Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cú sốc cuối năm

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gần 500.000 công nhân bị mất việc, giảm giờ làm ngay trước thềm Tết Nguyên đán là cú sốc lớn với thị trường lao động và với mỗi phận người…

Công nhân khu công nghiệp Bình Tân giờ tan ca. Ảnh: N.K

Trên chuyến taxi ra sân bay Buôn Ma Thuột vào cuối tuần trước, câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh vụ cà phê năm nay. Những ngày này, Daklak và cả Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê, sắn, bắp… Theo lời bác tài xế chừng 60 tuổi, năm nay, những hộ trồng cà phê ở Daklak đỡ vất vả hơn trong việc tìm nhân công thu hái.

“Mọi năm nhà nào cũng chạy đôn chạy đáo, tìm đỏ mắt mà không có nhân công. Bữa nay dễ kiếm hơn vì có nhiều người đi làm ăn xa nhưng đợt rồi không có việc nên họ quay về quê…”.

Trước đó, ở xã Ea Sô, huyện Ea Kar, Daklak, chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Phong, sinh năm 1986, trong một nhóm lao động đi theo máy xạc (tách) bắp. Gần bảy năm qua, anh Phong làm công nhân trong một nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương. Sau đợt nghỉ dịch Covid-19, anh quay lại nhà máy tiếp tục công việc.

“Hồi đầu đơn hàng nhiều lắm nhưng rồi cứ ít dần. Từ chỗ nghỉ luân phiên, chúng tôi phải nghỉ hẳn. Tôi về quê tháng trước, đợt này đang vụ thu hái cũng dễ kiếm việc hơn”. Anh Phong đi theo máy xạc bắp, công việc chính là vác từng bao bắp đổ vào máy, rồi đưa bắp đã tách hạt lên xe ô tô của đại lý thu mua.

“Cũng nặng nhọc nhưng làm chăm chỉ thì đủ lo cái ăn cho mấy đứa nhỏ. Có điều hết mùa vụ thì chẳng biết sẽ làm gì!”, anh nói.

Những phiên chợ, chuyến xe 0 đồng, những gói quà Tết cho từng cá nhân người lao động… là chưa đủ! Hơn lúc nào hết, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm cần được trợ giúp nhanh chóng và thiết thực để vượt qua tình cảnh hiện tại.

Anh Phong và những lao động hồi hương ở Daklak nằm trong số 472.200 lao động trong các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… bị ảnh hưởng tới việc làm, theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cụ thể, có 41.500 người bị thôi việc, mất việc (chiếm 8,8%); 430.600 người bị giảm giờ làm (chiếm 91,2%). Trong số đó có hơn 9.000 lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi và hơn 30.200 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên.

Cũng theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trong số 1.230 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, có 30 doanh nghiệp nợ lương của gần 7.000 người với tổng số tiền 110 tỉ đồng; có 121 doanh nghiệp nợ gần 238 tỉ đồng bảo hiểm xã hội của 32.300 người.

Đáng chú ý, các con số thống kê nêu trên mới dừng lại ở khu vực lao động chính thức, thống kê cho lao động có hợp đồng lao động. Nếu nhìn vào khu vực phi chính thức, với lao động không có giao kết hợp đồng lao động, thì bức tranh thị trường lao động chắc chắn còn u ám hơn nữa!

Còn lo hơn nữa khi làn sóng mất việc khả năng chưa dừng lại! Tổng hợp từ công đoàn cơ sở cho thấy trong tháng 12 này và những tháng đầu năm 2023, có 667 doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm giờ làm của 271.700 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.700 lao động. Kéo theo đó, tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và cả việc lợi dụng tình hình sa thải lao động trên 35 tuổi (để tuyển dụng lao động trẻ với chi phí thấp) chắc chắn sẽ phức tạp hơn.

Nói như ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, “gần Tết mà thất nghiệp, còn nỗi xót xa nào hơn cho người mất việc bất ngờ!”.

Đời sống công nhân vốn đã nhiều khó khăn, sau hai năm Covid-19 càng sa sút, giờ nhiều người lại rơi vào cảnh mất việc ngay thềm Tết Nguyên đán – Tết đoàn viên nhưng cũng nặng nhiều gánh lo toan.

Về quê dịp Tết là niềm mong mỏi của nhiều công nhân, nhưng trên những chuyến xe đông đúc những ngày qua đưa những người bị mất việc về quê đón Tết sớm và dài ngày (có khi cả tháng), chắc chắn nỗi lo “mất Tết” đang thường trực trong tâm trí họ.

Vào lúc này, quan tâm và trợ giúp để người lao động có một cái Tết đầm ấm, tươi vui, an toàn chính là sự bù đắp ý nghĩa cho những khó khăn họ đã và đang trải qua. Tuy nhiên, những phiên chợ, chuyến xe 0 đồng, những gói quà Tết cho từng cá nhân người lao động… là chưa đủ! Hơn lúc nào hết, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm cần được trợ giúp nhanh chóng và thiết thực để vượt qua tình cảnh hiện tại.

Cho đến lúc này, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều đề xuất. Ví dụ như trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp – đang kết dư hơn 55.700 tỉ đồng – giúp doanh nghiệp giữ chân, giữ việc cho người lao động cho tới khi có đơn hàng trở lại. Hoặc xem xét gia hạn gói hỗ trợ an sinh 26.000 tỉ đồng cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đây là chính sách hợp lý, lại có thể triển khai ngay nếu được kéo dài.

Cũng có thể hỗ trợ gián tiếp người lao động thông qua doanh nghiệp bằng cách miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm, nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, nới room tín dụng (Ngân hàng Nhà nước vừa mới làm việc này)… nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn, bớt phần nào chi phí đầu vào để xoay sở làm ăn, giữ việc cho công nhân.

Tết Nguyên đán đang tới gần và dự báo sau Tết tình hình chưa có gì sáng sủa. Quyết sách hỗ trợ công nhân, người lao động lúc này không chỉ cần nhanh chóng mà còn cần thông thoáng về thủ tục và dành sự quan tâm nhiều hơn cho những lao động không có giao kết hợp đồng! Nhưng chắc chắn, sự chăm lo lâu dài hơn, ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn sẽ không dừng lại ở những giải pháp cấp bách đó.

Làm thế nào để mong ước có công ăn việc làm ổn định; có một nơi ăn chốn ở đường hoàng; có trường học cho con em để không rơi vào cảnh bố mẹ ở “quê người”, con cái ở “quê nhà”; có cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe và các thiết chế văn hóa, giải trí để nuôi dưỡng đời sống tinh thần… của hàng triệu công nhân trở thành hiện thực? Đó mới chính là bài toán chính sách lớn cần Nhà nước đi tìm lời giải căn cơ!

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhiều chuyên gia cứ thắc mắc tại sao nhiều người lao động rút bhxh một lần mà không quan tâm tới việc người lao động lớn tuổi làm sao sống được khi bị cho nghỉ việc. Hiện nay rất nhiều xí nghiệp may, xí nghiệp lắp ráp có khuynh hướng cho công nhân lớn tuổi, khoảng 35, 40 tuổi, nghỉ việc. Vì ở những xí nghiệp này, bệnh nghề nghiệp sẽ làm các công nhân lớn tuổi làm việc chậm hơn, sai sót nhiều hơn. Và khi những công nhân lớn tuổi này nghỉ việc, muốn xin vào làm việc ở các xí nghiệp khác, cơ hội bằng không (Cứ nhìn các bảng tuyển dụng ở các xí nghiệp thì thấy chỉ tuyển từ 18-30 tuổi). Những người này sẽ phải làm các công việc linh tinh để kiếm sống như bảo vệ, tạp vụ, xe ôm, giúp việc nhà.v.v Nếu xin vào các công ty khác làm bảo vệ, tạp vụ, nhân viên giao nhận .v.v thì không được công ty mua bhxh, nếu dám đòi thì sẽ bị chủ cho nghỉ việc.
    Nhà nước chỉ quy định có hợp đồng mới được mua bhxh, mà không có quy định chế tài đối với công ty không ký hợp đồng lao động với người lao động. Đừng nghiên cứu việc người lao động rút bhxh một lần nữa mà nên xem xét việc người lao động lớn tuổi trên 40 tuổi làm sao sống được khi bị các xí nghiệp may và lắp ráp cho nghỉ việc, làm sao giải quyết được công việc cho những người này mới là điều quan trọng nhất. Còn việc người lao động lớn tuổi rút bhxh một lần là chuyện dễ hiểu mà.

    • Trả lời tới Nguyễn văn Đông: Rất đúng thưa bác, có nhiều nguyên nhân cho một hiện tượng như vậy, bản thân việc rà soát số liệu việc làm- việc làm mới, hay quá lạc quan với các triển vọng kinh tế không có thực, dẫn tới việc không kịp thời trong công tác chuẩn bị cho ồ ạt rút bhxh 1 lần.
      Bức tranh rộng lớn hơn là hệ thống an sinh xã hội còn rất eo hẹp, đẩy chi phí về phía người dân khá nặng nề, đặc biệt những khu vực miền trong có tỷ lệ tiết kiệm thấp, rất nhạy cảm trong biến động về thu nhập. Đơn giản chỉ cần lạm phát gia tăng, chi phí sinh hoạt tăng đồng thời, người dân rất áp lực chuyện tiền bạc.
      Nhưng như tôi đã nói, nó chỉ là một phần nhỏ những nguyên nhân, chúng ta có nhiều nguyên nhân gần, nguyên nhân cơ bản, những vấn đề như này là vấn đề có hệ thống. Nên không chỉ cứ lên báo, than vãn, đòi thay đổi là sửa được đâu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới