Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cung cầu trên thị trường tín chỉ carbon

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có những dự án thu hút khí carbonic từ bầu khí quyển, giúp giảm nhẹ tình trạng trái đất nóng dần lên nên chủ các dự án này có quyền kinh doanh việc thu hút khí thải của mình. Cứ giảm được 1 tấn khí carbonic sẽ được tính thành 1 tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là công cụ tài chính để giảm biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương

Giá 1 tín chỉ carbon thay đổi tùy thị trường, như ở châu Âu, giá chừng 69 euro nhưng ở Trung Quốc giá chỉ còn 8 đô la hay các hãng hàng không mua tín chỉ carbon để trung hòa mức phát thải của mình thì giá 1 tín chỉ carbon chừng 4 đô la.

Phía bán có thể là các dự án trồng rừng (hút khí carbonic) hay các dự án năng lượng tái tạo (thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch); phía mua là các hãng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều như các tập đoàn dầu khí đa quốc gia, các hãng hàng không, các tập đoàn kinh doanh có cam kết trung hòa mức phát thải. Như hãng Shell đặt mục tiêu đến năm 2030 mỗi năm họ sẽ trung hòa được 120 triệu tấn khí thải carbonic dù đó chỉ là một phần nhỏ của tổng mức phát thải của tập đoàn dầu khí này vào năm ngoái.

Theo tờ Wall Street Journal, hiện nay số lượng doanh nghiệp muốn mua tín chỉ carbon để đạt mức trung hòa đã cam kết đang gia tăng nhanh chóng nên tờ báo dự đoán thị trường sẽ thiếu tín chỉ carbon trong những năm tới. Tình hình này sẽ làm nỗ lực trung hòa mức phát thải cho doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn và đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trên thị trường này cung vẫn đang vượt cầu nên giá tín chỉ carbon vẫn còn rất thấp.

Theo phân tích, tính toán của tờ báo, năm ngoái có tổng cộng 156 triệu tín chỉ carbon được giao dịch, còn thừa đến 705 triệu tín chỉ carbon hiện hữu trên thị trường nhưng không được giao dịch. Nghe qua thì số lượng dư thừa còn rất lớn nhưng tổng tín chỉ carbon có sẵn chỉ bằng một phần rất nhỏ so với tổng lượng khí phát thải. Tính riêng ở Mỹ, năm 2020 hơn 900 doanh nghiệp đã phát thải hơn 9 tỉ tấn khí carbonic, theo số liệu của CDP, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên khảo sát mục tiêu bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Dĩ nhiên không phải tất cả 9 tỉ tấn khí carbonic này sẽ được trung hòa bằng tín chỉ carbon, nhưng hơn 600 doanh nghiệp trong số 900 doanh nghiệp nói trên đã đặt mục tiêu giảm lượng phát thải trong những năm sắp tới. Trong số 600 doanh nghiệp này, có 70 đã từng mua tín chỉ carbon; họ là những địa chỉ phát thải nhiều nhất, lên đến 2,4 tỉ tấn vào năm 2020. Nếu các công ty này quyết định trung hòa mức phát thải bằng tín chỉ carbon thì mức dư thừa sẽ nhanh chóng biến mất.

Hãng tư vấn McKinsey & Co dự báo nhu cầu tín chỉ carbon hàng năm sẽ đạt mốc 2 tỉ tấn trong vòng 10 năm tới, dựa vào các cam kết của doanh nghiệp cũng như phân tích của các chuyên gia biến đổi khí hậu. Vấn đề nằm ở chỗ hai loại tín chỉ carbon phổ biến nhất là trồng rừng hay năng lượng tái tạo lại không có khả năng tăng trưởng mạnh lên. Điều này có thể dẫn tới rủi ro là sẽ có những dự án rao bán tín chỉ carbon nhưng thực chất không làm giảm nguồn khí phát thải chút nào.

Hiện nay các dự án bảo tồn rừng, trồng rừng, hay các dự án áp dụng những phương pháp canh tác hay chăn nuôi giảm bớt khí phát thải chiếm gần 50% lượng tín chỉ carbon trên thị trường. Các dự án này thường rất phức tạp, chi phí cao, đòi hỏi phát triển những vùng rộng lớn và duy trì trong vòng 30-70 năm để thu hút khí carbonic đủ để tạo ra nguồn cung tín chỉ carbon. Một rủi ro là nạn cháy rừng có thể xóa sổ những rừng cây hút khí carbonic; một khó khăn khác là nhu cầu sử dụng đất vào các mục đích khác như chăn nuôi, trồng trọt, chiếm ưu tiên hơn trồng rừng.

Lợi nhuận thu được từ đất canh tác cao hơn hẳn so với trồng rừng nên giá tín chỉ carbon phải ở mức 40 đô la mới tạo ra động lực phát triển rừng mới. Hiện nay tính bình quân, giá tín chỉ carbon mới chỉ đạt 6,33 đô la. Đầu năm nay doanh nghiệp khởi nghiệp NCX huy động được 50 triệu đô la để trả cho các chủ rừng trì hoãn đốn cây và bán tín chỉ carbon dựa vào số cây vẫn còn sinh trưởng. Một startup khác, Indigo Agriculture huy động được 1 tỉ đô la để trả cho nông dân, yêu cầu họ áp dụng các phương pháp canh tác giảm bớt khí carbonic trên đất của họ.

Các địa chỉ phát thải nhiều cũng đầu tư vào các dự án sản sinh tín chỉ carbon như hãng Shell đầu tư 40 triệu đô la vào một dự án trồng rừng ở Brazil. Hãng này cho biết sẽ đầu tư 456 triệu đô la vào các dự án bảo vệ hay khôi phục rừng, đầm nước mặn hay đồng cỏ. Năm ngoái hãng này phát thải 675 triệu tấn khí carbonic nên Shell phải đối diện với một chọn lựa: giảm bớt hoạt động khai thác dẫn tới phát thải nhiều hay mua tín chỉ carbon để trung hòa bớt. Từ trường hợp của Shell và hàng trăm công ty khác, Wall Street Journal mới dự báo cầu sẽ vượt cung trên thị trường tín chỉ carbon trong những năm tới.

2 BÌNH LUẬN

  1. Chúng tôi đang phát triển dự án có tên Zero Waste với mục tiêu xử lý 5 triệu tấn chất thải có nguồn gốc hữu cơ thành phân bón hữu cơ (tài nguyên tái tạo) khu vực ĐBSCL. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Email liên hệ: gabuffbsi@gmail.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới