(KTSG Online) - Sau một năm 2021 bùng nổ, các thương vụ sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ tại châu Á có thể chậm lại trong năm nay do tác động của cuộc chiến Ukraine, lạm phát và lãi suất cũng như các đợt bùng phát trở lại của Covid-19.
Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, các vụ sáp nhập không còn sôi động nữa mà thay vào đó là không khí khá buồn tẻ. Bởi nhà đầu tư đang cân nhắc mọi yếu tố khi sóng gió bắt đầu nổi lên.
Giá trị M&A giảm hơn 40% trong quí 1
Theo hãng dữ liệu tài chính Refinitiv, các thương vụ mua lại công nghệ cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, đạt tổng trị giá 27,6 tỉ đô la trong ba tháng đầu năm 2022 - giảm 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các giao dịch này bao gồm các phân khúc như dịch vụ internet, thương mại điện tử và chất bán dẫn. Đây là các lĩnh vực sôi động trên thế giới khi Covid buộc mọi người phải ở nhà, thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số và điện tử.
Arij van Berkel, phó chủ tịch hãng tư vấn Lux Research có trụ sở tại Boston, lưu ý rằng sau đợt bùng nổ mua bán công nghệ vào năm ngoái, các công ty cần thời gian để tái cơ cấu sau sáp nhập. Hệ quả là các quí sắp tới các hoạt động M&A có khả năng chậm hơn, các thương vụ sẽ ít hơn và có giá trị nhỏ hơn.
Van Berkel nói với Nikkei Asia: “Tình trạng này sẽ ngày càng tệ hơn bởi sự bất ổn của nền kinh tế do tác động của chiến tranh. Cuộc chiến cũng làm lạm phát vốn đã cao tiếp tục leo thang và kéo theo là khả năng lãi suất cũng sẽ tăng”.
“Khi lãi suất tăng, chi phí sử dụng vốn sẽ tăng hoặc là trực tiếp thông qua việc vay nợ hoặc là gián tiếp bởi vì các công ty sẽ cần phải cung cấp cho các nhà đầu tư cổ tức cao hơn để làm cho cổ phiếu trở nên hấp dẫn so với lãi suất”, Van Berkel giải thích. Ông cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là thời điểm lý tưởng để các công ty vay thêm nợ hoặc tìm thêm nguồn vốn mới, trạng thái tâm lý làm giảm ham muốn với các giao dịch mới.
Do đó, các nhà đầu tư muốn kiếm lợi nhuận từ các hãng công nghệ châu Á có thể bị các mối lo đè nặng khi các nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục sau Covid liên tục gặp các cú sốc. Trang DealStreetAsia nói rằng ngay cả việc huy động vốn của các công ty tư nhân ở Đông Nam Á cũng đã chậm lại trong khoảng sáu tháng qua.
So với quí 4 năm ngoái, giá trị vốn cổ phần trong các công ty được các quỹ mạo hiểm góp vốn, thường là các startup công nghệ trong khu vực, đã giảm gần một nửa xuống 4,19 tỉ đô la trong ba tháng đầu năm 2022, mặc dù vẫn tương đương với quí 1-2021.
Khó tái lập các kỷ lục của năm 2021
“Lãi suất đang dần gia tăng, Covid tái bùng phát ở một số nước – đặc biệt ở Trung Quốc – và tình trạng kinh tế bất định do ảnh hưởng của chiến tranh là các tác nhân chính yếu làm tốc độ các thương vụ chậm lại. Sự trượt dốc này một phần là do chúng ta so sánh với các thương vụ M&A kỷ lục trong năm ngoái. Và thực tế chứng minh là những kỷ lục đó khó có thể tái lập lần nữa”, Swarup Gupta thuộc Economist Intelligence Unit nhận định.
Điều này dường như phù hợp với dữ liệu của Refinitiv. Trung Quốc đại lục chiếm thị phần lớn nhất trong các thương vụ công nghệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức 27,3% trong quí 1. Tuy vậy, số thương vụ lại giảm xuống còn 162 từ con số 427 của quí 1 năm ngoái, tức giảm gần 63%. Giá trị gộp của các thương vụ giảm xuống còn 6,9 tỉ đô la từ 23,7 tỉ đô cùng quí, tức giảm hơn 70%.
Theo Refinitiv, thương vụ M&A công nghệ có giá trị hàng đầu ở Trung Quốc là của Shenzhen Yixin Investment và tập đoàn mẹ thuộc sở hữu nhà nước Shenzhen Capital Holdings. Cả hai đã ký ý định thư (LOI) để mua lại 19,73% cổ phần của hãng thiết bị âm thanh và video Shenzhen MTC. Giá trị thương vụ là 692,3 triệu đô la.
Một số trung tâm kinh tế châu Á khác cũng có dấu hiệu chững lại. So với quí 1-2021, giá trị của các thương vụ M&A công nghệ ở Hong Kong đã giảm xuống 1,1 tỉ đô la từ 2,4 tỉ đô la, giảm 55%. Refinitiv cũng cho thấy thương vụ hàng đầu ở Hong Kong là việc China Gas Holdings mua thêm 20% cổ phần của hãng dịch vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu Electronic Business Development, với giá 383,7 triệu đô la.
Ở Hàn Quốc, con số này giảm còn 3,7 tỉ từ 5,6 tỉ, giảm 66%. Thương vụ lớn nhất là vụ tập đoàn Doosan mua 30,62% cổ phần của công ty thử nghiệm chất bán dẫn Tesna với giá 261,1 triệu đô la.
Matthew Toole, giám đốc toàn cầu về tình báo giao dịch của Refinitiv, nhận xét với Nikkei Asia: “Thật an toàn khi nói rằng môi trường thực hiện giao dịch đã thay đổi đáng kể trong vòng ba đến sáu tháng qua. Chiến tranh, thị trường chứng khoán biến động và các chỉ số kinh tế rõ ràng đã khiến các phòng họp đánh giá bối cảnh mới".
Nhưng Toole lưu ý rằng việc tìm kiếm sự tăng trưởng của các công ty và nhà đầu tư vẫn sẽ thúc đẩy các giao dịch được ký kết. Singapore, Đài Loan và Indonesia đang đi ngược lại xu hướng giảm ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Giá trị tổng thể các vụ M&A trong ba tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá này đang đối mặt với viễn cảnh một cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đang kéo dài. Các nhà phân tích đang theo dõi các dấu hiệu suy thoái toàn cầu do xung đột, với chi phí năng lượng và thực phẩm làm tăng lạm phát trên toàn thế giới.
Tình hình ở Trung Quốc, vốn đã cản trở hoạt động mua bán và sáp nhập tổng thể ở châu Á trong quí đầu tiên, đặc biệt đầy thách thức khi nền kinh tế bị đình trệ do phong tỏa khi nhà chức trách thực hiện chính sách “zero Covid”.
Martin W. Hennecke, trưởng bộ phận tư vấn đầu tư châu Á thuộc hãng quản lý tài sản St. James’s Place tại Anh, cho rằng: “Chúng ta thường thấy rằng, bất cứ khi nào tình trạng suy giảm mạnh xảy ra ở bất kỳ lĩnh vực hoặc thị trường nào, đều khiến các nhà đầu tư bi quan nếu không muốn nói là hoàn toàn tuyệt vọng và đầu hàng”.
Theo hãng dữ liệu GlobalData, số ca nhiễm gia tăng trên toàn cầu và xung đột Nga-Ukraine đã làm giảm giá trị thị trường tổng hợp của 50 công ty hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khoảng 6% trong quí đầu tiên.
GlobalData lưu ý rằng các công ty công nghệ đứng đầu danh sách đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường giảm trong giai đoạn này. Tập đoàn chip TSMC của Đài Loan bị giảm giá trị ròng 6% so với quí trước, trong khi gã khổng lồ Tencent Holdings của Trung Quốc giảm 18,4%.
Sankar Sharma, người sáng lập hãng phân tích thị trường RiskRewardReturn có trụ sở tại Anh, ước tính rằng trong mảng công nghệ, các lĩnh vực như phần mềm và chăm sóc sức khỏe vẫn có thể "hoạt động sôi nổi" trong năm nay. Các giao dịch khác có thể bị trì hoãn do các nhà đầu tư cân nhắc rủi ro toàn cầu.
“Nếu chúng ta xem xét triển vọng cho năm 2022, người ta sẽ nghi ngờ rằng đó sẽ là một năm tồi tệ mặc dù nguồn vốn luôn dồi dào. Tình trạng thiếu hụt lương thực và cuộc khủng hoảng năng lượng cũng có thể làm nhà đầu tư nản chí, khiến quá trình ra quyết định trở nên phức tạp”.