Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cứ rẻ là được!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cứ rẻ là được!

(SGTO) – Miền Tây có thể xem như một thị trường tiêu thụ rượu hấp dẫn nhất về số lượng. Trong tập quán sinh hoạt của nhiều nông dân, công nhân… ở vùng này, rượu vẫn được xem là thú tiêu khiển hàng đầu lúc nông nhàn, rỗi việc. Nhưng không phải rượu nào họ cũng ưa!

Rượu là rượu, mà bia là bia!

Mới hơn 10 giờ sáng, nhưng ở quán phở nhỏ ở đầu con rạch Cây Cẩm (thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) đã có bốn lão nông ngồi ngất ngưỡng bên mâm rượu. Mặt đỏ bừng, nhưng ông Năm Tắc vẫn nuốt vội miếng lòng bò xào rồi tiếp tục rót rượu, mời ba “chiến hữu”. “Lâu quá mới họp mặt đủ mấy ông bạn già, nên lai rai sớm. Thôi, lấy thêm chén đũa rồi ngồi chung luôn!”, ông Năm xăng xái mời chúng tôi. Nói thì nói vậy, chứ theo lời chủ quán, không có “chiến hữu” thì ông Năm vẫn lai rai một mình mỗi ngày.

Nhà ở xã Trường Long (thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) bên kia rạch, nhưng cách vài ba kí lô mét hỏi ai cũng biết danh ông Năm nhờ biệt tài uống rượu đế bằng… lỗ mũi. Tức là thay vì dùng miệng, ông Năm lại có thể kê lỗ mũi hít cái “rột” là ly rượu cạn veo. Ở vùng nông thôn này, nông dân làm vườn, trồng lúa chỉ bận rộn mỗi khi vào đợt phun thuốc, bơm nước, thu hoạch… Ngoài những lúc ấy, họ có thể “bắt mâm” vào… sáng sớm.

Như anh Nguyễn Văn Sáu, ở phường Ba Láng, quận Cái Răng (Cần Thơ), than rằng: “Mấy tuần nay sáng không dám ra đầu vàm (ngã ba, ngã tư sông) uống cà phê nữa. Biết sao không? Hôm rồi ra gặp ngay một sòng nhậu, từ chối thì cứ bị “nhiếc móc” là quên bạn bè, coi thường dân nghèo…

Cuối cùng, bấm bụng ngồi đại định uống vài ly. Ai dè ngon trớn dời mâm ba bốn chỗ, kéo nhây đến tối mịt, bỏ cả mấy công bầu đang cho trái định thu hoạch trong ngày. Thương lái theo lời hẹn vào chở, không có nên cự quá trời!”. Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, có lần phát biểu tại một hội nghị về phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long: “Vùng này còn nghèo lắm. Mà nông dân không nghèo sao được khi hở ra là nhậu, là say xỉn”. Mà thiệt. Đến cuối năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này còn đến 15,72%, phân hóa giàu nghèo còn cách xa, nhất là giữa thành thị và nông thôn.

Rảnh thì họ nhậu buổi sáng, bận thì nhậu chiều, nhậu tối. Cứ chiều chiều, chạy xe rảo một vòng ở mấy con đường nông thôn miệt Ô Môn, Phong Điền (Cần Thơ) thì tha hồ đếm những mâm rượu bày chộn rộn trước nhà, bên hiên… Ở nội ô thành phố Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng,.. cũng vậy, chiều đến là mấy quán bia, rượu đặc lừ xe honda, ô tô… của dân nhậu – già có, trẻ có, thậm chí phụ nữ và cả mấy sinh viên nữ… cũng góp mặt.

Nhưng nếu như ở đô thị, dân nhậu chuộng bia hơn thì ở vùng nông thôn, rượu vẫn là lựa chọn số một. “Uống bia không quen, vô chừng hai chai đã “cành” bụng, nốc không nổi nữa thì làm sao “đã”, ông Nguyễn Văn Thông, ở thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) so sánh.

Đó là cách nói của dân có tiền đôi chút, còn đối với những nông dân thu nhập mỗi lao động bình quân chừng 400.000 – 500.000 đồng/tháng, giá của một trận nhậu mới mang tính… quyết định. “Một két bia trên 100.000 đồng, mà bốn người uống cũng chưa đã. Nhưng nếu uống rượu, chỉ cần 40.000 đồng – mỗi người chỉ góp 10.000 đồng, là mồi rượu ê hề”, anh Ba Hài, ở xã Trường Thành (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) “phân tích”.

Rượu chai thua rượu lít!

Khoảng 9 – 10 năm trước, một số loại rượu đóng chai của một vài cơ sở, doanh nghiệp ở Long An, TPHCM… cũng chuyển về đây tiêu thụ với các nhãn hiệu: rượu Gò Đen, Nếp Mới… Chai đẹp sáng bóng, nhãn đóng mới toanh, giá lại chấp nhận được – chưa đến 10.000 đồng/chai, nên dân miền Tây cũng rầm rộ mua thử.

Lúc ấy, khi có đám tiệc, dân “sành nhậu” chỉ cần xách theo một, hai chai rượu như vậy làm quà tiệc là được. Nhưng theo chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, chủ tiệm tạp hóa ở thị trấn Phong Điền, chẳng được ít lâu thì mấy chai Nếp Mới… đã đóng bụi trên kệ. “Uống nhức đầu lắm, chịu không nổi”, ông Năm Tắc kể.

Ông nói, lần nọ vì “hứng” và nghĩ tửu lượng không đến nỗi tệ, ông với người bạn nốc mỗi người một chai, hôm sau phải nằm giường tới tận buổi chiều. Một thứ bất tiện nữa của rượu đóng chai là chúng khó len vào “cắm trụ” ở những vùng sâu, xa, nơi chỉ có các ghe “hàng” (như một tiệm tạp hóa nhỏ) mỗi ngày lui tới. “Có lần vô nhà ông bạn ở trong ngọn (nơi xa, cuối con rạch…) nhậu, ổng mua sẵn chai rượu Nếp Mới của ghe “hàng”. Đến khi uống hết chưa đã, đành lấy chai mua rượu lít vì chẳng lẽ cứ ngồi ngóng ghe “hàng”. “Rượu này pha rượu kia, uống xong mệt đừ người”, ông Hồ Văn Bảy, ở phường Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ) kể.

“Đặc tính” của nhiều dân nhậu là ghét pha, đại loại như vừa uống bia vừa uống rượu, hay uống rượu người này bán rồi lại nốc vào rượu của người khác pha. “Mỗi lò nấu rượu đều có độ cồn, vị rượu riêng, nên hễ uống rượu lò nào nấu thì không ai muốn đổi thứ rượu của lò khác trong một buổi nhậu”, ông Bảy Há, ở phường An Bình (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) thừa nhận. Rượu đóng chai chỉ nửa lít đã có giá gần 10.000 đồng nên dần dà nhiều nông dân đã quay về với thứ rượu lít truyền thống giá chỉ 4.000 – 6.000 đồng/lít, vừa rẻ vừa tiện. Thứ rượu này có thể mua lẻ khắp nơi, lại có thể mua… thiếu nên nông dân nghèo “ủng hộ” nhiệt tình.

Chỉ cần khoảng hai triệu đồng để đắp lò, mua nồi, mua ống dẫn… là có thể hình thành một lò nấu rượu. Gạo hoặc nếp được nấu chín, trộn men và ủ khoảng ba ngày, sau đó được đưa vào một cái nồi lớn, nấu tiếp. Nước rỏ ra từ ống dẫn của cái nồi đậy kín này chính là rượu. Trước khi đến các bàn nhậu, thứ rượu này được pha thêm cồn, nước lã tùy theo khẩu vị, lợi nhuận… Tạp nhạp… rượu lít Với “đòi hỏi” không cao của dân nhậu: “Dễ uống, giá rẻ, miễn là say”, nên rượu lít vẫn cứ tồn tại.

Nhưng vật giá ngày cứ leo thang, gạo, nếp – nguyên liệu nấu rượu, từ trên 3.000 đồng hồi mấy năm trước nay đã lên trên dưới 5.000 đồng/kí lô gam, nên công nghệ nấu rượu đã biến tướng dần. “Nếu nấu rượu thật thì với giá bán 6.000 đồng/lít, chủ lò chẳng thu lời được bao nhiêu vì từ một lít gạo (một lít gạo chỉ bằng ba phần tư kí lô gam gạo), sau khi nấu chỉ thu được một lít rượu”, ông Bảy Há, hiện có lò rượu nhỏ với công suất mỗi ngày hai kháp (15 lít/kháp) khẳng định.

Như lò của ông, nhờ lấy hèm (phế phẩm sau khi nấu rượu) cho năm con heo ăn – thay vì phải bỏ tiền mua thức ăn gia súc, nên tiền lời sẽ gián tiếp thu từ việc bán đàn heo này. Một chủ quán nhậu ở thành phố Cần Thơ nói rằng, rất nhiều người đến chào bán rượu với giá siêu rẻ: chỉ 1.800 – 2.500 đồng/lít.

Thậm chí, muốn 100 – 200 lít/ngày họ cũng đáp ứng được dù phần lớn những người này đều ở trọ, chẳng thể có lò nấu rượu. “Họ pha hóa chất hoặc lấy cồn y tế pha nước lã nên mới bán giá đó”, ông Bảy Há nói. Từ một chai cồn y tế (giá chỉ khoảng 1.500 đồng) hoặc cồn công nghiệp, những tay “nấu rượu” này pha thêm một lít nước, ít thuốc tím (rửa rau), nước đường thắng kẹo lại… sau đó khuấy đều là có thể tạo thành một lít “rượu” không khác gì các loại rượu thuốc bắc. Giới khác thì sử dụng thứ bột nghe đâu xuất xứ từ Trung Quốc (không nhãn mác), khuấy vào nước…là có thể cho ra thứ chất lỏng gây say này.

Sau sự cố chín người chết vì uống rượu lít “dỏm” ở An Giang hồi đầu năm 2005, nhiều tay nhậu đã tỏ ra e dè với rượu lít. Tuy nhiên, do chưa có thứ khác đáp ứng yêu cầu về… giá nên thứ rượu này vẫn tiêu thụ được. Nhiều tay nhậu kỹ tính, chỉ đặt mua ở những lò rượu quen, gần nhà, nhưng chất lượng vẫn khó lường!

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới