Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong quí 1-2022, nhưng ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của nước này đang đe dọa nghiêm trọng đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kinh tế Trung Quốc hụt hơi trong tháng 3

Các số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 18-4 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong quí 1 đạt mức tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này cao hơn so với mức dự báo 4,3% của các nhà phân tích tại Bloomberg và cả mức tăng trưởng 4% trong quí 4-2021. Theo CNN Business, đà tăng trưởng ấn tượng này đã được thúc đẩy chủ yếu bởi hoạt động kinh tế khả quan trong hai tháng đầu năm, với một số chỉ số vượt xa dự báo của giới chuyên gia.

Tuy nhiên, những thông tin tích cực này là chưa đủ để xua tan đi những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; các trung tâm kinh tế lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến bị phong tỏa; và nhiều biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng tại các địa phương khác.

Dấu hiệu về một sự giảm tốc rõ rệt đã được thể hiện qua các số liệu về hoạt động sản xuất của các nhà máy và doanh số bán lẻ trong tháng 3. Theo NBS, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này mạnh hơn so với mức dự kiến của các chuyên gia là 3%, và kém xa mức tăng trưởng 6,8% của 2 tháng đầu năm. Hoạt động sản xuất công nghiệp dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã giảm tốc đáng kể so với mức tăng 7,5% của hai tháng đầu năm.

Thị trường bất động sản – một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc cũng cho thấy sự suy yếu hơn nữa, khi doanh số bán nhà giảm 22,7% và niềm tin của thị trường tiếp tục sụt giảm sau những vụ vỡ nợ của một số công ty bất động sản lớn.

Trên thị trường việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc trong tháng 3 ở mức 5,8% – mức cao nhất kể từ tháng 5-2020 và tăng nhẹ từ mức 5,5% trong tháng 2. Tuy nhiên, nếu tính riêng tại 31 thành phố lớn, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 5,4% trong tháng 2 lên 6% trong tháng 3 – mức cao kỷ lục.

“Các dữ liệu trong tháng 3 cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là tiêu dùng hộ gia đình, trong bối cảnh chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa tại Thâm Quyến và Thượng Hải, cũng như nhiều biện pháp hạn chế đi lại ở các địa phương khác”, Oxford Economics cho biết trong một báo cáo công bố ngày thứ Hai đầu tuần. “Dịch vụ và tiêu dùng hộ gia đình sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do tác động trực tiếp từ các biện pháp hạn chế đi lại, cũng như triển vọng việc làm, thu nhập sụt giảm khi nền kinh tế suy yếu”.

Triển vọng tăng trưởng ảm đạm

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong tháng 4, khi các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục điêu đứng vì dịch bệnh, giới chức nước này đang có quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng.

“Chúng ta cần nhận thức rằng môi trường trong nước và quốc tế đang ngày càng trở nên phức tạp và bất ổn. Sự phát triển kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức đáng kể”, phát ngôn viên Fu Linghui của NBS cho biết. “Về xu hướng của giai đoạn tiếp theo, mặc dù có một số áp lực trong ngắn hạn đối với nền kinh tế… nhưng trong phạm vi cả năm, nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ duy trì xu hướng phục hồi”.

Trước đó, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2022 là 5,5% – mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, phần lớn giới chuyên gia kinh tế đều cho rằng, ngay cả mục tiêu này giờ cũng đang ở ngoài tầm với của Trung Quốc.

“Các dữ liệu kinh tế trong tháng 4 có thể tồi tệ hơn nữa”, Larry Hu – chuyên gia về kinh tế Trung Quốc đại lục tại Macquarie Group nhận định, đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế trong cả năm của Trung Quốc có thể đạt mức 5%.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi đầu tháng này từng cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2022. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong cả năm 2022 từ 5,4% xuống còn 5%. Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm tốc từ mức 8,1% trong năm ngoái, xuống còn 4,9% trong năm nay.

Các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản tỏ ra bi quan hơn cả khi nhận xét “Dữ liệu kinh tế được dự báo sẽ giảm mạnh trong tháng 4, khi rủi ro suy thoái trong quí 2 tăng lên. Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% của Bắc Kinh trong năm nay đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Hiện chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể giảm xuống 4,3%”.

Cân bằng giữa chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế

Thượng Hải – thành phố lớn nhất và trung tâm kinh tế của Trung Quốc vẫn đang là tâm điểm chú ý của làn sóng dịch Covid-19 đang diễn ra. Thành phố này đã bị phong tỏa từ cuối tháng 3 khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy bị đình trệ và 25 triệu người dân phải ở trong nhà. Tuy nhiên, đây không phải là mối lo ngại duy nhất. Nomura ước tính, có tới 45 thành phố tại Trung Quốc đã bị đóng cửa toàn bộ hoặc một phần, ảnh hưởng tới một phần tư dân số cả nước và khoảng 40% nền kinh tế.

Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt sự gián đoạn kinh tế này, Chính phủ Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã công bố “danh sách trắng” bao gồm 666 công ty tại Thượng Hải sẽ được phép tiếp tục sản xuất. Gần 40% trong số này là các nhà sản xuất ô tô như Tesla, Volkswagen, General Motors… hoặc các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô.

Các nhà kinh tế cũng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ tài khóa nhiều hơn nữa trong năm nay để ổn định nền kinh tế. Hồi tháng 1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2020. Một đợt cắt giảm khác đã bị hoãn lại trong tuần trước, nhưng thay vào đó PBoC đã quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại ở nước này để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm chi phí tài chính. Nomura Research cho biết động thái này sẽ giải phóng 530 tỉ nhân dân tệ (84 tỉ đô la Mỹ) vốn có thể cho vay, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Các động thái trên được đưa ra trong bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến việc ổn định nền kinh tế. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục lên tiếng cảnh báo về những rủi ro kinh tế trong những tuần gần đây, và kêu gọi các quan chức cần “đánh giá thêm tính cấp bách” khi thực thi các chính sách hỗ trợ kinh tế. Trước đó, hồi tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải giảm thiểu tác động kinh tế trong các chính sách phòng chống dịch bệnh.

Chuyên gia Jean Charles Sambor tại bộ phận quản lý tài sản Ngân hàng BNP Paribas nhận định “Chúng tôi tin chắc rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẵn sàng làm tất cả để đảm bảo rằng, họ có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp hỗ trợ sẽ không mang lại nhiều hiệu quả chừng nào Bắc Kinh chưa chấp nhận điều chỉnh cách thức chống dịch của mình, bởi chiến lược zero Covid hiện đang bị coi là một rủi ro chính đối với triển vọng của nền kinh tế. Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Societe Generale nhận định “Trên thực tế, nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn. Vấn đề mà chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, là việc các biện pháp phong tỏa vẫn đang được áp dụng tại nhiều nơi”.

Đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự lo ngại về chiến lược chống dịch của Bắc Kinh và thúc giục các quan chức sớm có sự điều chỉnh. Phòng thương mại châu Âu mới đây đã lên tiếng cảnh báo về chi phí ngày càng đắt đỏ của các biện pháp phong tỏa, và cho biết, điều này đang ảnh hưởng lớn đến các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc.

Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia Tommy Wu tại Oxford Economics nhận định, “Chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ công bố các chính sách vĩ mô mạnh mẽ hơn trong quí 2 để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng tác động của chúng sẽ bị hạn chế bởi các biện pháp chống dịch. Mức độ hiệu quả của kích thích sẽ phụ thuộc vào việc liệu Bắc Kinh có nới lỏng zero Covid hay không. Nhìn chung, triển vọng kinh tế vẫn sẽ nghiêng về hướng suy giảm”.

Nguồn: SCMP, CNBC, CNN Business, Asia Nikkei, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới