Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chiến giảm giá ‘thổi bay’ 157 tỉ đô la vốn hóa của những ‘người khổng lồ’ Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá cả hàng hóa ở Trung Quốc đang trên đà giảm liên tục mà chưa thấy điểm dừng, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ảm đạm buộc các doanh nghiệp đua nhau giảm giá bán để giành khách hàng. Các lo ngại về lợi nhuận khiến nhà đầu tư hắt hủi cổ phiếu của các công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc. Tính từ tháng 9 năm ngoái, vốn hóa của họ suy giảm tổng cộng 157 tỉ đô la Mỹ.

Cổ phiếu của các công ty tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc bị bán tháo sau khi họ lao vào cuộc chiến giảm giá, khiến giới đầu tư lên lo ngại tỷ suất lợi nhuận của họ giảm mạnh. Ảnh: Shutterstock

Các doanh nghiệp ở Trung Quốc, từ xe điện đến đồ ăn nhanh, đang lao vào một cuộc chiến khuyến mãi nhằm thu hút những khách hàng đang lo lắng về triển vọng việc làm mờ mịt và chứng kiến tình trạng giá bất động sản sụt giảm kéo dài.

Trên khắp các khu phố bán lẻ lớn của Trung Quốc, các chương trình giảm giá và ưu đãi đặc biệt đang được quảng cáo, từ quần áo đến mỹ phẩm. Điều này phản ánh sự thay đổi đáng báo động trong thái độ tiêu dùng khiến các nhà bán lẻ phải tìm cách tranh giành khách hàng.

Những mức giá vé rẻ hơn này đang được triển khai bởi các thương hiệu và công ty vốn thường tự xem họ là sự lựa chọn cao cấp cho tầng lớp trung của Trung Quốc. Hồi tháng 10, chuỗi cửa hàng thực phẩm Freshippo của Alibaba, một điểm thu hút hàng đầu đối với tầng lớp trung lưu và thượng lưu với các sản phẩm thịt, hải sản và bánh mì cao cấp, thông báo giảm giá hơn 5.000 mặt hàng. Chuỗi này cũng bổ sung thêm nhiều cửa hàng thực phẩm chuyên bán các mặt hàng gần ngày hết hạn để thu hút những khách hàng nhạy cảm về giá.

Các công ty thức ăn nhanh ở Trung Quốc vẫn mắc kẹt trong cuộc chiến kéo dài để giành khách hàng, với một số cung cấp suất combo đủ với giá chỉ khoảng 3 đô la Mỹ.

Động thái giảm giá bán hàng của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược thúc đẩy doanh số bán hàng khi họ đối mặt  thực tế kinh tế mới của Trung Quốc. Những công ty không giảm giá, như Starbucks Corp., đang mất dần vị thế vào tay các đối thủ rẻ hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2009. Tình trạng này làm gia tăng mối lo ngại về lợi nhuận và giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

“Tất cả những điều đó phản ánh một môi trường tiêu dùng rất yếu kém, bao gồm sự thiếu niềm tin của người tiêu dùng và tăng trưởng thu nhập yếu. Chúng tôi thận trọng với thu nhập quí 4-2023 trên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh ở Trung Quốc. Chúng tôi cũng lo ngại về thu nhập của doanh nghiệp Trung Quốc trong quí 1-2024  trừ khi chính phủ bắt đầu làm điều gì đó lớn lao để hỗ trợ nền kinh tế”. Xin-Yao Ng, Giám đốc đầu tư chứng khoán châu Á của Công ty đầu tư Abrdn, bình luận.

Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định, không có doanh nghiệp Trung Quốc nào “miễn nhiễm” những cơn gió ngược do tốc độ tăng trưởng nhu cầu chậm lại của Trung Quốc, bắt nguồn từ nền kinh tế đang suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở mức cao và niềm tin người tiêu dùng mong manh. Theo họ, chiến lược giảm giá sẽ làm xói mòn tỷ suất lợi nhuận cho đến khi cuộc chiến giá cả hiện tại kết thúc.

“Chiến lược giá thấp được các thương hiệu tiêu dùng sử dụng rộng rãi vào năm ngoái khi nền kinh tế chịu áp lực và niềm tin của người tiêu dùng yếu. Chiến lược này chưa thể kết thúc trước mắt. Xu hướng giảm phát ở Trung Quốc sẽ tiếp tục trong năm 2024”. Jason Yu, giám đốc của Kantar Worldpanel Greater China, một công ty phân tích đang theo dõi hành vi chi tiêu của 62.000 hộ gia đình trên khắp dùng Trung Quốc, nói.

Tính từ tháng 9 năm ngoái đến nay, nếu không tính nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu tiêu dùng có hiệu suất kém nhất trong chỉ số MSCI China Index (đo lường biến động giá cổ phiếu vốn hóa lớn của các công ty Trung Quốc niêm yết ở các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và Mỹ). Giá trị thị trường tổng cộng của các công ty nằm trong hai chỉ số phụ về tiêu dùng của MSCI China Index giảm khoảng 157 tỉ đô la kể từ đó. Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, Công ty điều hành chuỗi nhà hàng Yum China và nhà sản xuất xe điện BYD, chứng kiến các mức giảm vốn hóa lớn nhất.

Thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới khởi đầu năm 2024 trong tình cảnh ảm đạm, với chỉ số MSCI China Index đã giảm hơn 4% trong năm nay.

“Bức tranh lớn hơn là nhu cầu yếu, đang dẫn đến môi trường giảm phát. Đây điềm báo xấu đối với các doanh nghiệp không thể đạt được doanh số cao hơn bằng chiến lược bán giá thấp hơn”,  Daisy Li, nhà quản lý quỹ của EFG Asset Management HK Ltd, nói,

Ngành công nghiệp xe điện là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự cạnh tranh gay gắt khi tốc độ tăng trưởng chậm lại. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã noi gương Tesla về chiến lược giảm giá để tăng doanh số bán hàng. BYD và các công ty cùng ngành xe điện của Trung Quốc gồm Xpeng và Li Auto mất hàng tỉ đô la vốn hóa trong vài tháng qua.

Ngay cả những tập đoàn khổng lồ internet của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, trong đó Alibaba và JD.com, chứng kiến giá cổ phiếu của họ giảm sâu khi cả hai tiến hành một cuộc chiến khốc liệt để giành thị phần.

Nhiều nhà quan sát kinh tế và thị trường hy vọng động thái cắt giảm lãi suất và tăng chi tiêu của Bắc Kinh sẽ giúp ngăn chặn đất nước rơi vào vòng xoáy giảm phát. Các nhà quản lý quỹ đầu tư đang theo dữ liệu giá cả và doanh số bán hàng ở Trung Quốc dịp Tết Nguyên Đán sắp tới để nắm bắt thêm manh mối về niềm tin của người tiêu dùng. Những tuần tới cũng có thể là thời điểm quan trọng cho các hành động chính sách vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ sớm chuẩn bị cho Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội). Phiên họp quốc hội thường niên đó, được tổ chức vào tháng 3, là thời điểm chính phủ dự kiến công bố mục tiêu tăng trưởng chính thức cho năm 2024.

Một cuộc khảo sát của ngân hàng Morgan Stanley cho thấy, tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đang cải thiện trước trước kỳ nghỉ  Tết âm lịch. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng này hoài nghi về sự cải thiện bền vững bối cảnh tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại. Họ cho biết, tình trạng cắt giảm lương và mất việc làm vẫn là những mối lo hàng đầu của các hộ gia đình Trung Quốc, đồng thời lưu ý thêm, số lượng người tiêu dùng dự đoán nền kinh tế sẽ xấu đi tăng 2 điểm phần trăm, từ 11 lên 13%.

 Theo Bloomberg

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới