Thứ Bảy, 18/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đến với rừng ‘góp cây’, không phải để… ‘cưa gỗ’!

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một công ty du lịch gửi thông tin qua e-mail mời tôi đi du lịch… trồng rừng. Có nhiều sự lựa chọn cho tôi vì phần lớn là tour đi và về trong ngày xuất phát từ trung tâm TPHCM đến rừng ngập mặn Cần Giờ, Bến Tre, Đồng Nai, Long An… với tên gọi “Du lịch trồng cây, phủ xanh trái đất”.

Theo lời quảng cáo và những hình ảnh thực tế trên trang web của công ty thì du lịch trồng cây của họ có “Sứ mệnh 3 triệu cây xanh” và giúp du khách có trải nghiệm xanh trên từng hành trình. Hiện công ty đã kết nối du lịch kết hợp trồng rừng với 14 vườn quốc gia, khu bảo tồn, ban quản lý các rừng ngập mặn trên cả nước.

Tôi xem kỹ chương trình và điện thoại hỏi thăm thì thấy giá tour đi và về trong ngày các tỉnh lân cận TPHCM là dưới 1 triệu đồng. Chương trình phần lớn là xuất phát từ TPHCM, đến rừng cần trồng nhận dụng cụ, được ban quản lý rừng hướng dẫn và trồng mỗi người một cây rừng, sau đó bắt đầu hành trình tour như mọi tour tham quan trong ngày khác.

Một trung tâm bảo tồn thiên nhiên phi lợi nhuận mà tôi hay bắt gặp vận động trồng cây và để lại bảng chỉ dẫn trên những cánh rừng ven đường đèo từ Bắc vào Nam, mới đây đã đưa ra chương trình rất thời sự với nắng nóng nhiều tháng qua: “Góp rừng tích nước”. Đại loại, “chỉ với 80.000 đồng, bạn có thể trồng 1 cây gỗ lớn tại rừng Xuân Liên (Thanh Hóa)”, thời gian mà trung tâm dự kiến vận động “góp cây” kết thúc vào tháng 7 và trồng rừng vào tháng 8 năm nay.

Nghe qua không ít người sẽ nghĩ “ba cái vụ trồng rừng này là mấy công ty du lịch làm màu thu hút khách cho mới lạ; mấy quỹ thiện nguyện, môi trường gì đó quyên góp trồng rừng đánh bóng tên tuổi, dễ mời tài trợ”. Nhưng không hẳn như vậy. Giám đốc một vườn quốc gia ven biển kể tôi nghe chuyện “dở khóc dở cười”, rằng một tổ chức môi trường đến vườn quốc gia của ông tham quan, khi trở về, họ lên mạng vận động quyên góp trồng rừng khá bài bản với địa chỉ cụ thể là vườn quốc gia này. Vậy là chính quyền tỉnh yêu cầu ông phải giải trình chuyện quyên góp tiền của cộng đồng để trồng rừng trái phép. Ông tìm hiểu và biết trung tâm kia họ tâm huyết với trồng rừng vài năm qua và khi đến với khu rừng của ông, họ bỏ quên các thủ tục cần thiết theo quy định về trồng rừng của vườn quốc gia.

Nhưng, nói gì thì nói, vị giám đốc vườn quốc gia nói trên kể rằng 3 năm qua ông tiếp rất nhiều tổ chức như trung tâm vừa nói, lẫn doanh nghiệp đến tham quan và gợi ý hợp tác trồng rừng ngập mặn, khoanh nuôi tái sinh rừng nghèo. Kết quả là ít nhất ở vườn quốc gia này tới giờ đã có 2 công ty tham gia trồng rừng với diện tích lên tới 65 héc ta. Năm 2022, một công ty sản xuất thuốc lá đến hợp tác trồng rừng ngập mặn mà mục tiêu của họ là tạo bể hấp thụ carbon để tiến tới trung hòa carbon cho nhà máy sản xuất của họ. Một công ty thực phẩm hàng đầu trong nước mới năm ngoái cũng đến vườn quốc gia này đầu tư trồng 25 héc ta rừng với hàng trăm ngàn cây mắm trong 6 năm.

Tại đại hội cổ đông của công ty thực phẩm nói trên, tôi xem qua tài liệu trên trang web cho thấy họ hướng tới trung hòa carbon bằng cách cải tiến sản xuất trong nhà máy, dùng năng lượng tái tạo tại chỗ và đầu tư trồng rừng không chỉ trong nước mà còn cả bên Lào để đủ hấp thụ lượng carbon thải ra, tiến tới trung hòa carbon. Hiện nay, theo tài liệu đại hội cổ đông, công ty này công bố có 3 cơ sở sản xuất – trong số hàng chục cơ sở sản xuất của công ty – đã trung hòa carbon, trong đó có một cơ sở nhờ có sự bù đắp carbon ở khu rừng ngập mặn 25 héc ta như đã nói.

Một vài lãnh đạo vườn quốc gia, khu bảo tồn nói với tôi là trước đây thì tìm kiếm nguồn lực cho trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng nghèo rất khó khăn, chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, còn nay thì hết tổ chức này, công ty nọ đến tham quan, khảo sát, tìm kiếm hợp tác trồng rừng, khoanh nuôi rừng, tặng cây giống…

“Rừng ơi ta đã về đây” là câu ca trong nhạc phẩm “Bài ca người thợ rừng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác năm 1963 tại Lâm trường Hương Sơn, Hà Tĩnh để cổ vũ những người khai thác gỗ, thì nay, rất có thể, nó có ý nghĩa khác, đó là người dân, doanh nghiệp, các tổ chức bảo tồn đến với rừng, không phải cưa gỗ, mà là trồng rừng cho tương lai.

2 BÌNH LUẬN

  1. Khó nhất vẫn là nuôi dưỡng và gìn giữ cây. Bao nhiêu dự án phủ xanh đất trống đồi trọc, triển khai hàng chục năm nay, công của nhiều vô kể, nhưng vẫn không thể bù đắp nổi những cánh rừng bạt ngàn bị tàn phá. Không đâu xa, ngay các đô thị lớn, hàng ngày chứng kiến cây cối dần dần bị chặt hạ để phục vụ mở mang cơ sở hạ tầng… Trong khi phương án giảm nhẹ thiệt hại hoặc trồng mới gần như chưa được tính toán cẩn thận theo một tầm nhìn dài hạn. Cuộc sống không còn cây cối sẽ là viễn cảnh bi đát cho con người. Sẽ không còn xa nữa, nếu ngay từ bây giờ không thay đổi cách hiểu, cách làm.

  2. Trồng rừng không khó, khó là chăm sóc – bảo vệ… đến khi thành rừng thì hiệu quả thực mới cao, chớ không thì năm nào cũng trồng rừng mà trồng đúng 1 đám đất đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới