Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Cửa rộng’ cho ngành công nghiệp thú cưng Việt Nam

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại Việt Nam, thị trường thú cưng ước tính tăng trưởng 20% mỗi năm. Trước sự mở rộng quy mô, nhà kinh doanh thêm mới sản phẩm, dịch vụ cho chủ nuôi lựa chọn. Dù vậy tình hình kinh tế biến động cũng làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng.

Tại Việt Nam, thị trường thú cưng ước đạt giá trị 94 triệu đô la Mỹ với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 14,3% giai đoạn 2018-2023. Trong đó, phân khúc thức ăn cho thú cưng chiếm khoảng 85% giá trị toàn ngành.

Dự báo trong những năm tới ngành tiếp tục tăng trưởng và ước đạt 182 triệu đô la Mỹ vào năm 2028 theo báo cáo của Kirin Capital, công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam về triển vọng ngành công nghiệp thú cưng.

Thị trường “giãn nở” qua từng năm

Năm 2023, số lượng thú cưng (chó và mèo) khoảng hơn 12 triệu con, trong đó có khoảng 5,58 triệu con mèo và 6,48 triệu con chó. Dự kiến trong năm 2027, ở Việt Nam sẽ có khoảng 16 triệu thú cưng.

Báo cáo Kirin Capital cũng chỉ ra trên thị trường hiện nay, các công ty cung cấp thức ăn cho thú cưng tại Việt Nam có 35% đến từ Thái Lan, 22% đến từ Mỹ, 15% đến từ Pháp, còn lại 28% ở một số quốc gia khác và thương hiệu nội địa.

Ông Bùi Bình Dương, chủ tịch Tập đoàn Vienovo Vietnam, nhà sản xuất thương hiệu Keos, thức ăn dinh dưỡng cho thú cưng cho biết, cách đây 5 năm, thị trường thú cưng nói chung và thức ăn thú cưng nói riêng chưa đa dạng như hiện tại.

Ở thời điểm đó, chỉ có một số sản phẩm chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nước ngoài như Pháp, Thái Lan, Mỹ… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đi đôi với sự thay đổi trong nhận thức của người nuôi thú cưng, rất nhiều thương hiệu tham gia vào thị trường. Theo Euromonitor, trong năm 2023, thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 17.000 tấn thức ăn cho thú cưng, tăng 15% so với 2022.

Được biết, Vienovo Vietnam đã đầu tư vào khu đất 2 héc ta tại khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ để xây dựng một nhà máy chỉ chuyên dùng sản xuất thức ăn dinh dưỡng cho thú cưng. Toàn bộ dây chuyền sản xuất được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu và lần lượt đạt chất lượng quốc tế ISO 9001:2015, chứng nhận GMP - Good Manufacturing Practices, chứng nhận HACCP - Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhà máy sản xuất thức ăn dinh dưỡng cho thú cưng tại Cần Thơ. Ảnh: DNCC

Sau hai năm ra mắt thị trường, công ty đã có hơn 500 cửa hàng thú cưng phân phối, bán ra hơn 1.5 triệu sản phẩm. Được biết, sản phẩm Keos cũng đã xuất khẩu sang các thị trường Philippines, Brunei, Kenya, Ấn Độ…

Ông Bình Dương đánh giá vị trí của Việt Nam tại Đông Nam Á (ASEAN) mang lại lợi thế tiếp cận 650 triệu dân, tương đương 9% dân số thế giới. Thị trường thức ăn cho thú cưng trong khu vực này đang tăng trưởng mạnh với tỉ lệ 15-20% mỗi năm.

Anh Nguyễn Thịnh, ở TP Thủ Đức, chủ cửa hàng thú cưng cho biết anh đã mở rộng quy mô cửa hàng lên gần gấp đôi để thêm khu vực làm dịch vụ, không gian trưng bày nhiều loại thức ăn, phụ kiện trang trí.

Anh kể trước đây anh mở gian hàng bán trên các nền tảng thương mại điện tử hàng hóa nhập số lượng nhỏ qua các đại lý. Sau khi thấy tiềm năng ở quanh khu vực anh sinh sống, cuối năm 2023, anh thuê mặt bằng mở cửa hàng với vốn đầu tư khoảng 150 triệu đồng.

Sau nửa năm, anh quyết định đi học thêm các dịch vụ cắt tỉa lông, tắm cho mèo để mở rộng cửa hàng. Trung bình mỗi tháng đạt doanh thu khoảng 20-30 triệu đồng.

Thị trường phát triển thêm nhiều ngách

Thị trường yêu cầu nhiều dịch vụ mới nên anh Võ Minh Phúc, ngụ quận 4, liên tục cập nhật những kĩ năng nghề cho các học viên. Chẳng hạn, khách hàng chuộng những kiểu cắt tạo hình mới cho chó mèo, nhuộm lông tạo kiểu bằng bột thay vì cho nhuộm bằng thuốc nhuộm…

Anh cho biết lớp đào tạo học viên làm nghề chăm sóc thú cưng vẫn kín chỗ mỗi tháng. Số lượng người học tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch vụ cắt tỉa tạo kiểu thú cưng. Ảnh: Võ Minh Phúc

Sau khi học, đa số học viên sẽ tìm kiếm việc làm ở các tiệm có dịch vụ spa, grooming (cắt tỉa lông, chăm sóc thú cưng) để rèn tay nghề từ 3-5 tháng, hoặc có thể trở về địa phương sinh sống mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ thú cưng.

Ở khu vực quận 7, quận 1, quận 2 hiện tại có thêm các dịch vụ chăm sóc chó, mèo hàng ngày như dẫn đi dạo, tắm rửa và chỗ lưu trú thú cưng cho những người chủ bận rộn. Tại cửa hàng Pet Friendly của anh Phúc, mảng spa tắm rửa, vệ sinh thú cưng có giảm doanh thu 15 - 25% so với năm ngoái.

“Tôi cũng đáp ứng nhu cầu cho chủ tự tắm chó, mèo của mình ở nhà để tiết kiệm chi phí bằng cách chuẩn bị ra mắt sản phẩm sữa tắm ướt, sữa tắm khô”, anh nói.

Cũng theo khảo sát nghiên cứu thị trường thú cưng, chi phí dành mua đồ ăn cho thú cưng chiếm tới 77% và mua đồ dùng phụ kiện, chăm sóc là 23%. Ghi nhận tại cửa hàng Pet Buddy của chị Lê Bích Thủy Tiên ở quận 2, 7 tháng đầu năm sức mua của khách giảm 20-30%. Các sản phẩm chủ nuôi cắt giảm chủ yếu như đồ chơi, phụ kiện quần áo, món ăn vặt không cần thiết…

Tuy vậy cơ sở chị có thêm lượng khách mới qua các kênh truyền thông, quảng cáo, khách quen giới thiệu. Được biết, chị Tiên đang tập trung khai thác, nâng cấp mảng dịch vụ, mô hình chăm sóc thú cưng cao cấp.

“Hiện nay nhiều người mở cửa hàng thú cưng, các mặt hàng phổ thông rất dễ nhập. Nếu bán online còn có giá rất cạnh tranh vì thế tôi tập trung vào thế mạnh dịch vụ chăm sóc thú cưng, khai thác thị trường khách phân khúc trung cao tạo sự khác biệt”, chị nói.

Cụ thể, tại điểm kinh doanh thứ 2 chị thuê mặt bằng diện tích hơn 600 m² làm chỗ lưu trú cho chó mèo có không gian sân vườn, bể bơi…

Không gian bên trong nhà với mô hình chăm sóc thú cưng cao cấp, bên ngoài có sân vườn, bể bơi... Ảnh: Thủy Tiên

Đại diện Keos cũng cho biết để tạo chỗ đứng trên thị trường “nhộn nhịp” thương hiệu ngoại, Keos tập trung vào sản phẩm ngách với dòng thức ăn dinh dưỡng. Đơn vị dựa trên nghiên cứu khoa học, phục vụ từng đối tượng, từng nhu cầu sức khỏe của thú cưng cho ra mắt sản phẩm có công dụng hỗ trợ vấn đề đặc biệt như tiết niệu, tiêu hóa, búi lông, cơ bắp… có chất lượng cao nhưng mức giá tầm trung ai cũng có thể tiếp cận.

Trong tương lai, sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành thú cưng tại Việt Nam được chuyên gia dự đoán mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp. Các sản phẩm mới cũng sẽ được nghiên cứu và phát triển để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của thú cưng khi mà số lượng trung tâm dịch vụ cho thú cưng vẫn còn ít.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới