“Cuộc chiến AI” giữa Mỹ và Trung Quốc
Chính Phong
(TBKTSG Online) – Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành một “cuộc chiến” khác: giành giật một trong những nguồn tài nguyên quý nhất thế giới hiện nay: các tài năng trong ngành trí tuệ nhân tạo (AI).
Một trong số những dự án AI của Alibaba là City Brain, hệ thống quản lý giao thông ở thành phố Hàng Châu. Ảnh: Reuters. |
Thế giới đang cần khoảng 1 triệu kỹ sư trong ngành AI, nhưng hiện chỉ có 300.000 người làm việc trong ngành này, theo báo cáo của một viện nghiên cứu có hợp tác chặt chẽ với Tencent Holdings, người khổng lồ Internet Trung Quốc.
Mặc dù toàn cầu có 370 học viện đào tạo công nghệ liên quan đến AI, nhưng mỗi năm họ chỉ cho ra khoảng 20.000 kỹ sư.
Các công ty hai bờ lục địa đang hối hả lấp đầy chỗ trống nhân sự trong ngành này. Google mở một trung tâm AI ở Bắc Kinh đầu năm nay để tuyển các sinh viên Trung Quốc. Tencent và đối thủ của họ là Alibaba Group Holdings tổ chức một hội thảo AI ở thành phố New Orleans hồi tháng 2 nhằm tuyển dụng người làm.
Trong một báo cáo phát hành mùa hè 2017, Trung Quốc tuyên bố rằng công nghiệp AI của họ sẽ bằng với những nước phát triển nhất vào năm 2020 và dẫn đầu thế giới vào năm 2030.
Tháng 5-2018, Mỹ tổ chức một cuộc họp với những kỹ sư AI hàng đầu ở Nhà Trắng, đưa ra lời hứa sẽ bằng mọi giá giữ chân các nhân tài ở lại nước Mỹ.
Những khoản lương lớn đang được các công ty đang chi ra để giữ người. Một nhà khoa học về dữ liệu ở Facebook nhận lương 400.000 đô la/năm, theo bà Tomoe Ishizumi, Tổng giám đốc công ty Palo Alto Insight, một nhà cung cấp dịch vụ AI. Các vị trí như vậy ở Google và Amazon cũng được đề nghị mức lương tương đương.
“Ngay cả các công ty lớn như IBM cũng khó kiếm người”, bà nói.
Nhật Bản không giữ được mức cạnh tranh về nhân sự trong ngành công nghệ thông tin. Trung bình một kỹ sư IT ở Mỹ nhận lương 100.000 đô la/năm, nhưng chỉ nhận được một nửa số đó nếu làm việc ở Nhật Bản, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này. Nghề IT được trả lương tốt hơn 140% so với các ngành công nghiệp khác ở Mỹ nhưng chỉ được trả tốt hơn 70% ở Nhật Bản. Ở Ấn Độ và Trung Quốc, mức chênh lệch lên đến 7-9 lần.
Hệ thống đãi ngộ dựa trên thâm niên của Nhật Bản là vật cản trong việc thu hút nhân tài. Và các công ty đang cố gắng đánh đổ truyền thống này. “Chúng tôi đang cần 7 thiên tài và 50 tài năng”, ông Yusaku Maezawa, Chủ tịch công ty Start Today điều hành hệ thống bán hàng thời trang trực tuyến Zozotown, đăng trên Twitter. “Thiên tài” được ông Maezawa định giá có mức lương tối đa 100 triệu yen (908.000 đô la) một năm.
Tháng 1-2018, Toyota Motor đưa Gill Pratt, cựu quản lý một dự án liên quan đến AI của Bộ Quốc phòng Mỹ, vào vị trí điều hành trong tập đoàn. Tháng 3-2018, tập đoàn này mở một công ty phát triển chuyên sâu xe tự lái với số vốn đầu tư 300 tỉ yen và một hệ thống tuyển dụng nhân sự hoàn toàn mới nhằm thu hút nhân tài AI.
Khoảng 163 triệu tỉ (trillion) gigabyte dữ liệu sẽ được tạo ra cho đến năm 2025, gấp 10 lần so với cho đến năm 2016. Với kiến thức về toán cao cấp, thống kê và xử lý dữ liệu, các kỹ sư AI sẽ là những bộ não chủ yếu biến đại dương dữ liệu trên trở thành hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong môi trường số. |