Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cúng dường bằng… cây rừng

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giữa lúc dư luận và mạng xã hội ồn ào về chuyện cúng dường ở một số cơ sở tôn giáo thì cũng có những cơ sở tôn giáo như chùa Diệu Pháp ở quận Bình Thạnh, TPHCM, đã âm thầm phát động và nhận cúng dường bằng cách quyên góp để đi trồng cây rừng từ hai năm qua.

“Tặng rừng cho mai sau” là dự án mà chùa Diệu Pháp đã vận động Phật tử với mức đóng góp dự kiến chừng 120 triệu đồng cho năm nay, sau thành công của dự án này trong năm ngoái. Kể từ đầu tháng 3, khi dự án phát động cho năm 2024, tới nay Phật tử và các cơ quan đoàn thể quan tâm đã ủng hộ gần 63 triệu đồng.

Dự kiến nhà chùa sẽ phối hợp cùng Quỹ Joy, hiện nay đang quyên góp, vận động trồng rừng nhiều nơi trong nước, tổ chức các chuyến đi trồng cây. Năm nay, nhà chùa tổ chức cho các Phật tử và đoàn thể đã đóng góp hoặc muốn hỗ trợ công sức cho dự án này đi trồng cây vào các tháng 5, 6, 7 năm 2024 ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Hôm 26-5, nhà chùa đã tổ chức hơn 100 Phật tử cho đợt trồng rừng đầu tiên năm 2024 tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai với gần 1.000 cây rừng. Càng ý nghĩa hơn khi sau trồng cây, nhà chùa và Phật tử có chuyến trải nghiệm dưới tán rừng và được các chuyên gia của khu dự trữ giới thiệu về các loại dược liệu quý hiếm có trong khu rừng, cây bản địa tại địa phương, cũng như nhận diện cấu trúc của một khu rừng nhiệt đới.

Nhưng đâu chỉ chùa Diệu Pháp, nhiều năm nay, tịnh xá Ngọc Vạn ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, đã vận động người dân, Phật tử tham gia “Cánh rừng xanh” với mục đích trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc ngay tại núi Ngọc Vạn vốn rất khó trồng cây do đồi dốc núi đá. Thế nhưng, người trụ trì tịnh xá này cùng Phật tử đã trồng hàng chục ngàn cây rừng, hình thành hàng ngàn héc ta rừng trong nhiều năm qua.

Và không chỉ Phật tử cúng dường bằng cây rừng, vài năm gần đây, người dân và doanh nghiệp trong nước đã dần quen với hành động làm từ thiện bằng... trồng cây rừng, góp tiền trồng rừng.

Anh Nguyễn Siêu Hạnh, người sáng lập Quỹ Joy (Joy Foundation) ở TPHCM, cho biết ban đầu Joy chỉ là một nhóm tình nguyện, từ năm 2020 quỹ chuyển đổi thành một doanh nghiệp xã hội và dĩ nhiên toàn bộ số tiền thu được dành cho việc thực hiện các dự án xã hội, trong đó nhiều nhất là trồng rừng.

Nếu chỉ tính riêng cho trồng rừng thì Joy cùng các tình nguyện viên, mạnh thường quân trồng hơn 136.000 cây xanh ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn như Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, Tà Đùng, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Bình Châu - Phước Bửu, rừng phòng hộ tại huyện Đạ Oai, Đạ Tẻh ở Lâm Đồng.

Năm ngoái, Joy huy động được hơn 4 tỉ đồng, trồng được thêm hơn 65.000 cây xanh, vượt mục tiêu ban đầu gấp 2 lần. Joy đặt mục tiêu 30.000 cây xanh năm 2024 nhưng đến nay lượng cây huy động đã hơn gấp đôi, với mỗi cây xanh trị giá 35.000 đồng.

Quyên góp cho các tổ chức hay cúng dường cho nhà chùa bằng cách ủng hộ tiền trồng rừng, ngày công lao động, làm tình nguyện viên trồng rừng… đang ngày một nhiều hơn. Không chỉ các cơ sở tôn giáo mà nhiều tổ chức là doanh nghiệp xã hội như Joy hay phi lợi nhuận như Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, thành lập vào năm 2016 thuộc Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam, cũng đang quyên góp trồng rừng khắp cả nước.

Dường như đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua ở các tỉnh phía Nam càng thúc đẩy ý thức trồng rừng nhiều hơn khi mà trên báo chí, mạng xã hội liên tục có các thông tin quyên góp, tình nguyện, thiện nguyện cho trồng rừng.

Các doanh nghiệp cũng ý thức tới trồng rừng, phát triển xanh nhiều hơn trước. Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (trực thuộc Saigon Times Club của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn) dự kiến sẽ trồng 3-4 héc ta rừng bảo tồn mang tên “Tương lai Xanh 2030” trong chuyến caravan lần thứ 33 “Huế thương!”, trao tặng thư viện tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế, và huyện Bố Trạch, Quảng Bình vào tháng 8 tới đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới