(KTSG Online) - Các ngân hàng thương mại lớn ở Thái Lan đang bước vào cuộc đua tăng tăng lãi suất để phản ứng trước hai đợt tăng lãi suất liên tiếp của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), làm dấy lên lo ngại chi phí tài chính gia tăng rốt cục sẽ gây áp lực thêm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người tiêu dùng vào thời điểm kinh tế Thái Lan vẫn còn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
- Doanh nghiệp tăng áp lực khi Thái Lan tăng lương tối thiểu thêm 5-8%
- Thái Lan thu hút chuyên gia và người giàu nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngân hàng Bangkok, tổ chức tài chính cho vay lớn nhất của Thái Lan, đã tăng lãi suất cho vay lên 30-40 điểm cơ bản (0,3- 0,4%) và tăng lãi suất huy động thêm 15-50 điểm cơ bản vào hôm 29-9, chỉ một ngày sau khi BoT tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Ngân hàng Kasikorn (lớn thứ hai Thái Lan) và Ngân hàng TMBThanachart hôm 30-9 cũng thông báo tăng lãi suất cho vay thêm 25 điểm cơ bản. Các ngân hàng thương mại lớn khác dự kiến sẽ đi theo hướng tương tự do chi phí tăng khi lãi suất ngắn hạn trên thịtrường cao hơn.
Nếu tính cả đợt tăng lãi suất trong tháng 8, BOT đã tăng chi phí vay thêm 50 điểm cơ bản. Mức tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại hầu hết đều thấp hơn với hai đợt tăng ngân hàng trung ương, vì họ tuân thủ thông điệp của chính phủ là không tăng lãi suất quá nhiều hoặc quá nhanh.
Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh, bao gồm Ngân hàng Krung Thai, Ngân hàng Tiết kiệm chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, Ngân hàng nhà ở chính phủ, giữ nguyên lãi suất cho đến cuối năm năm để giúp giảm tác động đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nhóm dễ bị tổn thương.
Yêu cầu này gây áp lực gián tiếp lên các ngân hàng thương mại, dẫn đến việc họ chỉ tăng lãi suất ở mức tương đối nhỏ. Tuy nhiên, đà tăng lãi suất đang làm dấy lên lo ngại rằng chi phí tài chính ngày càng tăng đối với giới doanh nghiệp có thể gây sức ép lên nền kinh tế Thái Lan, vốn vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khi bị đại dịch COVID-19 tàn phá, vào thời điểm mà những rủi ro đang treo lơ lửng trên đầu, đặc biệt là đồng baht yếu hơn, thâm hụt thương mại lớn hơn và nợ hộ gia đình tăng lên.
Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI), cho biết các lĩnh vực công nghiệp đã phải chịu tác động chi phí vay cao hơn ngay lập tức và điều đó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động và lợi nhuận của họ.
Ông cho biết một số lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào chi phí vốn và các khoản vay lớn dự kiến bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm xây dựng, phát triển bất động sản, công nghiệp điện tử, năng lượng tái tạo và hóa dầu. “Điều chúng tôi lo ngại nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông nói và cho biết thêm rằng phần lớn những doanh nghiệp này có nguồn vốn và dòng tiền nhỏ hơn và có khả năng phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thanh khoản do lãi suất tăng.
Theo Kriengkrai Thiennukul, dù FTI đã đồng ý với BoT về việc tăng lãi suất chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, chi phí tài chính tăng cao vào thời điểm đất nước đang đối mặt với những rủi ro khác có thể gây sức ép lên nền kinh tế.
GDP Thái Lan chỉ tăng trưởng 2,4% trong nửa đầu năm 2022 phần lớn nhờ xuất khẩu mạnh mẽ và du lịch phục hồi, được hỗ trợ bởi đồng baht yếu hơn và quyết định tái mở cửa hoàn toàn cho du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, đồng baht đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm, ở mức 37 baht ăn 1 đô la. Điều này gây báo động cho các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là các nhà nhập khẩu nguyên liệu thô, buộc họ giảm đơn đặt hàng.
Và việc cắt giảm chi tiêu cho sản xuất sẽ dẫn đến xuất khẩu chậm lại trong vài tháng tới. Các nhà phân tích cho biết đồng baht có khả năng tiếp tục suy yếu do chênh lệch giữa lãi suất của Thái Lan và Mỹ đủ lớn để thúc đẩy dòng vốn tiếp tục tháo chạy khỏi đất nước, khiến đồng baht giảm sâu hơn.
Đồng baht yếu hơn có thể sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch, vốn đóng góp khoảng 18% GDP của đất nước, bằng cách giúp chi phí ở Thái Lan trở nên rẻ hơn đối với du khách nước ngoài. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự kiến sẽ có khoảng 7-10 triệu lượt khách nước ngoài đến thăm Thái Lan trong năm nay. Con số này thấp hơn rất nhiều so với con số 39 triệu lượt khách vào năm 2019.
Nhưng đồng baht mất giá có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt thương mại của Thái Lan. Mặc dù xuất khẩu mạnh mẽ, Thái Lan vẫn chịu thâm hụt thương mại 420 tỉ baht (11,26 tỉ đô la Mỹ) trong bảy tháng đầu năm nay, mức cao nhất trong 27 năm, phần lớn do đồng baht yếu hơn, khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu và năng lượng đắt hơn. Sự gia tăng thâm hụt thương mại dự kiến tiếp tục gây áp lực giảm giá cho đồng baht.
Ngoài đồng tiền yếu, một rủi ro khác là nợ hộ gia đình đang tăng lên. Trong năm nay, nợ hộ gia đình của Thái Lan tăng lên mức 14,8 nghìn tỉ baht (397 tỉ đô la) trong năm nay, chiếm 88% GDP, một ngưỡng báo động đối với BoT.
Thống đốc BoT, Sethaput Suthiwarnarueput cho biết BoT sẽ giám sát rất chặt chẽ các ngân hàng thương mại để đảm bảo rằng họ không thực hiện các chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng vay để mua sắm không cần thiết, nhằm kiểm soát nợ hộ gia đình vào thời điểm lãi suất đang trong xu hướng tăng.
Ngoài ra, BoT cũng sẽ giám sát mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay để bảo đảm không quá rộng, tránh gây gánh nặng tài chính lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, FTI kêu gọi chính phủ đưa ra một số chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp thiếu thanh khoản, giúp họ tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Theo Nikkei Asia