Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cục Hàng không: Bổ sung IPP Air Cargo sẽ tăng sức cạnh tranh vận chuyển hàng hóa quốc tế

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN) cho rằng việc phát triển hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết nên việc xem xét đồng ý cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt thành lập hãng hàng không mới chuyên chở hàng hóa tại thời điểm 2022 là phù hợp.

Báo cáo bổ sung đánh giá thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không Việt Nam để xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho CTCP IPPAir Cargo đã được CHK hoàn chỉnh vào gửi lên Thủ tướng. Theo đánh giá của Cục: Trong xu thế chung của thế giới là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Đặc biệt, trong xu thế đón bắt cơ hội từ giai đoạn hậu Covid-19, việc xem xét đồng ý cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập hãng hàng không mới chuyên chở hàng hoá tại thời điểm hiện tại (năm 2022) là phù hợp với định hướng chiến lược của Thủ tướng Chính phủ tại các Quyết định 318 và 236 (đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận chuyển hóa, hình thành mạng đường bay chở hàng riêng) cũng như thực tế thị trường hàng không Việt Nam.

Thị phần vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không ra/vào Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài chiếm ưu thế, so với 5 hãng hàng không Việt
Ảnh: Bộ Y tế

Văn bản do Phó cục trưởng Đinh Việt Sơn ký nêu rõ: “Việc bổ sung IPP Air Cargo sẽ tăng sức cạnh tranh, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế cho hãng hàng không Việt Nam tại thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế nói chung”.

Đánh giá về vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không, nhận định của cơ quan quản lý chuyên ngành hàng không cho biết: Từ năm 1991, khi hoạt động vận chuyển hàng không dân dụng chính thức tách ra khỏi quân đội, tổng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam đạt 18.384 tấn. Qua hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hoá Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt với sản lượng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình cả thời kỳ 1991- 2022 là 15,3%/năm.

Mặc dù thị trường có sự tăng trưởng ổn định nhưng cho đến nay, hàng không Việt Nam với 5 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines vẫn chỉ khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Còn tại thị trường quốc tế, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% vào năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 10-12% thị phần hàng hoá quốc tế. Tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hoá quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam. Trong thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3 – 4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5 – 6 lần so với trước dịch Covid-19. Ví dụ: Giá cước vận chuyển hàng hóa từ các Cảng hàng không tại châu Á đi Hoa Kỳ trước dịch trong khoảng 1,0 đến 1,8 đô la Mỹ/kg nhưng nhiều thời điểm trong năm 2020 và 2021 lên tới 8 đô /kg đến 10 đô/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 17-18 đô/kg từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, do phần lớn đội tàu bay vận chuyển hành khách phải dừng khai thác, các hãng hàng không Việt Nam đã hoán đổi 9 tàu bay chở khách sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang, trong đó, Vietnam Airlines 5 tàu bay (hai tàu A321 và ba tàu A350) và Vietjet Air 4 tàu bay A321. Tuy nhiên, do đặc thù các tàu bay này vẫn chia khoang hành khách và hàng hóa riêng nên dù tháo ghế thì tàu bay vẫn chỉ vận chuyển được các kiện hàng nhỏ (do chuyển qua cửa hành khách), không thể vận chuyển các khối hàng lớn như các tàu bay chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa (toàn bộ thân tàu bay là không gian chung rộng rãi, không bị chia khoang, có cửa rộng để đưa các khối hàng lớn vào thân tàu bay).

Cho đến nay, Cục HKVN chưa tiếp nhận kế hoạch bổ sung tàu bay chuyên chờ hàng hóa của các hãng hàng không chở khách.

Xét trên tổng thể tình hình và xu thế phát triển, CHKVN đề nghị bổ sung IPP Air Cargo để tăng sức cạnh tranh, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế cho hãng hàng không Việt Nam tại thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế nói chung.

Dự báo năm 2022, sản lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1,524 triệu tấn hàng hoá, tăng 16,4% so với năm 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới