Cú sốc mới về nợ công
Ngô Minh Trí
(TBKTSG) - Chính phủ Mỹ đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt ngân sách vào tháng 5 tới đây, nếu quốc hội nước này không nâng mức trần nợ công.
“Thảm họa” nợ công đụng trần
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner chính thức đệ đơn lên quốc hội đề nghị nâng mức trần dành cho nợ công - nghĩa là cho phép chính phủ vay mượn nhiều hơn nữa - khi tình hình nợ công nước này tăng nhanh và gần chạm đến mức trần. Hiện tại, mức trần nợ công của Mỹ được quốc hội cho phép là 14.294 tỉ đô la, nhưng đến ngày 31-3-2011 đã đạt con số 14.218 tỉ đô la và còn tiếp tục tăng thêm. Theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ, với mức tăng hiện nay thì nợ công của Mỹ sẽ đụng trần không muộn hơn ngày 16-5-2011. Nếu nợ công chạm trần thì về nguyên tắc, Mỹ xem như vỡ nợ.
Trong trường hợp quốc hội chưa thông qua việc nâng mức trần nợ công, Bộ Tài chính vẫn có một số biện pháp để kéo dài thời gian như đình chỉ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và chính quyền bang, khai thác nguồn tiền từ quỹ hưu trí và sử dụng quỹ bình ổn giá. Các biện pháp trên có thể giúp giải tỏa thêm được khoảng 230 tỉ đô la, trong khi mức tăng nợ hàng tháng khoảng 125 tỉ đô la, tức kéo dài thêm được tối đa khoảng 8 tuần. Như thế, thời hạn kéo dài cũng không thể vượt qua ngày 8-7-2011.
Tháng Giêng vừa rồi, ông Geithner đã một lần đề nghị quốc hội nhanh chóng nâng mức trần nợ trong tháng 3. Thế rồi, cuộc tranh luận dai dẳng về ngân sách đã không chỉ làm cho chính phủ có khả năng ngừng hoạt động vì không có ngân sách, mà còn làm cho đề nghị nâng mức trần công nợ của Bộ Tài chính bị đóng băng. Chính vì thế, lần đệ trình này, Bộ trưởng Timothy Geithner đã cảnh báo những nguy cơ hiện hữu nếu mức trần nợ công không sớm được nâng lên.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Geithner, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke cũng cho rằng, nếu mức trần công nợ không được tăng lên thì sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc”. Hay tổng giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co là Jamie Dimon cũng đã nói trong một sự kiện của Phòng Thương mại Mỹ rằng: “Nếu Mỹ thực sự vỡ nợ thì đó là một thảm họa”.
“Miếng mồi” cho cuộc mặc cả
Mặc dù tình hình rất cấp bách, nhưng dường như chính ông Timothy Geithner cũng sớm nhìn thấy mọi việc khó có thể suôn sẻ. Thế nên, ông đã kêu gọi: “Điều quan trọng là quốc hội phải tăng giới hạn nợ để niềm tin trọn vẹn và tín dụng của Mỹ được bảo vệ” và cho rằng việc tăng giới hạn nợ “chỉ đơn giản là cho phép bộ ngân khố cung cấp tài chính theo đúng trách nhiệm mà quốc hội đã cho phép”.
Tuy nhiên, lời kêu gọi trên của ông Geithner vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhiều thành viên quốc hội. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã thẳng thừng từ chối bỏ phiếu. Một số nghị sỹ khác nói rằng họ chỉ bỏ phiếu thông qua việc tăng mức trần nợ kết hợp với việc cắt giảm chi tiêu một cách đáng kể.
Theo người phát ngôn của Hạ viện là Micheal Steel thì Chủ tịch Hạ viện John Boehner đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng: “Người dân Mỹ sẽ không tha thứ cho việc gia tăng mức trần công nợ mà không cắt giảm chi tiêu một cách nghiêm túc và cải cách nghiêm chỉnh để đảm bảo rằng chúng ta vẫn đang cắt giảm chi tiêu”.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thuộc đảng Cộng hòa tại bang Florida, cho biết ông sẽ không chấp nhận việc tăng mức trần nợ công mà không có một loạt các cải cách về thuế và chi tiêu. Trong cuộc phỏng vấn với chương trình truyền hình Fox News vào ngày 29-3, ông Rubio cho rằng: “Chúng ta cần phải sử dụng chính việc giới hạn nợ như một cách để đảm bảo rằng giới hạn công nợ sẽ bắt đầu giảm xuống chứ không phải luôn luôn tăng lên” và “Làm thế nào để giới hạn nợ đi xuống? Đây là điều mà chúng tôi quan tâm”.
Hiện tại, vấn đề cắt giảm chi tiêu cũng đang là mối bất đồng sâu sắc trong quốc hội Mỹ. Ngày 19-2 vừa qua, Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã quyết định cắt giảm 61 tỉ đô la trong tổng số ngân sách. Thế nhưng, sau đó Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đã lập tức bác bỏ và đảng Cộng hòa vẫn đang cố gắng để thông qua mức cắt giảm 31 tỉ đô la. Bất đồng trong việc cắt giảm chi tiêu từng khiến nhiều người lo ngại ngân sách sẽ được thông qua trễ khiến cho Chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động vì hết tiền vào ngày mai, 8-4-2011.
Thế nên, đề nghị tăng mức trần nợ lần này của chính phủ có thể trở thành miếng mồi cho một cuộc mặc cả trong vấn đề cắt giảm ngân sách mà hai đảng đang kèn cựa nhau. Theo ông Collender Stanley, Giám đốc điều hành của Qorvis Communications và từng là một nhà phân tích ngân sách của quốc hội, “Nếu chính phủ ngưng hoạt động và đảng Cộng hòa thất bại (trong việc cắt giảm ngân sách), thì trần nợ sẽ phải giảm xuống. Còn nếu đảng Dân chủ hay Nhà Trắng thất bại thì trần nợ sẽ phải tăng lên”. Chính vì thế, theo ông Stanley thì phải đến sau khi ngân sách được thông qua thì mới có thể biết được việc tăng mức trần nợ được thông qua như thế nào.