Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cung – cầu lại lệch nhau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cung – cầu lại lệch nhau

Thanh Thương

Một nhóm công nhân đang làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất để sang làm việc ở Trung Đông. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Sáu tháng đầu năm nay, số lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ ở mức 37.068 người, bằng 43% chỉ tiêu cả năm. Khó khăn ngày càng chồng chất với ngành xuất khẩu lao động khi cung – cầu lao động không gặp nhau.

Người lao động “chê” thu nhập thấp

Trong những ngày này, anh Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Trường Giang, có trụ sở tại TPCHM, phải lặn lội lên tận Buôn Ma Thuột để tìm người lao động đưa sang Đài Loan làm việc, cũng là thị trường chính của công ty.

Từ đầu năm đến nay, anh không nhớ đã đi đến bao nhiêu địa phương để tìm người, trải dài từ đất mũi Cà Mau đến Quảng Trị, Huế… Anh nói hành trình này sẽ chấm dứt khi công ty anh hoặc là có thể tiếp tục cầm cự và tìm được lối đi khác, hoặc là phải đóng cửa vì đã ăn hết “đuôi” của mình.

Anh nhớ lại những năm trước, khi tình hình kinh tế còn khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng lao động cao, nhu cầu đi xuất khẩu lao động cũng cao, công ty anh kiếm được nguồn thu khá lớn từ hoạt động này. Nhưng từ năm 2009, khi kinh tế các nước lâm vào suy thoái, nhiều công ty trả lao động về nước. Trong sáu tháng qua, số lượng lao động đưa ra nước ngoài của công ty anh chỉ bằng 50% cùng kỳ năm ngoái, và năm ngoái thì thấp hơn năm kia…

“Phải nói rằng năm ngoái khó một, năm nay khó mười”, anh nói. Khó không phải vì không có đơn hàng mà vì người lao động không còn quan tâm đến các thị trường có thu nhập trung bình.

Anh ví dụ, thu nhập của một người làm trong ngành điện tử tại Đài Loan khoảng 11 triệu đồng, trừ các loại phí còn lại khoảng 6 triệu đồng, chưa tính tiền làm tăng giờ. Mức thu nhập này nếu trừ phí sinh hoạt, chi tiêu của người lao động, thì số tiền tích lũy gửi về nước không còn bao nhiêu…

“Trong khi nếu đi làm việc ở Hàn Quốc, hay Nhật Bản thì thu nhập cao hơn đến vài lần”, anh Sơn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Sovilaco, cho biết trong năm tháng qua, công ty chỉ đưa được 500 lao động ra nước ngoài, chủ yếu là sang thị trường Malaysia. Ông cho rằng Sovilaco sẽ tiếp tục gặp khó khăn cho đến cuối năm trên tất cả thị trường do không tìm được lao động.

Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, khó khăn mà hai doanh nghiệp trên gặp phải cũng là tình trạng chung của ngành xuất khẩu lao động. Nguyên nhân là người lao động không còn “mặn mà” với hai thị trường này vì thu nhập chỉ từ 3-6 triệu đồng/tháng. Ông cho biết cục đã chỉ đạo các trung tâm tuyển dụng tư vấn cho người lao động hiểu rõ về các thị trường để lựa chọn cho phù hợp. “Có nhiều người không có tay nghề nhưng lại muốn làm việc ở các nước đòi hỏi tay nghề cao như Hàn Quốc, Nhật Bản vì mức lương luôn trên 1.000 đô la Mỹ”, ông Hải cho biết.

Cũng chính vì vậy, theo ông Hải, hiện nay số lượng lao động cần tuyển dụng của Malaysia và Đài Loan rất lớn nhưng trong nước không có đủ để đáp ứng. Trong sáu tháng, thị trường Malaysia chỉ tuyển được 2.511 người, Đài Loan được hơn 13.000 người, trong khi nhu cầu lên đến hàng chục ngàn.

Thị trường không nhận lao động không có tay nghề

Xuất khẩu lao động đang thụt lùi

Năm 2007-2008, số lượng lao động xuất khẩu là 85.000 người/năm, sang năm 2009, con số này chỉ còn 75.000 người (kế hoạch là 90.000 người). Năm 2010, chỉ tiêu đề ra là 85.000 lao động, thì năm tháng mới đưa đi được 29.500 lao động.

Ông Hải cho biết, chủ trương chung vẫn là nhắm đến việc xuất khẩu lao động có tay nghề cao để mang lại thu nhập xứng đáng cho người lao động đồng thời cũng tạo nguồn kiều hối cho đất nước. Một kỹ sư tốt nghiệp đại học khi sang Nhật Bản làm việc có thể hưởng mức lương trên 2.000 đô la Mỹ/tháng; còn với những lao động tốt nghiệp phổ thông trung học, có qua đào tạo nghề thì mức lương là hơn 1.000 đô la Mỹ/tháng, hơn gấp đôi so với lao động phổ thông. Tuy vậy, chính trình độ tay nghề yếu, ngoại ngữ kém của người lao động là cản trở lớn nhất trong lĩnh vực này.

“Thị trường Mỹ và châu Âu lúc nào cũng có nhu cầu tuyển dụng, tiền lương rất cao, nhưng hầu như không có đủ lao động đáp ứng được yêu cầu của phía tuyển dụng nên trong vài năm qua vẫn chưa xuất khẩu được lao động sang hai thị trường này”, ông Hải cho biết.

Riêng thị trường Nhật Bản, những năm gần đây số lượng lao động xuất khẩu có tăng lên nhờ sự cam kết hỗ trợ đào tạo giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Hình thức xuất khẩu chủ yếu vẫn là theo dạng tu nghiệp sinh, vừa làm việc, vừa học nghề nên điều kiện không quá khó cho người lao động.

Tuy vậy, từ ngày 1-7, Nhật Bản ban hành luật xuất nhập cảnh mới, trong đó quy định rõ là cấm thu tiền đặt cọc của người lao động. Điều này sẽ giúp làm giảm gánh nặng chi phí cho người lao động, nhưng lại khiến các cơ quan quản lý và doanh nghiệp ngần ngại vì đây là biện pháp chế tài để đối phó với tình trạng người lao động bỏ trốn, không làm việc. Có lẽ số lượng người lao động đến thị trường này sẽ giảm trong thời gian tới.

Ngay tại thị trường Singapore, một trong những thị trường có thu nhập cao, thì nguồn lao động Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần tư nhu cầu tuyển dụng. Đơn giản là vì thị trường đòi hỏi khắt khe về trình độ ngoại ngữ. Theo một công ty xuất khẩu lao động cho biết, có khá nhiều ứng viên đều tốt nghiệp đại học, đạt trình độ nghiệp vụ nhưng đã không vượt qua được vòng phỏng vấn. Đó cũng chính là lý do khiến thị trường Singapore với mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc tốt, vị trí địa lý thuận tiện vẫn không phải là thị trường chủ chốt của ngành lao động Việt Nam.

Suleco, một trong những công ty xuất khẩu lao động trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, có chỉ tiêu tuyển dụng 200 lao động cho thị trường này trong năm nay nhưng cho đến nay chỉ mới có 50 ứng viên qua được vòng phỏng vấn ngoại ngữ.

“Phải mất một thời gian dài để cải thiện những vấn đề yếu kém trong công tác đào tạo nghề trên cả nước”, ông Đào Công Hải đã nhấn mạnh khi trao đổi với TBKTSG cách đây hai năm. Đến giờ, ông vẫn cho rằng bộ đang tìm cách để kêu gọi lao động phổ thông tham gia các thị trường có thu nhập thấp, còn thị trường thu nhập cao thì “hàng hóa chưa đáp ứng được”.

Như vậy, hóa ra là việc đào tạo nghề cho người lao động trong những năm qua vẫn không thay đổi. Các giải pháp, đề xuất được nêu ra tại các hội thảo, trong các báo cáo để nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu có lẽ vẫn còn nằm trong các văn bản chứ chưa được áp dụng thực tế?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới