(KTSG Online) – Tập đoàn bất động sản Country Garden của Trung Quốc ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 48,9 tỉ nhân dân tệ (6,7 tỉ đô la Mỹ) trong nửa đầu năm nay. Country Garden cũng cảnh báo rủi ro vỡ nợ khi đang chật vật tìm cách sinh tồn trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa thoát ra được cuộc khủng hoảng thanh khoản.
- Country Garden, quân cờ domino tiếp theo trong khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc?
- Làn sóng bán tháo cổ phiếu được kích hoạt trước tin Country Garden lỗ lớn
Kết quả kinh doanh trên, công bố hôm 30-8, cho thấy sáu tháng ảm đạm đối với Country Garden - tập đoàn bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc về doanh số bán hàng và cho đến gần đây vẫn được coi là an toàn hơn nhiều công ty cùng ngành.
Khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay của Country Garden cũng báo hiệu một viễn cảnh tồi tệ đối với lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 25% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Tập đoàn này đã báo cáo khoản lỗ 6,7 tỉ nhân dân tệ trong nửa cuối năm 2022 sau khi ghi nhận khoản lãi 612 triệu nhân tệ trong sáu tháng trước đó.
Country Garden ghi nhận doanh thu trong nửa đầu năm nay đã tăng 39% lên 226 tỉ nhân dân tệ, nhưng lưu ý thêm rằng để đảm bảo giao nhà đã hoàn thiện đúng hạn, công ty đã phải “cân bằng giữa khối lượng bán và giá bán tại một số dự án bất động sản”.
Dù doanh thu tăng, tập đoàn này vẫn lỗ do khối lượng bán và giá bán giảm cũng như sự suy giảm giá trị đối với các bất động sản đang được phát triển, các tài sản tài chính và tài sản phát sinh từ hợp đồng.
“Tính thanh khoản của tập đoàn đang chịu áp lực chưa từng có với sự thắt chặt kép về doanh số và tài chính”, Country Garden cho biết.
Mối lo ngại về sức khỏe tài chính của Country Garden tăng lên vào đầu tháng này khi công ty không thể thanh toán lãi suất coupon của một số lô trái phiếu quốc tế. Nhà phát triển bất động sản này đề nghị các chủ nợ Trung Quốc gia hạn 40 ngày đối với trái phiếu nhân dân tệ đáo hạn vào tuần tới.
Country Garden cảnh báo, nếu kết quả tài chính tiếp tục xấu đi, tập đoàn có thể không thể đáp ứng các nghĩa vụ. “Điều này có thể dẫn đến vỡ nợ”, bản công bố thông tin của Country Garden hôm 30-8 cho hay. Country Garden cũng lưu ý những bất ổn lớn có thể gây ra “sự hoài nghi đáng kể về khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của tập đoàn”.
Bất ổn của Country Garden là vết nứt mới nhất trong cuộc khủng hoảng thanh khoản bất động sản kéo dài hai năm bắt đầu từ vụ vỡ nợ của China Evergrande vào năm 2021.
Country Garden ghi nhận còn các khoản nợ khoảng 1,36 nghìn tỉ nhân dân tệ (186,6 tỉ đô la) tính đến cuối nửa đầu năm 2023. Công ty cho biết sẽ xem xét áp dụng các biện pháp quản lý nợ khác nhau để giải quyết “áp lực thanh khoản theo từng giai đoạn”.
Bắc Kinh đã sớm triển khai các biện pháp yêu cầu giảm nợ ở các nhà phát triển bất động sản trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, sau đó, giới chức trách buộc phải nới lỏng cách tiếp cận này do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và có ít dấu hiệu cải thiện.
Hôm 30-8, các thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến thông báo nới lỏng các điều kiện cho vay thế chấp đối với người mua nhà lần đầu. Trước đây, các biện pháp hạn chế cho vay thế chấp là một phần của cách tiếp cận rộng hơn được thiết kế để giải quyết tình trạng giá nhà quá nóng.
Đà tăng trưởng trì trệ kéo dài đã ảnh hưởng đến giá nhà ở Trung Quốc trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm và hoạt động xây dựng căn hộ mới bị trì hoãn.
Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc quyết định không giải cứu bất cứ công ty bất động sản nào. Tuy nhiên, cách tiếp cận của giới chức trách đối với Country Garden đang được theo dõi chặt chẽ.
“Khả năng tránh vỡ nợ của Country Garden phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính bổ sung từ các cơ quan quản lý trong những tuần tới. Nhưng chúng tôi nhận thấy xác suất để điều này xảy ra đang giảm đi”, các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong một báo cáo.
“Dù có hay không có một vụ vỡ nợ chính thức, Country Garden sẽ không thể phát triển được nữa và chúng tôi nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn này”, các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định.
Theo dữ liệu của Dealogic, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ đối mặt với khoản thanh toán trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ và đô la trị giá 38 tỉ đô la trong 4 tháng tới.
“Các vụ vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản chắc chắn tiếp tục xảy ra vì áp lực dòng tiền đối với hầu hết tất cả các nhà phát triển tư nhân sẽ chưa sớm biến mất. Bất kỳ động thái hỗ trợ chính sách nào đến sẽ cần có thời gian để tạo ra dòng tiền, doanh số bán nhà và khởi công xây dựng mới”, Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đại lục tại hãng dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL, nói.
Country Garden đã lên kế hoạch huy động 300 triệu đô la từ đợt chào bán cổ phiếu mới vào cuối tháng 7, nhưng đột ngột hủy bỏ thương vụ này vào phút cuối.
Hôm 30-8, Country Garden công bố kế hoạch phát hành 270 triệu đô la Hồng Kông (34 triệu đô la) cổ phiếu mới tại Hồng Kông với mức chiết khấu 15% so với giá đóng cửa vào hôm 29-8. Tất cả số tiền huy động sẽ được sử dụng để trả các khoản vay hiện tại của Country Garden.
Theo Financial Times, Bloomberg