Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 thúc đẩy phương Tây can thiệp nhà nước mạnh hơn vào kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19 thúc đẩy phương Tây can thiệp nhà nước mạnh hơn vào kinh tế

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy chính phủ các nước phương Tây gia tăng sự kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh, dần rời xa học thuyết thị trường tự do, định hình tư duy kinh tế của họ trong nhiều thập kỷ.

Covid-19 thúc đẩy phương Tây can thiệp nhà nước mạnh hơn vào kinh tế
Một cửa hàng kinh doanh pho mát ở Montpellier, Pháp. Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch chi hàng trăm triệu euro để mua lại các cửa hàng gặp khó khăn. Ảnh: Getty

Sự thay đổi này phản ánh mối lo ngại sâu sắc về năng lực của phương Tây trong việc duy trì sức mạnh công nghệ và mức sống cho người dân giữa lúc phải cạnh trạnh với các công ty nhà nước khổng lồ ở Trung Quốc và ở nhiều quốc gia khác ở châu Á.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

Hồi tháng trước, các lãnh đạo của châu Âu, nơi từ lâu đề cao các chính sách tự do kinh tế và tự do thương mại, tuyên bố sẽ dựng các rào cản thương mại đối với các đối thủ nước ngoài, hồi hương các hoạt động sản xuất ở một số lĩnh vực công nghệ quan trọng, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài ở một số ngành nhạy cảm như y tế đồng thời sẽ hỗ trợ xây dựng các công ty số hóa hùng mạnh.

Cũng vào tháng trước,  Cassa Depositi e Prestiti, một ngân hàng nhà nước ở Ý, tuyên bố mua cổ phần của Euronext NV, sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu, để hỗ trợ sàn này mua lại Sàn giao dịch chứng khoán Ý Borsa Italiana. Gần đây, chính phủ Đức yêu cầu nắm giữ 20% cổ phần ở hãng hàng không lớn nhất Đức, Deutsche Lufthansa (được tư nhân hóa vào năm 1997) và hai ghế ở ban kiểm soát của hãng hàng không này để đổi lấy gói giải cứu 10 tỉ đô la Mỹ.

Tại Mỹ, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ muốn chính phủ đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề kinh tế. Nhà Trắng và các nghị sĩ từ hai đảng này đang đề xuất tăng ngân sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ để duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc. Gói ngân sách hỗ trợ theo kế hoạch sẽ cung cấp các chính sách ưu đãi cho các công ty chip trong nước để khuyến khích họ xây dựng các nhà máy ở Mỹ cũng như tài trợ cho hoạt động nghiên cứu công nghệ.

Đến nay, Quốc hội Mỹ chưa nhất trí với kế hoạch này. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cho biết nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ ủng hộ chi tiêu ngân sách khổng lồ cho các chính sách công nghệ. “Đó là một diễn biến lớn mang tính lịch sử. Đó là sự phản ứng trước Trung Quốc. Đó là sự phản ứng trước đại dịch Covid-19 và mong muốn thiết lập sự kiểm soát đáng tin cậy hơn từ chính phủ”,  Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nhận định.

Sự thay đổi đó phản ánh sự dịch chuyển khỏi một học thuyết cơ bản ủng hộ nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường ở phương Tây bắt đầu vào thập niên 1980. Học thuyết này nhấn mạnh đến sự giảm sự hỗ trợ và can thiệp của nhà nước đối với các doanh nghiệp, loại bỏ các quy định cản trở cạnh tranh và tự do hóa thương mại.

Giờ đây, chính phủ các nước phương Tây sử dụng các gói kích thích kinh tế khổng lồ để rót tiền vào các ngành mà theo truyền thống nằm ngoài sự chi phối của nhà nước. Chính phủ Ý lên kế hoạch chi 2 tỉ euro để mua và nâng cấp các khách sạn tư nhân đang điêu đứng vì ngành du lịch sụp đổ. Tại Pháp, nhà chức trách dự định chi hàng trăm triệu euro để mua lại các cửa hàng địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp thiết yếu của đất nước như các tiệm bánh và các cửa hàng phó mát.

Tại Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã bắn tín hiệu sẽ theo đuổi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ sau khi hoàn tất thủ tục rời khỏi Liên minh châu Âu. “Người dân chuẩn bị đón nhận vai trò lớn hơn của nhà nước trong mọi ngành kinh doanh”, Gus O’Donnell, cựu Bộ trưởng Nội các Anh, nói.

Châu Âu muốn học hỏi từ đối thủ

Đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy các chính phủ ở châu Á sử dụng chính sách can thiệp nhà nước mạnh mẽ hơn. Chính sách này từng giúp tạo ra các mức tăng trưởng bùng nổ và xây dựng các ngành công nghiệp hùng mạnh như sản xuất điện tử ở Nhật Bản, Hàn Quốc và ngành năng lượng mặt trời và bán dẫn ở Trung Quốc.

Hồi tháng 7, Hàn Quốc công bố kế hoạch trị giá 5.000 tỉ won, tương đương 4,4 tỉ đô la để bảo vệ các chuỗi cung ứng trước các nguy cơ gián đoạn. Kế hoạch này bao gồm các chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất về nước. Chính phủ Nhật Bản cũng đang chi 2 tỉ đô la Mỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về nước hoặc sang các nước Đông Nam Á.

Khắp châu Âu, các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đang lo bị bóp nghẹt trong các ngành công nghiệp số hóa mới nổi, đang nằm dưới sự thống trị của các công ty Trung Quốc và Mỹ. “Một điều mà chúng tôi có thể học hỏi từ Trung Quốc là thiết lập một chiến lược và kiên định theo đuổi nó, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp số hóa mới”, Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã giúp giảm bớt sự nghi kỵ  trong nhiều thấp kỷ đối với chính sách can thiệp lớn của chính phủ trong nền kinh tế. Những nước can thiệp quyết liệt nhất, chẳng hạn như Mỹ và Trung Quốc, phục hồi mạnh mẽ nhất sau cuộc khủng hoảng đó. Ngược lại, những nước hạn chế chính sách sách can thiệp bao gồm các nước ở Nam Âu, chứng kiến nền kinh tế bất ổn trong nhiều năm.

Vào lúc đó, các công ty nhà nước Trung Quốc đã chi hơn 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 600 tỉ đô la để xây dựng cầu cống, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác. Trong giai đoạn 2012-2018, giá trị tài sản của các công ty nhà nước Trung Quốc tăng trung bình 15% mỗi năm, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng của nền kinh tế, theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson

Các nỗ lực củng cố các ngành công nghiệp quan trọng trở nên khẩn cấp hơn đối với phương Tây khi Trung Quốc chuyển trọng tâm từ sản xuất hàng hóa giá rẻ sang những sản phẩm cao cấp, đắt tiền mà các công ty Mỹ và châu Âu đang có thế mạnh. Trung Quốc đã rót hàng chục tỉ đô la vào các ngành công nghiệp được xác định là các ưu tiên chiến lược, chẳng hạn bán dẫn và tự động hóa. Trong khi đó, giới chức trách ở nước này cũng sử dụng các chính sách ưu đãi để nuôi dưỡng các công nghệ công nghệ cao trong nước.

Tại Đức, nơi ngành công nghiệp ô tô khổng lồ đang trì trệ, các doanh nghiệp đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ thúc đẩy các ngành công nghiệp mới để ứng phó với một Trung Quốc đang ngày càng cạnh tranh hơn. “Trong một số lĩnh vực, chúng tôi đang thất thế trước Trung Quốc, chẳng hạn như ngành công nghiệp điện tử”, Toralf Haag, Giám đốc điều hành Công ty kỹ thuật cơ khí Voith Group (Đức), nói.

Tại Brussels, các nghị sĩ châu Âu đang vận động nới lỏng các quy định hạn chế chính sách trợ cấp của chính phủ dành cho các doanh nghiệp tư nhân nhằm tạo ra các tập đoàn hùng mạnh.

Rủi ro của cách tiếp cận mới

Tuy nhiên, có những rủi ro trong cách tiếp cận mới liên quan đến vấn đề sử dụng quyền lực nhà nước để can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế. Một số chính phủ ở phương Tây không có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn công ty hay ngành công nghiệp nào để đầu tư.

Trong nhiều năm qua, chính phủ Ý đã chi hàng tỉ euro để vực dậy hàng hàng không quốc gia Alitalia nhưng để rồi chứng kiến hãng này tiếp tục thua lỗ.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là ở các nước xuất khẩu như Đức, Ý và Hàn Quốc, lo ngại việc tái quốc hữu hóa thương mại và các chuỗi cung ứng sẽ làm gia tăng chi phí trong lúc đó kìm hãm sáng tạo và năng suất.

Ngay cả các nước châu Á cũng từng đón nhận nhiều thất bại trong các nỗ lực can thiệp vào. Tại Trung Quốc, một số nhà kinh tế đang lo ngại làn sóng chi tiêu của chính phủ vào hạ tầng điện, nước và gas để kích thích kinh tế sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư quá mức trong các ngành này.

Một số nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc gặp không ít thất bại khi sử dụng chính sách can thiệp mạnh mẽ vào nền kinh tế. Họ cho rằng sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc được thúc đẩy chủ yếu bởi khu vực kinh tế tư nhân.

“Nhiều sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc gặp thất bại nhưng nước này thành công trong nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp quan trọng như điện mặt trời, thép và trí tuệ nhân tạo”, William L. Megginson, giáo sư ngành tài chính ở Đại học Oklahoma, nói.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới