Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 phủ bóng đen lên kinh tế Trung Quốc

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dịch Covid-19 đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế của Trung Quốc và làm tiêu tan những kỳ vọng của giới kinh doanh về khả năng chấm dứt chính sách zero Covid.

Viễn cảnh kinh tế ảm đạm

Tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc tuần qua đã ghi nhận những diễn biến đáng lo ngại khi số ca lây nhiễm mới liên tục gia tăng. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, chỉ trong ngày 26-11, nước này ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục là 39.791 ca. Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp Trung Quốc có số ca Covid-19 mới hàng ngày cao kỷ lục.

Theo Capital Economics, các đợt bùng phát dịch mới đã triệt tiêu những tác động tích cực từ việc nới lỏng chính sách phòng dịch trong thời gian qua. Các biện pháp phòng dịch hiện đã được thắt chặt tại hơn 80 thành phố của Trung Quốc, trong đó có các siêu đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Trùng Khánh - những khu vực tạo ra một nửa GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một báo cáo khác vừa được Nomura công bố cho thấy các khu vực chiếm 21,5% GDP của Trung Quốc hiện đang trong tình trạng bị phong tỏa, tăng mạnh so với mức 9,5% hồi tháng trước. Con số này tương đương với mức thiệt hại mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải gánh chịu khi trung tâm kinh tế Thượng Hải áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn thành phố hồi tháng 4 năm nay.

Các chuyên gia của Nomura cho biết “sự suy giảm đang diễn ra ở hầu hết các chỉ số kinh tế, và thậm chí còn tồi tệ hơn so với hồi quí 2, khi Thượng Hải và một số thành phố khác phải phong tỏa vì dịch bệnh”.

Nomura hiện đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí 4 từ 2,8% xuống 2,4%. Mức tăng trưởng kinh tế của cả năm 2022 cũng bị hạ từ 2,9% xuống còn 2,8%.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của Macquarie cho rằng tác động kinh tế của đợt bùng phát dịch lần này sẽ ít nghiêm trọng hơn so với đợt bùng phát trên toàn quốc hồi tháng 4 và tháng 5, nhưng thiệt hại vẫn là rất nặng nề. Sự sụt giảm các hoạt động kinh tế cũng được thể hiện rõ nét ở số lượng các chuyến bay nội địa, các chuyến tàu điện ngầm, doanh thu phòng vé và diện tích sàn bất động sản được bán ra.

Reuters cảnh báo về sự suy giảm mạnh hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng nội địa, sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc - những nước đang xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỉ đô la sang nước này.

Ngày mở cửa ngày càng lùi xa

Hồi đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc đã công bố 20 biện pháp nhằm tối ưu hóa công tác ứng phó dịch Covid-19, bao gồm rút ngắn thời gian cách ly đối với du khách quốc tế và hủy bỏ việc tạm ngừng các chuyến bay có ca nhiễm. Các chính quyền địa phương cũng được yêu cầu hạn chế sử dụng các biện pháp phong tỏa, trong khi hoạt động du lịch nội địa, các hoạt động giải trí được khôi phục phần nào. Các động thái này đã khiến bầu không khí tại Trung Quốc trở nên tích cực hơn, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán, khi nhiều nhà đầu tư dần hy vọng về một sự mở cửa.

Tuy nhiên giờ đây những hy vọng này trở nên mong manh hơn khi các biện pháp phòng dịch đang được tái áp đặt, một lần nữa làm nổi bật sự cân bằng mong manh mà Trung Quốc đang cố gắng đạt được giữa việc nới lỏng chính sách zero Covid để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong báo cáo công bố hôm 23-11, các nhà kinh tế học của Macquarie là Larry Hu và Zhang Yuxiao đánh giá, khó có khả năng Trung Quốc hoàn toàn quay trở lại chính sách zero Covid như cũ, nhưng quá trình thay đổi sẽ phải mất nhiều thời gian khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Chuyên gia Louis Loo của Oxford Economics nhận định: “Chúng tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đã sẵn sàng mở cửa. Chúng tôi dự đoán, chính phủ sẽ tiếp tục tinh chỉnh các biện pháp kiểm soát Covid trong những tháng tới, trước khi hướng tới việc mở cửa trở lại rộng rãi và toàn diện hơn”.

Theo các chuyên gia của Nomura, việc mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ là một quá trình kéo dài với chi phí cao.

Tâm lý bi quan của các doanh nghiệp

Thực tế đang diễn ra đang khiến các doanh nghiệp ngày càng tỏ ra bi quan vào triển vọng kinh tế. Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện bởi các chuyên gia nghiên cứu Đại học Bắc Kinh và Công ty tài chính Ant Group cho thấy, chỉ số niềm tin dựa trên phản hồi từ 20.180 chủ doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Các phòng kinh doanh nước ngoài tại Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng, việc tiếp tục áp dụng các chiến lược zero Covid, không có một lộ trình mở cửa rõ ràng, và tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi, đang khiến nhiều doanh nghiệp thất vọng. Nhiều công ty nước ngoài tại Trung Quốc được dự báo sẽ cân nhắc rời khỏi nước này nếu tình hình không sớm được cải thiện.

Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc (Eurocham China) mới đây đã gửi một bức thư ngỏ tới chính quyền thành phố Bắc Kinh, kêu gọi cần có “một lộ trình và thời gian biểu rõ ràng cho việc triển khai tiêm chủng toàn diện”.

“Điều này rất đáng lo ngại, vì kinh nghiệm tại Thượng Hải hồi đầu năm nay đã chỉ ra rằng, sau thời gian dài áp dụng các biện pháp phong tỏa, nhiều công dân nước ngoài có khả năng rời khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ gây bất lợi cho mục tiêu phát triển thành một thành phố quốc tế của Bắc Kinh”, bức thư ngỏ của Eurocham cho biết.

Việc áp dụng chiến lược zero Covid chưa thấy hồi kết của Chính phủ Trung Quốc vẫn đang là một trong những nỗi ám ảnh lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài kể từ đầu năm tới nay. Joerg Wuttke, Chủ tịch Eurocham China, cho biết: “Chúng tôi cần một lối thoát, được vạch ra rõ ràng với các mốc thời gian quan trọng để khôi phục niềm tin của mọi người”.

Các biện pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế

Để hỗ trợ nền kinh tế đang oằn mình trước sức ép từ dịch bệnh, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cuối tuần qua đã thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện, nhằm duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, dồi dào và giảm chi phí tài chính. Quyết định mới của PBoC có khả năng giải phóng 500 tỉ nhân dân tệ (khoảng 70 tỉ đô la) thanh khoản vào nền kinh tế.

Giới chức Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, tăng cường hỗ trợ nền kinh tế, nhưng vẫn tránh sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế ồ ạt. Biện pháp mới, cùng với những gói hỗ trợ bất động sản và việc điều chỉnh các hạn chế chống dịch được kỳ vọng sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên theo Wall Street Journal, tác động từ các biện pháp mới của PBoC có thể sẽ bị hạn chế, do nhu cầu vay mới đang suy yếu. Bên cạnh đó, về lâu dài, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khác ngoài dịch bệnh, từ dân số già, tỷ lệ nợ cao, cho tới những căng thẳng trong quan hệ với Mỹ. Các chuyên gia của Goldman Sachs lo ngại điều này sẽ khiến “tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với những ước tính trước đây”.

Để cải thiện tình hình, bà Gita Gopinath, Phó tổng giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khuyến cáo Trung Quốc nên xem xét cung cấp nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính hơn nữa cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vì nước này cần sự phục hồi vững chắc trong nước vào năm tới để bù đắp cho môi trường bên ngoài đang xấu đi.

Bà Gopinath chỉ ra rằng, không giống như hầu hết các quốc gia khác, Trung Quốc không gặp vấn đề về lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 10 tháng đầu năm chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu hàng năm của chính phủ là 3%, và là một sự tương phản rõ rệt với các nền kinh tế lớn của phương Tây đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm. “Về chính sách tài khóa, chúng tôi nhận thấy cần phải có những hỗ trợ nghiêng về việc giúp đỡ các hộ gia đình dễ bị tổn thương… bởi vì điều đó sẽ giúp khôi phục chi tiêu tiêu dùng cá nhân”, bà Gopinath nhận định.

Còn theo đại diện của Eurocham China, Trung Quốc cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực tiêm chủng ngừa Covid-19, bao gồm một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc tiêm chủng để trấn an công chúng và xây dựng các chương trình thúc đẩy việc tiêm nhắc lại.

Theo ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Eurocham China, việc này là hoàn toàn khả thi, bởi “ba lần xét nghiệm Covid-19 có chi phí đắt ngang với một lần tiêm chủng. Việc Trung Quốc đã chi tới 230 tỉ đô la cho việc xét nghiệm vào năm ngoái, cho thấy, việc chuyển từ xét nghiệm sang tiêm chủng sẽ là không quá khó khăn”.

Nguồn: SCMP, WSJ, Reuters, Bloomberg, AP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới