Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chiến thị phần khiến các nền tảng giao đồ ăn ở châu Âu và Mỹ lỗ 20 tỉ đô la

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuộc chiến giành thị phần khốc liệt khiến các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến hàng đầu ở châu Âu và Mỹ lỗ hoạt động tổng cộng hơn 20 tỉ đô la Mỹ kể từ khi niêm yết cổ phiếu.

Just Eat Takeaway (Hà Lan) lỗ hoạt động 9,1 tỉ đô la Mỹ kể từ khi được thành lập từ thương vụ sáp nhập giữa Just Eat và Takeaway.com vào năm 2020. Ảnh: Getty

Cổ phiếu của Deliveroo, Just Eat Takeaway, Delivery Hero và DoorDash, bốn doanh nghiệp đại chúng giao đồ ăn độc lập lớn nhất ở châu Âu và Mỹ, đều đang giao dịch ở mức giá thấp hơn mức đỉnh điểm trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ lực đẩy từ đại dịch, 4 công ty này đang đối mặt môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn hơn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khi họ đang nỗ lực chứng minh khả năng sinh lời cho nhà đầu tư, khoản lỗ hoạt động lũy ​​kế hàng năm của họ hiện đã lên tới 20,3 tỉ đô la Mỹ kể từ khi niêm yết cổ phiếu, theo tính toán của Financial Times.

Con số thua lỗ trên bao gồm giá trị suy giảm của các tài sản thâu tóm và chi phí trả thưởng nhân viên dựa trên cổ phiếu. Just Eat Takeaway (Hà Lan) lỗ hoạt động 9,1 tỉ đô la Mỹ kể từ khi được thành lập từ thương vụ sáp nhập giữa Just Eat và Takeaway.com vào năm 2020. Trong khi đó, Uber không công bố chi tiết về lợi nhuận của đơn vị giao đồ ăn Uber Eats.

“Nhà đầu tư giờ đây muốn các doanh nghiệp giao đồ ăn chứng minh khả năng tăng trưởng bền vững và có lãi sau khi lãi suất tăng”, nhà phân tích Jo Barnet-Lamb của ngân hàng UBS, nhận định.

Trong nhiều năm, các tổ chức đầu tư mạo hiểm đã rót tiền vào các công ty của “nền kinh tế tự do” (gig economy) khi họ chạy đua trợ cấp cho dịch vụ giao đồ ăn nhằm thu hút khách hàng với giá thấp và giành thị phần. Nhà đầu tư giờ đây trở nên thận trọng và chuyển trọng tâm chú ý sang khả năng sinh lời khi lãi suất tăng lên, ngay cả khi chi phí hoạt động của các nền tảng giao đồ ăn, bao gồm cả chi phí tiếp thị, vẫn ở mức cao.

Lĩnh vực này cũng đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý và các nhóm bảo vệ quyền của người lao động. Nếu nhân viên giao đồ ăn được trả lương cao hơn, những người hoài nghi cho rằng chi phí giao đồ ăn sẽ tăng lên, khiến người tiêu dùng tránh xa.

Tuy nhiên, các nhà phân tích có quan điểm lạc quan hơn, cho rằng các nền tảng giao đồ ăn có thể cải thiện tình hình tài chính. Hồi tháng 4, ba doanh nghiệp giao đồ ăn có trụ sở ở châu Âu gồm Deliveroo (Anh), Just Eat Takeaway (Hà Lan), Delivery Hero (Đức) cho biết họ dự kiến ​​​​sẽ tạo ra dòng tiền tự do dương trong trong năm nay.

Nhà phân tích Joseph McNamara của ngân hàng Citi nhận định, việc có thể tạo ra doanh thu nhiều hơn số tiền chi tiêu là thử thách lớn tiếp theo của các công ty giao đồ ăn khi giai đoạn tăng trưởng bằng mọi giá đã kết thúc.

Giles Thorne, nhà phân tích của ngân hàngJefferies, lưu ý người tiêu dùng tiếp tục sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trong những năm gần đây dù bị tính phí cao hơn và khuyến mãi giảm giá ít hơn. Ông cho rằng xu hướng này sẽ hỗ trợ triển vọng dài hạn của các công ty giao đồ ăn.

Tốc độ tăng trưởng doanh số trong lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến giảm ở thời kỳ hậu Covid-19. Các công ty giao đồ ăn đã tìm cách phát triển các nguồn doanh thu mới để giúp thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như giao hàng tạp hóa và kinh doanh quảng cáo, có biên lợi nhuận cao hơn.

Ngành công nghiệp giao đồ ăn đang chứng kiến ​​​​thời kỳ hợp nhất, với một số công ty rời khỏi một số thị trường nhất định và những công ty khác tìm cách đầu tư mạnh mẽ hơn vào những thị trường mà họ tin rằng họ có thể thống trị.

DoorDash tập trung vào thị trường Mỹ nhưng đang tìm cách thâm nhập các thị trường mới. Delivery Hero có kế hoạch bán hoạt động kinh doanh tại Đài Loan cho Uber để tập trung nguồn lực vào những nơi khác. Hồi tháng 1, Delivery Hero đã bán cổ phần thiểu số tại Deliveroo.

Các giao dịch thâu tóm trước đây cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của một số công ty giao đồ ăn. Khi mức định giá của ngành giảm mạnh, các tài sản thâu tóm này giảm giá trị.

Thua lỗ của Just Eat Takeaway trong năm 2022 và 2023 một phần là do khoản bút toán giảm giá tổng cộng 6,5 tỉ đô la đối với các doanh nghiệp giao đồ ăn mà công ty này mua lại bao gồm Grubhub và Just Eat. Delivery Hero cũng báo cáo các khoản giảm giá tài sản đáng kể gần đây với tổng trị giá khoảng 1,7 tỉ đô la trong hai năm 2022 và 2023.

Amanda Benincasa Arena, đối tác của Công ty tư vấn quản lý Aon, cho rằng những khoản giảm giá tài sản này cho thấy các giao dịch thâu tóm hoặc sáp nhập không “thành công” như mong đợi.

Các chi phí liên quan đến trả thưởng cổ phiếu cho nhân viên cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động của các công ty giao đồ ăn. DoorDash báo cáo chi phí đó hơn 1 tỉ đô la vào năm 2023.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới