(KTSG) - Tiểu thuyết Dune của Frank Herbert xuất hiện ở Việt Nam với tên gọi Xứ Cát (Trần Tiễn Cao Đăng dịch) từ trước khi tác phẩm điện ảnh Dune của Denis Villeneuve tung hoành. Nhưng mãi đến khi phần đầu của phim ra đời, vầng hào quang của tiểu thuyết Xứ Cát mới được hiển lộ ở mảnh đất cách xa quê hương của tác giả Herbert cả đại dương.
- Tiểu thuyết Kim Dung, hấp dẫn từ giới bình dân tới trí thức
- Nhà văn Katharina Hagena: “Tiểu thuyết còn là những câu hỏi”
Bị 20 nhà xuất bản từ chối, nhưng rồi cuối cùng, tiểu thuyết Xứ Cát cũng được Công ty Chilton xuất bản - một công ty chuyên in tạp chí thương mại và sách hướng dẫn sử dụng xe hơi. Con đường của Xứ Cát đoạn bắt đầu đã không suôn sẻ.
Đường đi Xứ Cát truân chuyên
Lùi lại thời điểm thập niên 1960 khi Xứ Cát ra đời, độc giả đã quen với tính đồ sộ của những bộ tiểu thuyết ăn khách như Chúa tể những chiếc nhẫn của J. R. R. Tolkien, về khả năng kiến tạo những thế giới khác nằm ngoài cõi người ta, nơi độc giả được đắm chìm trong giấc mộng tuyệt đối và mọi khả năng đều có thể xảy ra. Xứ Cát vẫn là một tiểu thuyết mới mẻ không phải vì nó mở ra những cuộc chiến liên vũ trụ mà vì nó đã biến những hành tinh xa vời ấy trở nên gần gũi hơn, sống động hơn trong tâm tưởng người đọc.
Và cũng giống như J. R. R. Tolkien, Frank Herbert đã tạo nên thế giới kỳ vỹ của mình bằng ngôn từ. Nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng Arthur C. Clarke (1917-2008) cũng từng đặt hai tác phẩm này cạnh nhau khi nhận xét về Xứ Cát: “Độc nhất vô nhị… không gì có thể so sánh nổi, ngoại trừ Chúa tể những chiếc nhẫn”. Vì trong thế giới ngôn từ, mọi thứ đều khả dĩ.
Thành công của Xứ Cát khiến cho Hollywood có ý định khởi động một dự án chuyển thể nhưng có lẽ một phần vì trình độ kỹ thuật thời đó, một phần vì kinh phí để thực hiện dự án quá lớn nên mãi đến năm 1984, vũ trụ Xứ Cát mới xuất hiện trên màn ảnh rộng. Dù đặt dưới sự chỉ đạo của quái kiệt David Lynch, Dune lần đầu ra mắt đã thất bại ở phòng vé. Mãi hơn ba thập kỷ sau, người ta mới nghĩ đến chuyện làm lại Dune, lần này do Denis Villeneuve làm đạo diễn.
Dune là thất bại của Lynch nhưng lại là vinh quang của Villeneuve. Không phải vì Lynch kém tài hơn mà thật khó để dồn nén tác phẩm đồ sộ như tiểu thuyết của Herbert vào một bộ phim dài chưa đến hai tiếng đồng hồ. Có lẽ rút kinh nghiệm từ tiền bối, Denis Villeneuve đã chia phim thành hai phần phát hành lần lượt vào năm 2021 và 2024. Dẫu thế, Dune của Denis Villeneuve vẫn lướt đi trên xương sống của con sâu cát mà bỏ qua những cốt lõi đan dệt nên thế giới được Frank Herbert dày công xây dựng tựa hồ ông đang thao tác với chiếc sa bàn.
Sách cũ và niềm hy vọng mới cho phim viễn tưởng
Vũ trụ Xứ Cát dưới ngòi bút của Frank Herbert gồm sáu tiểu thuyết. Trong đó, nền tảng nhất là cuốn đầu tiên: Xứ Cát. Ở tiểu thuyết này, nhà văn đã kỹ lưỡng viết một phần phụ lục về hệ sinh thái của Xứ Cát, tôn giáo ở Xứ Cát cũng như niên lịch.
Trong tiểu thuyết, toàn bộ câu chuyện được chia thành ba quyển. Ở từng quyển các đại cảnh được chuyển đổi qua lại bằng những trích đoạn từ các cuốn sách do Herbert hư cấu như “Sách về Muad’Dib”, “Chuyện thuở thiếu thời của Muad’Dib”, “Lòng nhân của Muad’Dib”… của Công chúa Irulan.
Những văn bản bên ngoài này soi tỏ vào văn bản gốc, bổ sung cho câu chuyện chính. Như đoạn trích từ “Arrakis thức tỉnh” cũng của Công chúa Irulan: “Người là chiến binh và kẻ thần bí, ác quỷ và vị thánh, xảo quyệt và ngây thơ, nghĩa hiệp, tàn nhẫn, kém một vị thánh, hơn một con người. Không thể đo hành động của Muad’Dib theo những tiêu chuẩn thông thường”.
Sau đoạn này là thời kỳ toàn thắng của nhân vật nam chính - Muad’Dib, ở đó từ kẻ yếu thế, bị săn đuổi trở thành kẻ có sức mạnh thống trị. Tác giả không dành nhiều trang miêu tả tâm lý nhân vật nhưng miêu tả ngoài lề đó đã soi tỏ cho độc giả ngóc ngách tâm hồn của Muad’Dib và cho biết cả tương lai của anh ta.
Xứ Cát mang dáng dấp của những bi kịch Hy Lạp. Trong tác phẩm, các lãnh thổ miền biên viễn đá hóa thành các hành tinh, các lãnh chúa địa phương, những cuộc khởi nghĩa, âm mưu và phản bội. Nó cũng mang cái vẻ của thứ chủ nghĩa thực dân nơi mà các nhà cai trị đến xâm lược và cướp đoạt tài nguyên (tài nguyên ở Xứ Cát là hương dược) và đẩy cộng đồng bản địa ra bên rìa xã hội. Trớ trêu thay, Frank Herbert gọi cộng đồng bản địa này là Fremen, nghe như “free man”, nhưng những người này chưa bao giờ thực sự tự do cả, nếu họ không bị kiềm tỏa bởi thế quyền thì cũng là nô lệ cho thần quyền.
Cho nên Xứ Cát không chỉ là một câu chuyện khoa học viễn tưởng về sự trưởng thành của một người hùng đánh bại cái ác mà còn nói đến một thời đại không có anh hùng, hành trình tha hóa của một nhân vật ngây thơ, sự đánh đổ nhà độc tài này để dựng lại một nhà độc tài khác. Những nhà cai trị biết kết hợp giữa thế quyền và thần quyền, tự thần thánh hóa bản thân. Điều này thể hiện qua một trích dẫn trong cuốn Cứu tinh Xứ Cát (Tâm Thủy dịch): “Lại một lần nữa vở kịch bắt đầu” (Trích lời Hoàng đế Muad’Dib khi bước lên Ngai sư tử).
Frank Herbert đã lột tả được sự phức tạp trong cuộc đời nhân vật chính, kiểu nhân vật không thuần thiện hay thuần ác, trong một thế giới nơi con người, dẫu là những người có sức mạnh siêu việt, vẫn hoàn toàn có thể bị hoàn cảnh khuất phục và biến đổi.
Ta có thể thấy điều này ảnh hưởng đến lối xây dựng nhân vật, cốt truyện của những bộ phim như loạt phim Star War. Theo một cách nào đó, Xứ Cát mở ra những khả năng về một thế giới viễn tưởng, nơi khoa học có thể hài hòa với tâm linh, nơi lịch sử văn minh nhân loại có thể trở thành nguồn cảm hứng, một bài học nên và phải được kể đi kể lại bằng cách này hay cách khác.
“Dù nền văn minh của nhân loại có trở nên kỳ lạ đến mức nào, dù cuộc sống và xã hội có phát triển tới mức nào hay điểm chung giữa máy móc và con người có trở nên phức tạp đến đâu, luôn luôn xuất hiện quãng giải lao cho quyền lực cô độc khi mà tiến trình của nhân loại, tương lai của nhân loại, phụ thuộc vào các hành động khá đơn giản từ những cá nhân đơn nhất” (Trích Godbuk của Tleilaxu Cứu tinh Xứ Cát).
Cuối cùng, như một thành ngữ cổ của người Fremen được dẫn trong Cứu tinh Xứ Cát: “Sự thật bị tổn hại nếu bị phân tích quá nhiều”. Đôi khi, nói bao nhiêu về một tác phẩm cũng là thừa, nhất là khi nó đã được công nhận rộng rãi đến thế. Trở lại hai phần phim Dune của Denis Villeneuve, thế giới cát vẫn đủ rộng lớn để thành nhiều phần phim nữa. Và liệu nó có lặp lại những kỳ tích như Chúa tể những chiếc nhẫn xác lập trong nền điện ảnh, đó là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, sự thành công ban đầu cho phép ta kỳ vọng về những khả năng vô tận của các sản phẩm khoa học viễn tưởng lên văn hóa đại chúng toàn cầu.