Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 làm suy giảm các chỉ tiêu phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19 làm suy giảm các chỉ tiêu phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế

Vân Ly

(KTSG Online) – Theo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 của Chính phủ trước Quốc hội vào ngày 22-7, trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt.

Covid-19 làm suy giảm các chỉ tiêu phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế
Covid-19 được cho là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc đạt các chỉ tiêu đề ra của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Ảnh minh họa hoạt động của một doanh nghiệp dệt may. Ảnh: TTXVN

Thách thức cùng hạn chế trên hành trình phát triển

Trong báo cáo được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thay mặt Chính phủ, trình bày trước Quốc hội, về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021-2025, có đoạn: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức lớn, yếu tố khó lường, nhất là thiên tai, sự cố môi trường, đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 ảnh hưởng đến kết quả thực hiện năm và cả giai đoạn 2016-2020”.

Báo cáo của Chính phủ cho hay, trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch. Bội chi, nợ công giảm mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế chưa cao.

Ông Dũng cho rằng những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp. Thiên tai, dịch bệnh tác động mạnh và thường xuyên hơn. Đặc biệt đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020. Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn yếu kém, chưa chặt chẽ.

Sau khi nghe đại diện Chính phủ trình bày, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo đó về cơ bản Quốc hội tán thành với các kết quả đạt được trong 5 năm qua. Song cũng cho rằng có một số vấn đề nổi lên cần được Chính phủ nhấn mạnh thêm.

Ông Thanh cho biết trong 5/21 chỉ tiêu không đạt đều là các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế gồm: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm; GDP bình quân đầu người đến năm cuối kỳ. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đến năm cuối kỳ; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm cuối kỳ và Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn. Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng.

Thêm nữa thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, số vượt thu ngân sách địa phương khá cao nhưng chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần. Cơ cấu thu chưa đạt theo kế hoạch, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư chưa được phát huy. Thuế thu nhập doanh nghiệp trong tổng thu ngân sách nhà nước giảm. Nợ đọng thuế còn lớn, nhất là khoản thuế không có khả năng thu hồi…

Giai đoạn đầu thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, vẫn còn tình trạng giao vốn và giải ngân chậm dẫn đến phải kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đến hết năm 2020, số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại là 9.923 tỉ đồng.

Về công tác triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ông Thanh cho rằng, một số chính sách ban hành năm 2020 mức độ thực hiện rất thấp so với mục tiêu do không sát thực tiễn hoặc hướng dẫn thiếu cụ thể nên rất khó thực hiện, nhất là gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng. Gói hỗ trợ Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo Nghị quyết 135/2020/QH14 của Quốc hội chậm triển khai thực hiện. Đề nghị đánh giá làm rõ hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp đã thực hiện trong năm 2020 cả về thể chế và hướng dẫn thực thi.

Thêm nữa chi phí logistics còn ở mức cao, bằng khoảng hơn 20% GDP, gần gấp đôi mức trung bình trên thế giới. Nguồn nhân lực, khoa học công nghệ phát triển còn chậm. Năng suất lao động được cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực còn rất thấp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp còn cao (trên 32,2% tổng lao động xã hội), là khu vực có mức năng suất lao động thấp nhất (bằng 40,5% năng suất lao động).

Kinh tế tư nhân tiếp tục được hỗ trợ phát triển, song chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn trong công nghiệp công nghệ cao. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm và thương hiệu, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI. Bên cạnh tích cực, thu hút FDI đã và đang gây ra một số vấn đề tiêu cực cho nền kinh tế như nhập khẩu sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, khai thác tận kiệt tài nguyên thiên nhiên, trốn tránh nghĩa vụ tài chính. Các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chậm phát triển, nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian, có giá trị gia tăng thấp mà chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chưa hình thành liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất trong nước phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.

Nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng, thiếu nguồn lực để thực hiện, mức độ huy động từ nguồn xã hội hóa còn thấp. Tình trạng dư thừa cục bộ một số sản phẩm nông nghiệp dẫn đến hiện tượng phải giải cứu vẫn diễn ra trong nhiều năm.

Ngành du lịch ghi nhận bước phát triển rõ rệt nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, bảo vệ và khai thác các sản phẩm du lịch, đặc biệt là di sản; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đồng  bộ.

Mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 2021-2025

Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, ông Dũng cho biết Chính phủ đặt ra một số mục tiêu như sau: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020. Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020. Một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đưa ra hàng chục nhóm nhiệm vụ, giải pháp, khái quát như sau: Tập trung thực hiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Khẩn trương triển khai chiến lược vaccine toàn diện, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Ông Thanh cho hay, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với mục tiêu tổng quát và các mục tiêu chủ yếu cho giai đoạn 2021-2025 như trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị quan tâm một số vấn đề sau:

Nhất trí với các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 5 năm 2021-2025 nhưng chỉ tiêu hằng năm cần phấn đấu cao hơn. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, đề nghị Chính phủ quan tâm một số chỉ tiêu cụ thể về mức phấn đấu vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh, về năng lực cạnh tranh. Về chi phí logistics so với GDP, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân và tỷ lệ nội địa hóa để có định lượng thực hiện trong 5 năm tới.

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, song đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung sau đây:

Nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu, bứt phá phát triển trong những năm tiếp theo. Quy định cụ thể thời hạn, lộ trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng bao gồm: hoàn thành và thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh… xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém được kiểm soát đặt biệt. Thực hiện có hiệu quả việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành giao thông, đường sắt đô thị ở hai thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Sửa đổi, bổ sung pháp luật về ngân sách nhà nước và thuế nhằm tăng nguồn thu, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng, tạo dư địa phát triển nhiều hơn cho doanh nghiệp. Tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, tiếp tục cắt giảm mạnh chi thường xuyên, đặc biệt là chi hành chính, không để áp lực nợ công và trả nợ quay lại như thời điểm năm 2015.

Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, thị trường bất động sản, quản lý tài chính cho các đô thị lớn. Tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy nhanh thực hiện, triển khai mua vaccine ngừa Covid-19, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và nâng cao năng lực tổ chức tiêm phòng hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Đầu tư xây dựng, phát triển, quản lý quy hoạch đô thị theo hướng đô thị thông minh, xanh, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và nguồn lực, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; xây dựng thể chế, chính sách phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Khuyến khích hợp tác công tư, đầu tư tư nhân, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu; phát triển mô hình bác sỹ gia đình; đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới