Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 tàn phá kinh tế Trung Quốc mạnh hơn dự báo

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các dữ liệu mới nhất cho thấy các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc từ bán lẻ cho đến sản xuất công nghiệp giảm sâu trong tháng 4 khi các lệnh phong tỏa kiểm soát đại dịch Covid-19 được triển khai rộng rãi ở nhiều thành phố. Điều này làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng trưởng âm trong quí 2 này.

Cảnh vắng lắng ở một khu phố tại Thượng Hải trong tháng 4 sau khi thành phố này bị đặt dưới lệnh phong tỏa hoàn toàn để kiểm soát đà lây lan của biến biến Omicron. Ảnh: Reuters

Kinh tế chao đảo vì tình trạng phong tỏa

Trong tháng 4, hàng chục thành phố ở Trung Quốc bao gồm trung tâm tài chính Thượng Hải bị đặt dưới lệnh trong tỏa hoàn toàn hoặc từng phần, khiến hàng trăm triệu người người lao động và người tiêu dùng phải ở nhà đồng thời gây gián đoạn các chuỗi cung ứng.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 16-5, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng trước giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3-2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tấn công Trung Quốc. Mức giảm này cao hơn nhiều so với mức giảm 6,1% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Trong tháng trước, các dịch vụ ăn uống dừng hoạt động ở một số tỉnh để tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; doanh số ô tô giảm đến 47,6% so với một năm trước khi các hãng xe giảm công suất trong bối cảnh thiếu linh kiện và các showroom bị đóng cửa hoặc không có khách.

Khi các biện pháp kiểm soát Covid-19 làm rối loạn chuỗi cung ứng và khiến hệ thống phân phối tê liệt, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2021. Mức suy giảm này mạnh hơn dự báo và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2-2020.

Trong 4 tháng đầu năm, đầu tư tài sản cố định, động lực chính mà Bắc Kinh muốn dựa vào để nâng đỡ nền kinh tế khi xuất khẩu suy yếu, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn mức dự báo 7% và chậm lại rõ rệt so với mức tăng 9,3% trong quí 1. Dữ liệu về đầu tư tài sản cố định là thước đo chi tiêu trong những lĩnh vực như hạ tầng, bất động sản, máy móc và thiết bị.

“Các đợt bùng phát dịch trong tháng 4 đã gây tác động nặng nề lên nền kinh tế nhưng chỉ mang tính ngắn hạn và bề ngoài”, Fu Linghui, người phát ngôn NBS, nói.

Trung Quốc đang chật vật khống chế các đợt bùng phát biến thể Omicron đồng thời cũng cố gắng đạt được mức tăng trưởng kinh tế vững chắc và ổn định thị trường việc làm. Nhưng chiến lược “zero-Covid”, cơn biến động giá cả hàng hóa trên toàn cầu và chu kỳ tăng lãi suất trở lại ở Mỹ đang thách thức mục tiêu tăng trưởng 5,5% của nước này trong năm nay.

Cú sốc Covid-19 đã đè nặng lên thị trường việc làm, vốn được các nhà lãnh đạo Trung Quốc ưu tiên hỗ trợ để bảo vệ sự ổn định kinh tế và xã hội. Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp dựa trên cuộc khảo sát ở các đô thị trên toàn quốc đã tăng lên mức 6,1%, cao nhất kể từ tháng 2-2020. Gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường mô tả bức tranh việc làm của nước này này là “phức tạp và ảm đạm”.

“Hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng 4 suy giảm nghiêm trọng nhất kể từ quí 1-2020 khi Trung Quốc trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên. Đợt phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải đã gây ra tác động lan tỏa khắp cả nước cũng như làm trì hoãn hoạt động vận tải hàng hóa ở một số vùng của Trung Quốc, dẫn đến các chuỗi cung ứng trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Tommy Wu, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Oxford Economics, nói.

Nguy cơ tăng trưởng âm trong quí 2

Cho đến nay, theo dữ liệu của CNN, có ít nhất 31 thành phố ở Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần. Thượng Hải đã trải qua đợt phong tỏa kéo dài hơn 6 tuần. Trong thời gian đó, nhiều doanh nghiệp ở hành phố này buộc phải dừng hoạt động bao gồm cả nhà máy của hãng xe điện Tesla, hãng xe Volkswagen và Pegatron, hãng lắp ráp iPhone cho Apple.

“Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng GDP quí 2 của Trung Quốc sẽ rơi vào vùng âm. Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn để tung ra chương trình kích thích mới, giúp ổn định nền kinh tế”,  Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng ở Công ty Pinpoint Asset Management, nhận định.

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc tỏ ra khá lo lắng trước sức tàn phá của đại dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa. “Đã đến lúc phải làm bất cứ điều gì mà chúng ta có thể để cứu nền kinh tế. Vấn đề về dòng tiền đang xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình. Doanh nghiệp và người dân đang rất cần sự hỗ trợ tài chính trực tiếp”, Huang Yiping, giáo sư ở Đại học Bắc Kinh và là cựu cố vấn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC – ngân hàng nhà nước trung ương), nói tại một diễn đàn kinh tế tổ chức ở Bắc Kinh hôm 14-5.

Cũng tại diễn đàn này, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Nomura, nhận định tình hình bất ổn hiện nay của doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn quí 1-2020 khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát.

Ông nói: “Khi đại dịch bước sang năm thứ 3, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp cạn kiệt tiền tiết kiệm và dần mất khả năng chống đỡ các cú sốc. Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng và điều này kéo giảm chi tiêu của các hộ gia đình”.

Truyền thông nhà nước cũng đưa tin cho biết nhiều chính quyền thành phố báo cáo doanh thu tài khóa suy giảm mạnh trong tháng trước khi các chính sách hoàn thuế có hiệu lực và hoạt động kinh tế suy giảm.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc cam kết củng cố nền kinh tế thông qua nỗ lực tăng chi tiêu cho hạ tầng và nới lỏng tiền tệ có trọng điểm để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Tommy Wu ở Oxford Economics nói rằng kinh tế Trung Quốc vẫn đứng trước rủi ro suy giảm vì hiệu quả của chính sách kích thích phần lớn tùy thuộc vào mức độ bùng phát dịch bệnh và phong tỏa trong tương lai.

Theo Reuters, SCMP, CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới