Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm mạnh nhất trong 70 năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19 khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm mạnh nhất trong 70 năm

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Các biện pháp phong tỏa đi lại nhằm kiểm soát dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm mạnh nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai với mức giảm tương đương mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ trong một năm.

Covid-19 khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm mạnh nhất trong 70 năm
Đường phố hoang vắng ở Madrid, Tây Ban Nha sau khi chính quyền ra lệnh phong tỏa toàn quốc hồi giữa tháng 3. Các lệnh phong tỏa trên toàn cầu khiến nhu cầu dầu giảm mạnh. Ảnh: AFP

Đó là nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris (Pháp), trong bản báo cáo công bố hôm 30-4.

Theo báo cáo, trong năm nay, dù sử dụng điện gió và điện mặt trời nhiều hơn, người dân trên khắp thế giới sẽ giảm mạnh mức tiêu thụ dầu, khí đốt và than, dẫn đến khí thải carbon dioxide toàn cầu giảm ở mức chưa có tiền lệ 8%.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, nói: “Sau khi thoát ra cuộc khủng hoảng lần này, ngành năng lượng toàn cầu sẽ khác rất nhiều so với trước đại dịch Covid-19”.

Tính đến sáng 1-5, có hơn 3,3 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, bao gồm 234.074 ca tử vong. Giữc lúc chưa có thuốc điều trị Covid-19 và vắc-xin phòng ngừa căn bệnh này chỉ có thể xuất hiện sớm nhất vào cuối năm nay, các nỗ lực giảm sự tương tác trực diện giữa mọi người là cách duy nhất kiểm soát hiệu quả đà lây lan.

Song các biện pháp giãn cách xã hội đã tác động nghiệm trọng đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.

Báo cáo của IEA nhận định: “Đại dịch Covid-19 là cú sốc lớn nhất đối với hệ thống năng lượng toàn cầu trong 7 thập kỷ qua”. heo tính toán của IEA, mỗi tháng phong tỏa với quy mô như tháng 4 sẽ khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm 1,5%.

IEA nhận định nhu cầu năng lượng toàn cầu có thể giảm 6% trong năm 2020, mạnh gấp 7 lần mức giảm vào năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ. Mức giảm này tương đương với việc mất mát nhu cầu năng lượng của Ấn Độ trong một năm. Các nước giàu sẽ chứng kiến mức suy giảm nhu cầu năng lượng mạnh hơn, với mức giảm 9% ở Mỹ và 11% ở Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi tất cả các nguồn năng lượng gồm dầu, than, khí đốt tự nhiên, thậm chí năng lượng nguyên tử đều chứng kiến sự suy giảm thì năng lượng tái tạo có thể là điểm sáng duy nhất trong năm nay. Dưới đây là những điểm chú ý trong báo cáo của IEA.

IEA dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2020 sẽ suy giảm 6%, mức giảm mạnh nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh: Bloomberg

Dầu thừa mứa trên toàn cầu

Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm trung bình 9 triệu thùng/ngày trong năm nay, tương đương 9%, về mức thấp nhất kể từ năm 2012. Vào cuối tháng 3, các hoạt động vải tải đường bộ  suy giảm 50% trên toàn cầu, trong khi đó, vận tải hàng không ở một số nước châu Âu giảm hơn 90%. Do các lệnh phong tỏa lan rộng và kéo dài nên tháng 4 sẽ chứng kiến mức suy giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu lớn nhất, với mức suy giảm tiêu thụ nhiên liệu gần 1/3, về mức thấp nhất kể từ năm 1995.

Khi nhu cầu dầu rơi tự do, ngay cả những nỗ lực lớn nhằm bình ổn thị trường của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cũng không đủ sức ngăn ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu rơi vào cơn hỗn loạn. IEA cảnh báo một số vùng sản xuất dầu mỏ sẽ phải ngừng khai thác.

Nhu cầu than giảm mạnh

Nhu cầu than toàn cầu trong năm nay cũng đang hướng đến mức suy giảm khoảng 8%, mạnh nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai khi tiêu thụ than tiếp tục tổn thương do đại dịch Covid-19. Tỷ trọng của nhiệt điện than trong cơ cấu sản lượng điện đang suy giảm ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu và nhiều khu vực ở Mỹ.

Hoạt động đốt than để sản xuất điện ở một số nước châu Âu đang không có lợi nhuận, không được xã hội ủng hộ và đang chịu sức ép lớn bởi sự cạnh tranh của khí đốt giá rẻ và sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo cũng như các phong trào bảo vệ môi trường. Đại dịch Covid-19 chỉ càng thúc đẩy nhanh “cơn hấp hối” của ngành điện than.

Cú sốc cho khí đốt tự nhiên

Mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên có dấu hiệu suy giảm trong quí 1 ngay cả trước khi dịch Covid-19 lan tới châu Âu, chủ yếu là do một mùa đông ít lạnh hơn ở bắc bán cầu. Các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 càng đẩy nhanh tốc độ suy giảm đó với nhu cầu khí đốt tự nhiên giảm 5% trong năm nay, lần đầu tiên suy giảm kể từ năm 2009. Đây là một cú sốc đối với ngành công nghiệp khí đốt vốn đã quen với sự tăng trưởng liên tục.

Phần lớn sự suy giảm đến từ ngành điện khí vì xu hướng dịch chuyển nhanh sang năng lượng tái tạo và nhu cầu điện giảm. Theo IEA, trong năm 2020, nhu cầu khí đốt sẽ giảm 7% ở châu Âu nhưng giảm ít hơn ở Bắc Mỹ.

Năng lượng tái tạo bừng sáng

Dù nhu cầu năng lượng tổng thể trên toàn cầu suy giảm, năng lượng tái tạo ở nhiều nước vẫn nhận được sự ưu tiên khi hòa vào lưới điện. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất điện gió, điện mặt trời và thủy điện có thể bán tất cả điện mà họ sản xuất ngay cả khi các nhà máy điện khí và nhiệt điện than giảm công suất hoặc ngưng hoạt động hoàn toàn để ngăn ngừa mạng lưới điện bị quá tải. Các trang trại điện gió và điện mặt trời cũng được hưởng lợi nhờ các lượng ánh sáng mặt trời và gió tốt hơn mức bình thường ở một số khu vực trên thế giới.

Năm 2019, cùng với năng lượng nguyên tử, các nguồn năng lượng carbon thấp lần đầu tiên soán ngôi vị của than để trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất của thế giới.
Nhờ đà tăng trưởng của năng lượng tái tạo được bảo toàn trong năm nay, các nguồn năng lượng carbon thấp sẽ nới rộng khoảng cách với than và sẽ đóng góp 40% sản lượng điện toàn cầu.

Khí thải CO2 giảm mạnh

Khi mức nhiên liệu hóa thạch thoái lùi, khí thải carbon dioxide (CO2) cũng sẽ giảm mạnh. EIA dự báo khí thải CO2 sẽ suy giảm 8% trong năm nay, cao hơn nhiều so với các dự báo hồi tháng trước và lớn hơn nhiều so với các mục tiêu trong kịch bản bản tham vọng nhất để kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu. Song mức giảm đó có thể không đủ để ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng lên hoặc kìm hãm lượng khí nhà kính tích tụ trên bầu khí quyển.

Theo mục tiêu tham vọng nhất được đặt ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris, để giữ nhiệt độ trái đất tăng dưới 1,5 độ C đòi hỏi mức khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 phải giảm 50% so với mức của năm 2010. IEA cảnh báo nếu thế giới không tiến hành các thay đổi sâu về cấu trúc năng lượng, khí thải CO2 sẽ tăng trở lại khi các nền kinh tế hồi phục.

Theo Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới