Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chiến chống lạm phát chưa thể kết thúc

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giới đầu tư đang tỏ ra lạc quan vào khả năng chiến thắng lạm phát và đã nghĩ tới viễn cảnh các ngân hàng trung ương sẽ sớm hạ lãi suất. Tuy nhiên, kỳ vọng như vậy vào lúc này có thể vẫn còn quá sớm.

Nguy cơ giá cả tăng cao trở lại

Theo CNN Business, lạm phát tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã chậm lại đáng kể trong năm qua khi giá năng lượng giảm từ mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, cuộc chiến nhằm kiềm chế giá cả tăng cao vẫn chưa giành được thắng lợi cuối cùng và nguy cơ lạm phát có thể nóng trở lại đang gia tăng do sự gián đoạn đối với một trong những tuyến thương mại chính của thế giới.

Các cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Houthi ở Biển Đỏ đã khiến nhiều tàu container và tàu chở dầu buộc phải lựa chọn một tuyến đường dài hơn đi vòng xuống cực Nam châu Phi. Điều này đã khiến chi phí vận chuyển và bảo hiểm tăng vọt, trong khi thời gian di chuyển cũng bị kéo dài thêm khoảng hai tuần.

Dữ liệu từ Công ty tư vấn vận chuyển Drewry có trụ sở tại London cho thấy, chi phí vận chuyển container dọc theo nhiều tuyến thương mại bận rộn nhất thế giới đã tăng gấp đôi, và trong một số trường hợp tăng gấp ba kể từ giữa tháng 12 năm ngoái.

Theo Oxford Economics, mặc dù những chi phí gia tăng này hiện mới chỉ là một phần nhỏ trong mức giá mà người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa sản xuất, nhưng nếu giá cả tiếp tục tăng cao trong thời gian dài, chúng có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng nhẹ.

Giám đốc điều hành Maersk Vincent Clerc cảnh báo rằng, tình trạng gián đoạn kênh đào Suez có thể kéo dài ít nhất một tháng nữa. Ông nói với nhà báo Richard Quest của CNN ở Davos: “Tình hình gián đoạn càng kéo dài, chi phí sẽ càng cao”.

Tình trạng chậm trễ trong vận chuyển và chi phí tăng có thể trở nên trầm trọng hơn do khả năng thiếu hụt container. Phát biểu tại Davos hồi tuần trước, Giám đốc điều hành DHL Tobias Meyer cho biết, các chuyến hành trình dài hơn đi quanh châu Phi có thể dẫn đến tình trạng thiếu container ở châu Á trong vài tuần tới “vì dòng chảy theo hướng ngược lại hiện không diễn ra theo tốc độ mà mọi người đã lên kế hoạch”.

Rủi ro từ xung đột địa chính trị tại Trung Đông

Bên cạnh đó, một cú sốc khác đối với lạm phát có thể đến từ tình trạng bạo lực gia tăng ở khu vực sản xuất dầu mỏ Trung Đông. Nguy cơ căng thẳng leo thang tại đây đang tăng cao sau khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát hồi cuối năm ngoái.

Trong những ngày gần đây, Iran và Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau trong sự leo thang thù địch chưa từng có giữa hai nước láng giềng.

Bất chấp xung đột, giá dầu và xăng hiện chưa tăng đáng kể, trong khi giá khí đốt tự nhiên suy giảm, do nhu cầu yếu hơn và nguồn cung dồi dào lấn át những lo ngại về địa chính trị. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, khả năng giá năng lượng tăng đột biến nếu xung đột lan rộng, vẫn sẽ là một nguy cơ lớn đối với lạm phát.

Lạm phát nóng trở lại tại một số quốc gia

Trên thực tế, trước khi rủi ro tại Trung Đông hay giá cước vận tải tăng vọt có đủ thời gian để tác động đến giá tiêu dùng, lạm phát đã có dấu hiệu nóng trở lại tại Mỹ, Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Vương quốc Anh trong tháng 12.

Tại Eurozone, nỗi ám ảnh mang tên lạm phát đã quay trở lại. Các số liệu mới nhất cho thấy, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tại Đức trong tháng 12 đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức 2,3% trong tháng 11. Chỉ số CPI của Pháp cũng tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức 3,9% của tháng 11.

Tính chung trong toàn khu vực, kinh tế Eurozone trong tháng 12 ghi nhận mức tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 2,4% của tháng 11.

Một số tín hiệu cảnh báo cũng được đưa ra tại Mỹ, khi chỉ số CPI trong tháng 12 đạt mức tăng theo tháng 0,3% và mức tăng theo năm 3,4% - cao hơn so với các mức của tháng 11 (lần lượt là 0,1% và 3,1%). Phần lớn mức tăng đến từ chi phí nhà ở, vốn đã tăng mạnh 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại Vương quốc Anh, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết giá tiêu dùng trong tháng 12 đã tăng 4% so với một năm trước, cao hơn mức 3,9% trong tháng 11, và mức dự báo 3,8% được giới chuyên gia đưa ra. Lạm phát giá dịch vụ cũng tăng tốc nhẹ, từ mức 6,3% hồi tháng 11 lên 6,4%.

Việc giá cả tăng nhanh trở lại, cho thấy, nỗ lực đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ không thể được thực hiện một cách dễ dàng. Kỳ vọng của thị trường về việc các ngân hàng trung ương sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất trong năm nay, cũng bị đánh giá là quá lạc quan.

“Tôi thực sự nghĩ rằng có một mức độ chủ quan trên thị trường tài chính khi đánh giá về triển vọng lạm phát”, Giám đốc điều hành UBS Sergio Ermotti cho biết hôm thứ Tư tuần trước tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ.

Các ngân hàng trung ương sẽ không vội giảm lãi suất

Trong một tuyên bố mới đây, bà Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, đã cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương cần phải thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất trong năm nay, vì kỳ vọng của thị trường về chính sách tiền tệ nới lỏng có thể gây ra một đợt bùng phát lạm phát khác.

Theo bà Gopinath, lạm phát trong năm nay sẽ giảm chậm hơn so với năm ngoái, do thị trường lao động thắt chặt và lạm phát dịch vụ cao ở Mỹ, Eurozone và các nơi khác. Điều này báo hiệu “một con đường gập ghềnh” để nền kinh tế thế giới hướng tới mức lạm phát thấp hơn.

“Công việc vẫn chưa hoàn thành”, bà Gopinath chia sẻ với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn ở Davos, Thụy Sỹ. “Các ngân hàng trung ương phải hành động thận trọng. Một khi bạn cắt giảm lãi suất, điều đó sẽ củng cố kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo và bạn có thể sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ ở quy mô lớn hơn nhiều. Điều này có thể phản tác dụng”.

Bà Gopinath khuyến cáo: “Dựa trên dữ liệu đã thu thập được, chúng tôi kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trong nửa cuối năm chứ không phải trong nửa đầu năm 2024”.

Cũng tại hội nghị Davos, một số giám đốc ngân hàng và CEO đã cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên cắt giảm lãi suất quá sớm, bởi vẫn có vô số động lực có thể đẩy lạm phát lên cao hơn. Các “rủi ro gia tăng lạm phát” bao gồm sự phân mảnh chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cú sốc khí hậu và xung đột vũ trang.

Mary Callahan Erdoes, Giám đốc điều hành bộ phận quản lý tài sản của JPMorgan Chase, đã cảnh báo về một rủi ro khác tinh vi hơn. Bà nói rằng, ngay khi các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất, “mọi người sẽ cảm thấy lạc quan hơn và bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Điều này ngay lập tức có thể khiến lạm phát gia tăng trở lại”.

Nhiều quan chức ngân hàng trung ương cũng đang cố gắng bác bỏ quan điểm lạc quan quá mức của các nhà giao dịch. Hồi tuần trước, Thống đốc Fed Christopher Waller đã tuyên bố Fed nên tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ “một cách có phương pháp và cẩn thận” cho đến khi đảm bảo việc kiềm chế lạm phát bền vững.

Tiếp đó, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee nhận định, cần có thêm dữ liệu lạm phát trong nhiều tuần nữa trước khi đưa ra bất kỳ quyết định cắt giảm lãi suất nào. Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cũng cho biết vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết lạm phát và còn quá sớm để nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra.

Các tuyên bố này đã phần nào ảnh hưởng đến kỳ vọng của giới đầu tư. Theo công cụ FEDWatch của CME Group, tính đến đầu tuần này, thị trường đánh giá chỉ có chưa đầy 50% khả năng Fed sẽ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong tháng 3. Thay vào đó, nhiều nhà đầu tư đang dần nghiêng về khả năng Fed sẽ giảm lãi suất từ tháng 5.

Còn tại châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết hôm thứ Tư tuần trước rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ chỉ cắt giảm lãi suất vào mùa Hè nhưng “vẫn còn có sự không chắc chắn ở một mức độ nhất định”.

Ông Andrzej Szczepaniak, chuyên gia kinh tế tại Nomura, cũng nhận định, “Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường đang quá lạc quan về khả năng cắt giảm lãi suất. Chúng tôi tin rằng ECB nhiều khả năng sẽ chỉ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Điều này sẽ giúp họ có thêm thời gian để đánh giá triển vọng trung hạn một cách toàn diện đối với các áp lực lạm phát tiềm ẩn”.

Nguồn: CNN Business, Financial Times, Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Có hai vấn đề lớn nhất. Một là, tiền in ra đã tràn ngập nền kinh tế toàn cầu. Hai là, tiền sử dụng vào mục đích vô dụng (bệnh hoạn/ chiến tranh/ tiêu dùng vô độ…) ngày càng nhiều. Vậy thì làm sao mà kết thúc cuộc chiến chống “lạm phát cao” được ? Còn lạm phát dai dẳng, thì năm nào cũng một vài phần trăm, trừ những nước âm kéo dài, như Nhật bản. Tính ra, khoảng 5-10 năm, thì mức độ mất giá của đồng tiền trung bình vào khoảng 30-50%. Quả thực, viễn cảnh rất khủng khiếp. Chỉ có dân nghèo, người thu nhập thấp là từ “khổ đến khổ” mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới