Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua lương thưởng để ‘săn tìm’ nhân lực công nghệ

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường nhân lực cho ngành công nghệ thời gian qua ghi nhận những cuộc cạnh tranh về lương thưởng để thu hút những người tài.  Cuộc đua này được dự báo sẽ càng căng thẳng trong thời gian sắp tới, khi những doanh nghiệp trước đây vốn dĩ đứng bên ngoài cũng bước chân vào quá trình “săn tìm” nhân lực.

Tập đoàn FPT tổ chức nhiều sự kiện lớn để thu hút nhân lực. Ảnh minh họa: Vân Ly

Cạnh tranh thu hút nhân sự chất lượng cao

Quốc Bảo, một sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và đi làm được 4 năm nay cho biết, lúc mới ra trường anh ứng tuyển vào một công ty công nghệ trong nước với mức lương khởi điểm 15 triệu đồng/tháng. Sau hơn một năm, Bảo chuyển sang làm chuyên viên công nghệ của một ngân hàng nội địa với mức lương 22 triệu đồng/tháng. Mới đây, với kinh nghiệm của chính bản thân, Bảo thành công gia nhập bộ phận công nghệ của một ngân hàng khác với mức lương 28 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện của Quốc Bảo đã trở nên phổ biến trong thị trường nhân lực công nghệ, khi xu hướng chuyển việc ngày cành tăng cao, bởi không ít bạn trẻ chọn “nhảy việc” theo sự gia tăng về mức lương.

Tại một cuộc hội thảo liên quan đến chủ đề nhân sự công nghệ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 31-3, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ rằng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, hiện đã có các kỹ sư giỏi của Việt Nam được doanh nghiệp Singapore mời làm việc với mức lương gấp đôi tại Việt Nam.

Nếu các doanh nghiệp trong nước không có chính sách tốt, không thay đổi cách thức đãi ngộ người tài thì sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài “câu” mất nhân sự.

Trong cuộc trò chuyện cùng KTSG Online, người đứng đầu một công ty khởi nghiệp công nghệ (startup) kể rằng sau một thời gian dài đi làm thuê, anh đã mở được công ty cho riêng mình. Và để thu hút nhân tài, anh phải chấp nhận trả lương cao hơn các công ty khác mới tuyển được người phù hợp.

Trong các doanh nghiệp công nghệ, FPT là một tập đoàn công nghệ lớn và có tuổi đời 25 năm và hiện đang sở hữu 60.000 nhân sự. Cách đây vài năm, khi các tập đoàn Viettel và Vingroup đầu tư cho mảng công nghệ, và làn sóng các công ty công nghệ nước ngoài mở rộng hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức này đã trả lương cao để thu hút nhân sự trong ngành, bao gồm cả kỹ sư công nghệ của FPT.

Thời điểm đó, FPT chấp nhận bị mất người và không chạy đua về lương để tuyển dụng hoặc giữ người. Doanh nghiệp cho rằng mình có lợi thế nhận được nhiều hợp đồng lớn từ nước ngoài và được tham gia giải những “bài toán” có tính toàn cầu, được nhận nhiều dự án quy mô lớn và những ưu điểm này sẽ giúp họ có lợi thế trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự.

Tuy nhiên, cuộc đua trong việc thu hút nhân sự bằng lương giờ đã khác. Tại một sự kiện ký kết hợp tác khoa học công nghệ giữa FPT với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc tập đoàn FPT cho biết doanh nghiệp này sẽ cạnh tranh bằng lương, thu nhập hấp dẫn để thu hút nhân sự.

Mức thu nhập hấp dẫn và cơ hội được tham gia giải các “bài toán” có tính toàn cầu là 2 yếu tố khiến vị CEO của FPT tự tin rằng các doanh nghiệp khác sẽ khó lấy được người từ đơn vị này.

Ông dẫn chứng, cách đây khoảng 5 năm, FPT khó tuyển dụng những nhân sự giỏi mới ra trường vì lương thưởng không cạnh tranh được với doanh nghiệp khác. Song gần đây FPT đã có nhiều thay đổi để thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao, cụ thể như: điều chỉnh mức lương, thưởng để bằng thậm chí là nhỉnh hơn các doanh nghiệp khác.

Cuộc đua về lương vẫn sẽ tiếp diễn

FPT đã thay đổi quan điểm, chấp nhận cuộc đua về lương để thu hút nhân lực vì thời gian gần đây tập đoàn này liên tục mở rộng tìm kiếm khách hàng ra toàn cầu. Đầu năm 2023, FPT chào đón nhân sự thứ 60.000 trong năm sinh nhật lần thứ 35. Doanh nghiệp đang đặt mục tiêu phát triển thành tập đoàn có quy mô hàng trăm ngàn nhân sự.

Thêm nữa, ngoài FPT, nhiều tập đoàn công nghệ của Việt Nam như CMC cũng mở rộng quy mô và đẩy mạnh khai thác thị trường nước ngoài. Do đó các doanh nghiệp công nghệ buộc phải chạy đua về lương để thu hút nhân tài. Đây chính là lý do vì sao gần đây nhiều giám đốc tại Việt Nam của các tập đoàn công nghệ nước ngoài “đầu quân” về làm việc cho các công ty, tập đoàn công nghệ trong nước.

Trung tâm bảo hành của công ty công nghệ Zebra (Mỹ) mới mở ở Việt Nam gần đây đã sử dụng nhiều nhân lực công nghệ Việt. Ảnh: Zebra

Ngoài ra, trước xu hướng doanh thu dịch vụ viễn thông suy giảm (do người dùng chuyển sang sử dụng gọi điện và nhắn tin qua Zalo, Viber…), gần đây các nhà mạng lớn tại Việt Nam đều phải dịch chuyển sang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Là một doanh nghiệp viễn thông lớn trên thị trường, tuy nhiên MobiFone là nhà mạng chậm chân hơn Viettel, VNPT trong tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công nghệ.

Cách đây vài tháng MobiFone đã có những chuyển động mạnh mẽ trong việc này khi cùng lúc tuyển dụng 300 nhân sự công nghệ thông tin. Để thu hút nhân lực, nhà mạng này đưa ra mức thu nhập đến 480 triệu đồng/năm/nhân sự cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác như: bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với quyền lợi lên tới 8.000 đô la Mỹ, ăn trưa 1 triệu/tháng… Trong đó, nhà mạng này tuyển nhiều vị trí khác nhau như lập trình viên, kỹ sư dữ liệu, kiểm thử phần mềm, quản trị cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống, an ninh thông tin, điện toán đám mây, kỹ sư internet kết nối vạn vật IoT…

Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, song nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển như mong đợi của ngành này tại Việt Nam.

Tại báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2022, TopDev một nền tảng tuyển dụng nhân lực công nghệ của Việt Nam cho rằng, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội và sôi động cho thị trường lao động công nghệ Việt Nam. Việt Nam đã thu hút các công ty công nghệ thông tin trong khu vực vào tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực như bán lẻ, du lịch, nông nghiệp, bất động sản… đã chuyển đổi số và bước vào mô hình thương mại điện tử. Điều này lại càng tạo nên sức ép về thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin của thị trường, khi nhu cầu tăng lên đáng kể nhưng khả năng đáp ứng còn nhiều hạn chế.

Theo báo cáo thị trường công nghệ Việt Nam năm 2022 do TopDev phát hành, mức lương lập trình viên tại Việt Nam dao động từ 350 đến 1.500 đô la Mỹ, tùy các vị trí khác nhau. Các vị trí quản lý (từ 5 năm trở lên) hoặc cấp cao hơn được khảo sát có mức lương từ hơn 1.410 đến hơn 2.300 đô la Mỹ. Các vị trí được trả lương cao yêu cầu các kĩ năng phân tích dữ liệu, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, học máy…

Theo TopDev, Việt Nam đang có một nguồn nhân lực công nghệ thông tin đầy hứa hẹn. Lập trình viên Việt Nam đang giữ những thứ hạng cao, thuộc Top 6 các quốc gia hàng đầu về dịch vụ gia công phần mềm (2021) theo Xếp hạng về chỉ số vị trí dịch vụ toàn cầu của Kearney. Đồng thời, Việt Nam là một trong hai điểm đến gia công phần mềm hàng đầu ở Đông Nam Á (theo Accelerance).

Còn theo báo cáo của doanh nghiệp tuyển dụng lớn tại Việt Nam là Navigos cho thấy, năm 2022, thị trường công nghệ tăng trưởng mạnh về lương ở các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu. Các doanh nghiệp với dữ liệu khách hàng lớn như ngân hàng, viễn thông và bán lẻ tuyển dụng thêm nhiều nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do nguồn cung nhân lực trong nước còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút nhân sự người Việt có kinh nghiệm như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu ở nước ngoài về tham gia thị trường lao động với mức thù lao cạnh tranh.

Một quản lý cấp cao của công ty chuyên làm dịch vụ tuyển dụng cho biết, hiện có tới hơn 40% các doanh nghiệp công nghệ đang rất khó khăn để tìm kiếm nhân sự cho các mảng quan trọng như quản lý, giám sát và kiến trúc hệ thống. Mặc dù mức thu nhập cho những nhân sự dạng này vào khoảng 1.300 đến hơn 2.200 đô la Mỹ/tháng, cao hơn mặt bằng chung của các ngành khác khá nhiều.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, thị trường nhân lực công nghệ Việt Nam tiếp tục mất cân đối cung cầu trong thời gian dài nên mức lương đang được đẩy lên cao. Cơn “khát” này đang ngày càng tăng khiến những doanh nghiệp vốn dĩ đứng ngoài cũng bước vào cuộc đua tranh về lương và phúc lợi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số.

Theo chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 80.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết năm 2022 Việt Nam mới chỉ có khoảng 70.000 doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới