Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19: Để ứng dụng truy tìm tiếp xúc thành công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19: Để ứng dụng truy tìm tiếp xúc thành công

Dr.-Ing. Thái Thanh Phương (Munich, CHLB Đức)

(TBKTSG) – Covid-19: Để ứng dụng truy tìm tiếp xúc thành công là bài viết tiếp theo của bài Covid-19: Giãn cách xã hội hay Smart IT truy tìm tiếp xúc? đã được đăng tải trên TBKTSG, số ra ngày 23-4-2020. Cả hai bài này đều do tác giả Dr.-Ing. Thái Thanh Phương viết.

Covid-19: Để ứng dụng truy tìm tiếp xúc thành công
Ảnh: Getty Images

Như đã đề cập trong bài viết trước (TBKTSG số 17-2020), hệ số lây nhiễm cơ bản R0 nhỏ hơn 1 là vạch mốc quan trọng để biết rằng dịch bị chặn đứng. Hệ số này, hiểu một cách đơn giản, tùy thuộc vào tổng số F1 tiếp xúc với F0 (bệnh nhân dương tính với virus corona) trong một đơn vị thời gian và thời gian trung bình F0 bị nhiễm.

Qua đó chúng ta thấy rằng, nếu xác định được rõ về những F1 (người tiếp xúc trực tiếp với F0) trong thời gian càng ngắn càng có cơ hội kiềm chế dịch lây lan. Đây là ý tưởng quan trọng, là tiền đề cho những nỗ lực kiến tạo một ứng dụng truy tìm tiếp xúc.

Nhưng truy tìm tiếp xúc với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (IT) là một chuyện, ứng dụng này có thành công hay không lại còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác.

Tương quan này ẩn dụ trong một mô hình toán cho sự lây nhiễm của đại dịch do một nhóm nhà khoa học ở Đại học Oxford (Anh) xây dựng. Họ đã dùng dữ liệu Covid-19 của một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Việt Nam, Ý, Đức để khảo sát mô hình.

Theo nghiên cứu này hệ số R0 được mô phỏng và hiển thị theo những tỷ lệ (%) sau:

Trục x hiển thị mức độ (%) cô lập được những trường hợp có triệu chứng (isolation of symptomatic cases).

Trục y hiển thị mức độ (%) truy tìm cách ly được tiếp xúc (quarantine of contacts).

D là thời gian chậm trễ (delay) từ khi cô lập F0 cho đến khi cách ly tất cả F1.

Hình 1, bên trái: Với giả thuyết trong một ổ dịch có khả năng ban đầu R0 = 2 (một người nhiễm truyền cho hai người) khi chưa có một biện pháp nào đối phó, cộng với phản ứng tức thời (D = 0) của cơ quan có thẩm quyền sau khi phát hiện cô lập F0 và truy tìm cách ly tiếp xúc F1, ta có khả năng giữ R0 = 2 khi linh hoạt dịch chuyển trên đường biểu diễn tiến về phía trái (nhiều truy tìm tiếp xúc y, ít cô lập triệu chứng x) hay về phía phải (nhiều cô lập triệu chứng x, ít truy tìm tiếp xúc y).

Cho trường hợp R0 = 1,7 (“dễ thở”) hay R0 = 2,5 (“căng”), với D = 0 thì khả năng kiểm soát R0 vẫn còn. Chỉ cần trễ nải D = 48 giờ là nỗ lực truy tìm tiếp xúc y cho trường hợp R0 = 2,0 hoặc R0 = 1,7 phải tăng lên, và R0 = 2,5 đã vượt khỏi tầm kiểm soát (Hình 1, bên phải).

Nếu nhìn “thoáng” hơn một chút, cho rằng tất cả một đơn vị (chung cư, cơ quan, hãng xưởng hay thành phố…) có khả năng có triệu chứng nhiễm virus, thì trục x sẽ hiển thị mức độ giãn cách xã hội đơn vị đó. Ta sẽ có một tương quan giữa mức độ giãn cách xã hội và mức độ truy tìm tiếp xúc.

Bổ sung vào quan sát này thêm “hệ lụy kinh tế”, là một hậu quả trực tiếp tịnh tiến của “giãn cách xã hội” – đây là một thực tế hiển nhiên – ta sẽ “kết nối” được biện pháp “truy tìm tiếp xúc”. Kết luận đơn giản của quan hệ tay ba này nhìn qua khía cạnh kinh tế là: Để có một “hệ lụy kinh tế” nhỏ, biện pháp nới lỏng “giãn cách xã hội” phải đi kèm với khả năng tăng tốc “truy tìm tiếp xúc”.

Nhóm nghiên cứu Oxford đã đưa ra kết luận: với một ứng dụng di động có ba tính năng – (i) tức thời truy tìm tiếp xúc, (ii) thông báo cho đối tượng di chuyển cẩn thận, (iii) tránh tiếp xúc với người lây nhiễm – khi được sử dụng rộng rãi, đúng đắn sẽ là một giải pháp hữu hiệu để giúp dập tắt đại dịch.

Có thể nói rằng, trong tình hình phức tạp khó lường của đại dịch Covid-19 còn đang tiếp diễn, ứng dụng truy tìm tiếp xúc là công cụ IT cần phải có một khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Điều đáng lưu ý là tính năng và phương thức sử dụng phù hợp với khảo sát trên sẽ quyết định cho việc thành công:

Đầu tiên là việc bắt buộc sử dụng, điều này nhằm để đạt được tỷ lệ cao (70-80%) trên trục “y” truy tìm tiếp xúc. Không thể nào trông chờ vào tự nguyện của cá nhân trong tình trạng đại dịch (tương tự như “Đi xe máy thì phải đội mũ bảo hiểm” hay “Đã uống rượu bia thì không lái xe” được luật pháp quy định).

Thứ hai, tính năng cho việc kiểm soát sử dụng, bao gồm hiển thị logo khi ứng dụng hoạt động, đấy là một “thông hành phụ” phải xuất trình để được vào cơ quan, khách sạn, nhà hàng, đi xe buýt, phi cơ, hay qua cửa khẩu…

Ghi chép vào một bản (log) riêng thời điểm tắt/bật Bluetooth, tắt/bật nguồn để bảo đảm không có “lỗ hổng” trong quá trình tiếp xúc.

Thứ ba, dữ liệu tiếp xúc cần phải đầy đủ để cơ quan chức năng có thể nhanh chóng, chủ động tìm ra và liên lạc với F1, F2.

Thứ tư là tính năng cách ly. Khi người sử dụng được thông báo là F1 thì ứng dụng phải được chuyển qua chế độ cách ly. Tính năng này phải được lập trình sao cho F1 và cơ quan trách nhiệm thực hiện được tốt nhất chương trình cách ly.

Thứ năm, quyền chủ động là của cơ quan chức năng. Sau khi một F0 được xác định, “log” dữ liệu tiếp xúc phải được lập tức gửi lên máy chủ. Với một ứng dụng hỗ trợ IT trên máy chủ, cơ quan trách nhiệm chủ động triển khai lập tức “chế độ báo động” cho F1 (gửi tin nhắn cho F1, thông báo đến địa phương…). Quy trình này phải nhanh và chặt chẽ để thời gian chậm trễ D nhỏ như có thể.

Sau đó một quy trình quản lý F1 cũng phải có để hỗ trợ cho việc mở/khép lại giai đoạn cách ly.

Cuối cùng là bổ sung dữ liệu trên máy chủ. Những dữ liệu y tế, xã hội, kinh tế, điều hành… có ích cho việc lập mô hình nghiên cứu sau này (Data Analytics, AI) nên được bổ sung vào.

* * *

Trong thực tế các quốc gia như Mỹ, Ý, Pháp, Đức… đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn đầu, số người bị nhiễm quá nhiều, khắp nơi, thời gian chậm trễ D quá lớn, hệ số R0 không xác định được, nên chỉ có một biện pháp duy nhất là giãn cách xã hội. Sau gần một tháng, những biện pháp nới lỏng bắt đầu thực thi. Những dự án về một ứng dụng cho việc truy tìm tiếp xúc trên nền tảng kỹ thuật Bluetooth được nói đến, hoặc đã và đang trong quá trình đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, điểm qua một vòng các ứng dụng này, hầu như những điều kiện nêu trên không được thỏa ứng. Trọng tâm của các ứng dụng là bảo vệ dữ liệu cá nhân (được bàn cãi rất nhiều) và quyền chủ động thuộc về cá nhân sử dụng (không bắt buộc sử dụng, tự so sánh với bảng F0 của máy chủ), vai trò của cơ quan chức năng mập mờ.

Chắc chắn rằng một công cụ IT hỗ trợ như ứng dụng truy tìm tiếp xúc chỉ là một biện pháp hữu hiệu bổ sung cho những biện pháp tích cực khác trong nỗ lực kiềm chế đại dịch. Nhưng những “lỏng lẻo” của các ứng dụng nêu trên cho thấy một tinh thần vận dụng thiếu kiên quyết trong một cuộc chiến chống đại dịch. 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới