phúc chi sở ý” (trong họa ẩn phúc). Người lạc quan nhắc nhau những lời Phật dạy: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh. Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy. Việc đã làm thì đừng cầu mong dễ thành công, vì việc dễ thành công thì lòng mình thường kiêu ngạo...”. Quả là có bệnh tật thì mới biết quý sức khỏe, có sợ chết mới biết sống tốt, có gặp tai ương mới quý hạnh phúc...
Tùy theo sức đề kháng mà có liệu pháp cụ thể để phòng trị. Dịch bệnh corona chính là “liều thuốc thử mạnh và chất lượng”. Trước loại thuốc thử không mong muốn này, con người - cả cá nhân lẫn tập thể - đã bộc lộ hết cá tính lẫn bản năng. Ai bình tĩnh đối phó, ai bộp chộp cả tin, ai sáng suốt thích nghi, ai cuống quít hoảng loạn... “Cháy nhà ra mặt chuột”. Corona giúp tất cả nhìn lại và rõ hơn về từng cá nhân cho đến mỗi tập thể.
Không ít những người bình dị đời thường bỗng sáng đẹp giữa hoạn nạn. Sự chia sẻ, tiếp sức đến từ mọi thành phần, mọi quốc gia, kể cả từng có bất đồng, hiềm khích, và bằng cả lời nói lẫn việc làm cụ thể. Từ những dòng chữ điện tử chạy trên các cao ốc, công trình, phương tiện giao thông cho đến những thùng hàng, những chuyến xe cứu trợ. Từ những cụ già tặng cả lương hưu, những em bé dành trọn tiền lì xì, những tài xế taxi gồng mình phục vụ miễn phí, cho đến các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các vùng dịch...
Nhưng bên cạnh những doanh nghiệp bỏ tiền tỉ hỗ trợ các thiết bị y tế cho vùng dịch hoặc cho người dân ở những vùng dịch thì cũng có những cá nhân hay tập thể “đục nước béo cò”, đầu cơ, tăng giá cả vật tư lẫn sản phẩm để làm giàu trên nỗi đau của đồng loại. Cá biệt có người làm giả giấy nhiễm corona để câu like, hay tung tin giả, hay dùng corona để quảng bá hình ảnh cá nhân... Họ thật lạc lõng giữa nhiều điểm sáng trong cuộc tiếp sức cho cuộc chiến chống đại dịch.
Có thể thấy những tổn thương từ corona đã làm bộc lộ những “gót chân Achilles”, là thời cơ để các doanh nghiệp lẫn quốc gia nhìn lại mình, xem xét và điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp, tương thích. Với các doanh nghiệp, đó là thước đo bản lĩnh thật sự trước phong ba, là thời điểm để sắp xếp lại bộ máy, huấn luyện nhân sự, chuẩn bị tăng tốc.
“Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai” (lời cụ Phan Bội Châu). Corona sẽ sàng lọc những doanh nghiệp chụp giựt, ăn xổi, dối trá và tưởng thưởng xứng đáng sự trung thực, kiên cường.
“Vàng thật không sợ lửa”. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Nhất định vậy.