Thứ sáu, 14/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cửa hàng flagship: chỉ lớn thôi chưa đủ!

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Diện tích lớn, được chăm chút kỹ lưỡng nhất trong toàn hệ thống và đầy đủ sản phẩm hàng đầu của doanh nghiệp, các cửa hàng hàng đầu (flagship) đang là làn sóng mới lướt qua các đô thị, tỉnh thành Việt Nam. Nhưng những flagship không đơn giản là to, đẹp hoành tráng.

Ngày khai trương cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi, cửa hàng flagship lớn nhất ở Đông Nam Á.

Các cửa hàng flagship với diện tích lớn, hạ tầng tốt, đầy đủ hàng hóa vừa để trưng bày vừa để bán hàng và làm nơi dừng chân ngắn trong hành trình của khách hàng nay là làn sóng mới lướt qua các đô thị, tỉnh thành Việt Nam. Các cửa hàng này có quy mô diện tích trung bình 350-1.000 mét vuông. Nhưng là bộ mặt và tinh túy của thương hiệu, cửa hàng flagship không thể chỉ là những cửa hàng “to vật vã” mà thiếu phần hồn, thiếu vai trò dẫn dắt cho cả hệ thống.

“Xu hướng mở cửa hàng lớn sẽ trở nên mạnh hơn trong năm nay. Chiến lược này càng được thúc đẩy bởi sức tiêu dùng nội địa Việt Nam đang ngày càng lớn và ổn định”, theo bà Trần Phạm Phương Quyên, người quản lý mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam.

Từ flagship của Uniqlo

Uniqlo khai trương cửa hàng mới ở Saigon Centre (quận 1, TPHCM) vào cuối tháng 4-2022. Trước đó hơn hai tháng, sau dịp Tết Nguyên đán, nhãn thời trang nhanh của Nhật Bản đã thông báo về cửa hàng quy mô “sẽ mang tính chiến lược của thương hiệu”. Cửa hàng thứ 11 của Uniqlo có diện tích hơn lớn hơn 3.000 mét vuông, tương đương cửa hàng đầu tiên trên đường Đồng Khởi, quận 1.

Trước cửa hàng ở Saigon Centre, Uniqlo cũng đã mở một cửa hàng quy mô khác ở Hải Phòng trong trung tâm thương mại Aeon Mall Lê Chân. Cả hai cửa hàng lớn - theo đúng phân loại của Uniqlo - mang những đặc trưng hiện đại và cải tiến của một cửa hàng quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng thương hiệu này sau hơn hai năm có mặt tại thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi tìm hiểu thị trường Việt Nam từ năm 2017. Khi đó, tôi đã cảm thấy Saigon Centre là một trong những vị trí rất đắc địa và tiềm năng. Tôi đã luôn tìm một thời điểm để khi cửa hàng này mở ra sẽ tạo được tiếng vang và có sự khác biệt với cửa hàng đầu tiên ở Đồng Khởi”, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam Osamu Ikezoe cho biết. Ông nói thêm rằng flagship mới sẽ mang đến cho khách hàng những sản phẩm và trải nghiệm chưa từng có.

Uniqlo đã sớm mở lại các cửa hàng đầu tháng 10-2021 sau đợt phong tỏa kéo dài ở TPHCM. Lượng khách đến mua sắm ngày càng cao, kể cả ngày thường lẫn cuối tuần. Và Uniqlo quyết định chọn thời điểm xuân - hè cuối tháng 4 để khai trương cửa hàng Saigon Centre.

Như vậy, thời điểm và địa điểm là hai yếu tố quan trọng của Uniqlo trong việc khai trương cửa hàng mới. Nhưng một yếu tố mà người Nhật nổi tiếng “kẹo” không đề cập đến là giá thuê trung bình tại Saigon Centre khá mềm. Thống kê của Colliers cuối quí 4-2021 cho thấy giá thuê trung bình một mét vuông tại trung tâm thương mại này là khoảng 63 đô la/tháng. Mức giá này chỉ bằng khoảng một nửa so với các trung tâm khác. Saigon Centre hầu như không có chỗ trống khi tỷ lệ thuê đến 98%.

Saigon Centre có không gian thoáng đãng và bài trí hiện đại. Vì thế, lưu lượng khách hàng lại là lợi thế cho Uniqlo. Giới trẻ đến đây mua sắm và giải trí này có phần nhỉnh hơn Vincom Đồng Khởi - nơi Uniqlo mở cửa hàng đầu tiên và cũng là cửa hàng flagship của thương hiệu tại Việt Nam.

Trào lưu cửa hàng lớn

Các cửa hàng diện tích lớn ở các vị trí “đắc địa” ở các con đường trung tâm đang là trào lưu mới của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Sau đợt phong tỏa ở TPHCM, nhiều doanh nghiệp biến mất, diện tích mặt bằng trống ngày càng nhiều hơn. Tùy thời điểm và tùy địa điểm, giá cả nơi lên có nơi xuống. Và đây chính là lúc thích hợp để doanh nghiệp tìm những địa điểm ưng ý, rộng rãi và thuận tiện hơn.

Cửa hàng mới nhất của Uniqlo tại trung tâm thương mại Saigon Centre.

Ngành thời trang và phụ kiện, mỹ phẩm, ẩm thực đang tận dụng những cơ hội mới. Cuối tháng 12 năm ngoái, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí đã khai trương cửa hàng flagship tại khách sạn Continental, ngay trên con đường hàng hiệu Đồng Khởi. Các cửa hàng trước đó của Công Trí với phong cách bài trí mới mẻ cũng nằm ở những vị trí đắt tiền trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 hay Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Sau nhiều thăng trầm và mở được hơn 600 cửa hàng và siêu thị, hồi đầu năm nay chuỗi Con Cưng cũng “nở mày nở mặt” khi giành được vị trí đẹp ở ngã sáu Phù Đổng cho “super center” rộng hơn 2.000 mét vuông. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Minh nói Con Cưng đặt mục tiêu sẽ có một cửa hàng quy mô lớn cứ mỗi 2-3 quận huyện.

Muji - thương hiệu hàng gia dụng Nhật Bản, chuỗi siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World, thương hiệu Rita Võ, thương hiệu bánh pía Tân Huệ Viên, chuỗi smartphone và phụ kiện Mai Nguyen… cũng liên tục mở các cửa hàng với diện tích mênh mông ở các tỉnh thành. Mới nhất, hôm 12-5 chuỗi đồ sứ phòng tắm Vietceramics đã khai trương phòng trưng bày 1.200 mét vuông ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Và giới công nghệ cũng đang trông chờ cửa hàng flagship của gã khổng lồ thương mại điện tử Lazada sẽ khai trương vào tháng 7 tới đây tại TPHCM.

Để flagship là lá cờ đầu

“Mô hình cửa hàng lớn sẽ kèm theo nhiều gánh nặng về chi phí mặt bằng, vốn đầu tư cửa hàng và vốn cho hàng hóa tồn”, bà Trần Phạm Phương Quyên của Savills nhận định.

Các doanh nghiệp chắc chắn phải rõ chuyện không phải là càng lớn càng sang. Bởi cửa hàng flagship không thích hợp cho mọi loại hình bán lẻ, dịch vụ. Doanh nghiệp phải thấu hiểu khách hàng để có thể tự tin mở flagship và thành công. Cửa hàng càng lớn, càng khó quản lý và kiểm soát chi phí cùng nhân sự, và cả những “điểm mù”.

Chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) Đỗ Trung Thông kể câu chuyện tại các cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc Guardian trên Vnexpress. Nhiều khách đến khu vực đồ trang điểm và lưu lại khá lâu, nhưng không mua hàng. Sau khi tìm hiểu, Guardian hiểu rằng khách không có kinh nghiệm nên ngần ngại. Cửa hàng phải cải tiến khu vực trưng bày và có chuyên gia trang điểm tại chỗ. Cho đến lúc này Guardian vẫn chưa có những cửa hàng lớn, đúng nghĩa flagship.

Tương tự như vậy là thương hiệu nữ trang PNJ. Doanh nhân Lê Trí Thông kể rằng phân tích dữ liệu camera theo dõi đi lại của khách hàng tại các cửa hàng PNJ đã giúp doanh nghiệp cải tiến phòng trưng bày và doanh số tăng rõ rệt sau đó. Chuỗi salon tóc nam 30Shine từng có tham vọng mở những cửa hàng lớn, có cả quầy cà phê phục vụ khách. Nhưng đưa ăn uống vào nơi cắt tóc lại không tiện mấy và lại phải có barista pha cà phê đúng đẳng cấp mới hơn các tiệm cà phê bên ngoài. 30Shine cuối cùng chuyển thành dịch vụ “super VIP” với giá gấp đôi bình thường. Các hairstylist là những người từng phục vụ các ngôi sao, nhân vật nổi tiếng.

Không chỉ là vẻ ngoài sang trọng và hào nhoáng, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng thể hiện các mục tiêu môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngay tại các cửa hàng của mình. Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo - cho biết sẽ tiết giảm năng lượng tiêu thụ tại cửa hàng và các sản phẩm thời trang của tập đoàn sẽ được làm từ 50% vật liệu tái chế vào năm 2030.

Fast Retailing đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí phát thải từ các cửa hàng mặt tiền đường phố và giảm hơn 20% từ các cửa hàng bên trong trung tâm thương mại. Tập đoàn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ điện sang các nguồn năng lượng tái tạo của các cửa hàng. Fast Retailing sẽ xem xét hỗ trợ tài chính để giúp các nhà cung ứng đầu tư vào việc sử dụng năng lượng tái tạo và các dây chuyền sản xuất tiết kiệm năng lượng.

Các cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam chưa thể bắt nhịp với xu hướng năng lượng sạch. Cách tiếp cận mới của Uniqlo là mời các doanh nghiệp trong nước đưa các nông sản sạch vào trưng bày và bán tại các cửa hàng của Uniqlo. Dĩ nhiên, có cả sản phẩm tẩy rửa chế tạo từ nguyên vật liệu thiên nhiên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới