Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc đốc thúc các ngân hàng cho vay để hoàn thiện các dự án căn hộ dang dở

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới lãnh đạo Trung Quốc đang đốc thúc các ngân hàng tăng cường cho các công ty phát triển nhà ở vay tiền, giúp lấp khoảng trống nguồn vốn cần thiết ước tính 446 tỉ đô la vốn để hoàn thiện hàng triệu căn hộ trên cả nước.

Giới chức trách Trung Quốc đang hoàn thiện danh sách 50 nhà phát triển bất động sản đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính. Danh sách này dự kiến sẽ bao gồm Country Garden, cùng với Sino-Ocean và CIFI Holdings Group Co. Ảnh: Bloomberg

Hôm 22-11, Bloomberg đưa tin các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang hoàn thiện danh sách dự thảo gồm 50 nhà phát triển đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, bao gồm Country Garden (đã vỡ nợ) và Sino-Ocean Group, đang đối mặt vỡ nợ. Động thái mới cho thấy Trung Quốc đang chuyển hướng để giúp đỡ một số nhà xây dựng đang gặp khó khăn nhất. Trong cuộc họp tháng trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nên tăng nguồn vốn cho các nhà phát triển để giảm nguy cơ vỡ nợ thêm và đảm bảo các dự án căn hộ được hoàn thành.

“Việc đảm bảo những ngôi nhà đang thi công dang dở được hoàn thiện là một vấn đề quan trọng. Điều đó sẽ tạo ra sự tin tưởng của người dân đối với chính phủ và ngân hàng”, Lu Ting, nhà kinh tế của Nomura Holdings, bình luận.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế rộng lớn hơn, các động thái trong tuần này cho thấy tính cấp bách ngày càng tăng trong việc ngăn chặn vòng xoáy đi xuống của lĩnh vực bất động sản, có thể làm chệch hướng tăng trưởng và đe dọa sự ổn định tài chính.

Đón nhận thông tin tích cực, cổ phiếu và trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc tăng giá mạnh. Hôm 22-11, trái phiếu đô la có lãi suất 5,625% của Country Garden, đáo hạn vào năm 2030, đã tăng 40%, lên 7,1 cent so với mệnh giá 1 đô la. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của trái phiếu này từ ngày 26-9. Cổ phiếu của nhà phát triển này ở Hồng Kông cũng tăng tới 17% trong phiên giao dịch hôm 23-11.

Nhưng chưa rõ liệu các biện pháp mới nhất có đủ để khôi phục niềm tin hay không. Việc chuyển nhiều gánh nặng hơn sang các ngân hàng cũng đi kèm với rủi ro. Ngành ngân hàng trị giá 56 nghìn tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc đang chật vật kinh doanh với tỷ suất lợi nhuận sụt giảm và các khoản nợ xấu tăng lên khi các nhà chức trách liên tục gia tăng áp lực, buộc các ngân hàng tăng cường cho vay để hỗ trợ nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản.

Biên lãi ròng tại các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,74% vào cuối nửa đầu năm 2023, dưới ngưỡng 1,8%, được coi là cần thiết để duy trì mức sinh lời hợp lý.

Cổ phiếu của ngành ngân hàng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Một chỉ số của Bloomberg, theo dõi cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, giảm tới 18% trong năm nay so với mức cao nhất hồi tháng 5. Trong khi đó, mức định giá của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc đang thấp kỷ lục, khoảng 0,4 giá trị sổ sách. Cổ phiếu ngân hàng vẫn gặp khó ngay cả sau khi các cơ quan quản lý cho phép các ngân hàng cắt giảm lãi suất tiền gửi 3 lần trong năm qua để giảm bớt áp lực về biên lợi nhuận và hạ yêu cầu dự trữ bắt buộc 2 lần trong năm nay để tăng khả năng cho vay.

Trong biên bản cuộc họp hồi tháng 10, công bố hôm 22-11, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh, việc các ngân hàng tăng cường cung cấp vốn cho các nhà phát triển sẽ làm giảm bớt những kỳ vọng bi quan của các hộ gia đình về thị trường bất động sản

“Giống như morphine giúp giảm bớt cơn đau, dù bất động sản Trung Quốc cần có thời gian để phục hồi, vốn cho vay mới nhằm đảm bảo hoàn hiện các dự án còn dang dở và ngăn chặn những lo lắng ngày càng tồi tệ về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Điều quan trọng là hành động này cần phải được thực hiện trước hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên của chính phủ Trung Quốc vào tháng tới” Steven Leung, giám đốc cấp cao của UOB Kay Hian, ở Hồng Kông, nói.

Đối với giới chức trách Trung Quốc, nhiệm vụ ổn định lĩnh vực bất động sản vẫn còn nhiều thách thức. Nomura ước tính, tổng vốn còn thiếu hụt để hoàn thiện các đơn vị nhà ở còn lại ở Trung Quốc là khoảng 3,2 nghìn tỉ nhân dân tệ (446 tỉ đô la), theo một báo cáo trong tháng này.

Country Garden, cùng với Sino-Ocean và CIFI Holdings Group Co. đã được đưa vào danh sách dự thảo của Trung Quốc gồm 50 nhà phát triển đủ điều kiện nhận hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính. Các nguồn thạo tin cho biết, các cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện danh sách và gửi cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác trong vòng vài ngày tới.

Hao Hong, nhà kinh tế trưởng của Grow Investment Group nhận định, để các chính sách mới nhất có hiệu quả, giới chức trách sẽ cần buộc các ngân hàng phải tuân thủ.

“Nếu chỉ khuyến khích, chứ có quy định bắt buộc các ngân hàng tăng cường cho vay, chính sách mới có lẽ sẽ vô ích. Nếu bạn là người đứng đầu một ngân hàng và bạn cấp các khoản vay cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, có khả năng đó sẽ trở thành những khoản vay khó đòi và những người liên quan có thể phải chịu trách nhiệm. Cần có những quy định cứng rắn, vì nếu không, người đứng đầu ở các ngân hàng lại sẽ không mạo hiểm hành động như vậy”, ông nói.

Các biện pháp trước đây của Trung Quốc phần lớn đã thất bại trong việc ngăn chặn vòng xoáy giảm giá của thị trường nhà ở. Các biện pháp mang tính nhỏ giọt đó bao gồm nới lỏng cho vay thế chấp đối người mua nhà, giảm tiền đặt cọc, giảm thuế thu nhập, thúc đẩy nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và nhà ở giá rẻ, cùng cam kết của Ngân hàng Nhân dân trung ương Trung Quốc cho các ngân hàng thương mại vay ưu đãi 200 tỉ nhân dân tệ để hỗ trợ các nhà phát triển hoàn thiện các dự án căn hộ.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới