Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuba sẽ cho phép sử dụng tiền ảo trong giao dịch thương mại

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Cuba sẽ cho phép sử dụng tiền ảo bao gồm bitcoin trong các giao dịch thanh toán và sẽ quản lý các dịch vụ liên quan đến tiền ảo “vì lợi ích kinh tế xã hội”.

Bitcoin nằm trong số những đồng tiền ảo được sử dụng phổ biến nhất ở Cuba, theo ghi nhận của CBC. Ảnh: cryptoknowmics

Nghị quyết 215 của Ngân hàng trung ương Cuba (CBC) đăng công báo hôm 26-8, cho hay CBC đang soạn thảo các quy định quản lý các đông tiền ảo để cho phép sử dụng chúng trong các giao dịch thương mại. Nghị quyết cũng cho biết các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền ảo cần phải xin giấy phép hoạt động từ CBC.

Bitcoin, ethereum, litecoin và tether đang là những đồng tiền ảo được sử dụng phổ biến nhất ở Cuba, theo ghi nhận của CBC.

“Việc Cuba đón nhận tiền ảo mang tính lịch sử”, Boaz Sobrado, nhà phân tích dữ liệu công nghệ tài chính ở London, người có 4 năm nghiên cứu ngành tiền ảo ở Cuba, nói.

Lệnh cấm vận của Mỹ đã khiến Cuba bị cô lập trong nền kinh tế toàn cầu. Quyết định công nhận tiền ảo có thể giúp Cuba né các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ, vốn gia tăng kể từ thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Donald Trump.

Việc gửi và nhận tiền giữa Mỹ và Cuba trở nên cực kỳ khó khăn dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo Tiến sĩ Mrinalini Tankha, Giáo sư nhân loai học ở Đại học Portland ở bang Oregon, Mỹ, người nghiên cứu về Cuba trong 10 năm qua.

Năm 2020, Công ty dịch vụ tài chính Western Union (Mỹ), kênh chuyển kiều hối đặc biệt quan trọng đã hoạt động ở Cuba hơn 20 năm, đóng cửa tất cả hơn 400 điểm giao dịch để tuân thủ các biện pháp trừng phạt gia tăng của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Cuba. Quy trình gửi tiền ra vào Cuba trở nên phức tạp hơn do tác động của đại dịch Covid-19.

Giáo sự Tankha cho biết trước đại dịch, một số người dân Cuba sẽ sử dụng một số dịch vụ chuyển tiền chui nhưng phần nào bán chính thức thông qua những “mulas”, tức người kiếm lời bằng cách đi ra nước ngoài mua hàng hóa để mang về bán chui cho người dân trong nước. Những mulas này mang tiền mặt từ nước ngoài, chủ yếu là Mỹ về Cuba, rồi phân phối cho người dân. Tuy nhiên, đại dịch khiến các tuyến bay quốc tế dừng hoạt động khắp nơi trên thế giới, vì vậy, con đường chuyển tiền này trở nên khó khăn hơn.

Nhu cầu tiền mặt tăng lên trong đại dịch và tình trạng bị cô lập với nền kinh tế thế giới đã giúp tiền ảo trỗi dậy ở Cuba, các chuyên gia cho biết.

Giáo sư Tankha ghi nhận cộng đồng tiền ảo phát triển mạnh ở Cuba là nhờ tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như tỷ lệ người dân sở hữu smartphone có kết nối 3G tăng nhanh ở nước này.

Đồng peso của Cuba suy yếu cũng là một lý do khác giúp tăng tính hấp dẫn của bitcoin. Việc sử dụng tiền ảo ở Cuba không chỉ hỗ trợ nhu cầu chuyển tiền xuyên biên giới, mà còn mở ra cơ hội kiếm thu nhập cho người dân nước này.

Giáo sư Tankha nói: “Nếu bạn là kỹ sư phát triển phần mềm hay nếu bạn là họa sĩ sử dụng công nghệ NFT (Non-Fungible Token, một loại token mã hóa trên blockchain đại diện cho một loại tài sản duy nhất) để vẽ tranh số, bạn có thể nhận thanh toán bằng tiền ảo cho công sức lao động của bạn và tôi nghĩ rằng tiềm năng thực sự nằm ở khía cạnh này. Tiền ảo mở ra một nền kinh tế cho người dân Cuba tham gia”.

Nhiếp ảnh gia Gabriel Guerra Bianchini ở thủ đô Havana của Cuba, đang thực sự kiếm sống được nhờ tiền ảo. Ông là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên ở Cuba thâm nhập vào thế giới tranh ảnh NFT.

“Tác phẩm NFT của tôi bán được chỉ trong vòng 6 ngày với giá 1,6 ethereum (tương đương hơn 5.000 đô la Mỹ theo mức giá thị trường của ethereum hiện nay) . Điều này có ý nghĩa lớn hơn cả việc kiếm tiền, vì nó mang lại sự tự do cho bạn”, Bianchini nói.

Tuy nhiên, để nhận thanh toán, dù là qua các kênh tiền ảo, đòi hỏi một chút sáng tạo vì nhiều sàn giao dịch đòi hỏi phải tuân thủ quy định xác minh danh tính khách hàng, hay còn gọi là KYC (know your customer: Biết khách hàng của bạn là ai)

Tankha cho biết nhiều sàn giao dịch tiền ảo, bao gồm cả những sàn không phải ở Mỹ, vẫn tiếp tục chặn địa lý đối với người Cuba. “Người Cuba đối mặt với rất nhiều rủi ro khi giao dịch tiền ảo, cho dù nếu họ sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để che dấu địa điểm của mình”,  Tankha nói. Các chuyên gia cho rằng vẫn còn một con đường dài trước khi tiền ảo được sử dụng rộng rãi tại Cuba.

Dù Nghị quyết 215 của CBC là một tín hiệu hứa hẹn giúp người dân Cuba gia nhập nền kinh tế thế giới thông qua “đường ray” bitcoin, nội dung của nó không hoàn toàn ủng hộ mạnh mẽ mọi thứ liên quan đến tiền ảo. Nghị quyết cảnh báo người dân về rủi ro liên quan đến các tài sản ảo và các nhà cung cấp dịch vụ thứ cấp liên quan đến tiền ảo đang hoạt động bên ngoài khuôn khổ quản lý đối với ngành tài chính và ngân hàng.

Tuy nhiên, nhà phân tích Boaz Sobrado vẫn lạc quan cho rằng bất cứ sự chú ý nào về mặt quản lý đối với tiền ảo là một diễn biến tốt. Ông nói: “Các cơ quan quản lý trên thế giới, từ CBC cho đến Ủy ban Giao dịch và sàn chứng khoán Mỹ (SEC), đều đang cố gắng tìm cách quản lý ngành công nghiệp tiền ảo. Điều này cho thấy tiền ảo là hiện tượng toàn cầu và các nhà quản lý xác định rằng tiền ảo sẽ tiếp tục tồn tại nên cần phải quản lý. Chính điều này lại tăng thêm tính chính danh cho tiền ảo”.

Theo CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới