(KTSG Online) – Mỹ đã thiết lập một sáng kiến hợp tác với các thành viên chủ yếu là các nước phương Tây nhằm cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc chạy đua giành quyền tiếp cận những khoáng vật cần thiết cho công nghệ xanh, chẳng hạn như pin xe điện, tấm pin mặt trời và tuốc-bin gió ở châu Phi.
- Na Uy muốn giàu hơn với khoáng sản kim loại dưới đáy biển
- Đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn đang bị hạn chế dù mang lại lợi ích lớn
Tháng trước, nhóm Sáng kiến Đối tác an ninh khoáng sản (MSP) do Mỹ dẫn đầu đã họp bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York để thảo luận các ưu tiên, thách thức và cơ hội trong việc khai thác và chế biến có trách nhiệm các khoáng sản quan trọng. Sáng kiến MSP được thiết lập vào tháng 6 tại Canada, bao gồm 11 thành viên: Mỹ, Úc, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh và Ủy ban chhâu Âu (EC).
Tham dự cuộc họp của MSP còn có 5 quốc gia giàu khoáng sản của châu Phi là Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Mozambique, Namibia, Tanzania và Zambia.
Sáng kiến MSP hứa hẹn sẽ giúp các nước châu Phi có nguồn tài chính và thông tin để cải thiện quy trình chế biến khoáng sản quan trọng trong nước của họ.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ và các đồng minh sẵn sàng “cung cấp bảo lãnh vay hoặc tài trợ nợ” cho các nước có nhiều khoáng sản được sử dụng trong pin xe điện, tấm pin mặt trời và tuốc-bin gió. Đây là một phần trong mục tiêu của Tổng thống Joe Biden nhằm đảm bảo nguồn cung các khoáng chất như lithium và cobalt để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang kiểm soát chuỗi cung ứng của chúng.
Ông Blinken nhấn mạnh sáng kiến MSP sẽ hỗ trợ các dự án tuân thủ các tiêu chuẩn cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Ông nói: “Chúng tôi muốn thúc đẩy một cuộc đua lên đỉnh cao chứ không phải cuộc đua xuống đáy”.
Để minh họa, ông dẫn ra trường hợp một mỏ khoáng sản ở Balama, Mozambique đang chuẩn bị đưa graphite (than chì) sang một nhà máy ở bang Louisiana để chế biến sâu. Than chì này được sử dụng để sản xuất pin xe điện ở Mỹ.
Guillaume Pitron, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và quốc tế Pháp, ghi nhận Trung Quốc đang thống trị chuỗi giá trị hạ nguồn của hầu hết các khoáng sản và kim loại quan trọng cần thiết cho công nghệ xanh.
Ông nói: “Mỹ và châu Âu đang bừng tỉnh, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để bắt kịp Trung Quốc”. Ông cho biết thêm rằng các mỏ cobalt ở châu Phi đang rất được quan tâm.
Trung Quốc hiện chiếm ưu thế trong việc nhập khẩu và chế biến các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là những khoáng sản được sử dụng để sản xuất pin xe điện.
Trung Quốc hiện nắm giữ các quyền khai thác khoáng sản rộng rãi ở các nước châu Phi. Ví dụ, Trung Quốc đang mua hơn 60% nhu cầu cobalt, vật liệu thiết của pin xe điện, từ DRC. Và kể từ năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm các mỏ lithium ở Zimbabwe. Lithium là kim loại đang có nhu cầu cao vì nó là thành phần thiết yếu của pin sạc lithium-ion cung cấp năng lượng cho xe điện và tấm pin mặt trời. Trung Quốc cũng nắm các quyền khai thác khoáng sản ở các nước giàu tài nguyên khác ở châu Phi, bao gồm Zambia, Namibia và Nam Phi.
Lauren Johnston, nhà nghiên cứu cấp cao về quan hệ Trung Quốc-châu Phi tại Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Nam Phi, cho biết Trung Quốc đã có tầm nhìn xa hơn và gặp ít rào cản hơn trong việc giành quyền tiếp cận các mỏ khoáng sản ở châu Phi. Trung Quốc đã đầu tư lớn vào các mỏ khoáng sản ở DRC, Zambia và Zimbabwe và cũng có những khoản đầu tư lâu dài ở Úc, Canada và Chile.
Johnston cho biết gần đây chính phủ Mỹ đã cung cấp tài chính để tìm kiếm các cơ hội trên thị trường kim loại quan trọng. Ví dụ, Mỹ đang đầu tư để phát triển chuỗi cung ứng pin ở Úc.
“Điều trớ trêu là Mỹ vẫn cần Trung Quốc và không thể loại trừ nước này trong một số trường hợp. Trung Quốc là nước có năng lực chế biến khoáng sản dẫn đầu thế giới”, Johnston nói.
Theo bà, lý do mà Trung Quốc dẫn đầu trong các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản là vì có nhiều công đoạn chế biến rất nguy hiểm và độc hại. “Trung Quốc là nước sẵn sàng chịu các rủi ro liên quan đến công nghiệp và môi trường cũng như rủi ro chi phí”, Johnston nói.
Tại Châu Phi, Johnston cho biết lĩnh vực khoáng sản tạo ra “cơ hội lớn” cho Cộng đồng Phát triển nam châu Phi, một khối kinh tế gồm 16 nước thành viên chủ yếu đến từ khu vực nam và trung châu Phi.
Alex Vines, người đứng đầu chương trình châu Phi tại Chatham House, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nhận định phương Tây sẽ tìm cách kiểm soát các chuỗi cung ứng khoáng sản ở châu Phi hoặc ít nhất là cố gắng đảm bảo rằng các khoáng sản ở châu Phi được cung cấp rộng rãi cho thị trường.
Ông cho rằng nguồn khoáng sản dồi dào ở lục địa châu Phi cho phép các nhà sản xuất khoáng sản ở châu lục này đạt được các thỏa thuận tốt hơn.
Antonio Andreoni, giáo sư kinh tế phát triển tại Đại học SOAS London, và Simon Roberts, giáo sư kinh tế tại Đại học Johannesburg cho biết lục địa châu Phi đang trở thành chiến địa trong cuộc chạy đua giữa các cường quốc nhằm giành quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng, với các công ty Trung Quốc và Nga đang đóng vai trò quan trọng.
Châu Phi nắm giữ các trữ lượng lớn khoáng sản chiến lược, theo Tổ chức Khí hậu châu Phi. Ví dụ, 70% sản lượng cobalt toàn cầu đến từ DRC và hơn 80% bạch kim và mangan trên thị trường thế giới có nguồn gốc từ Nam Phi và Zimbabwe. Nam Phi là nhà cung cấp ruthenium, iridium và rhodium hàng đầu, và Gabon là nhà sản xuất mangan lớn. Mozambique và Tanzania có trữ lượng than chì đáng kể. DRC và Zambia là những nhà cung cấp quặng đồng lớn.
Các nhà nghiên cứu cho biết Washington coi sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và sự thống trị của nước này đối với các kim loại đất hiếm “là hai trong những lỗ hổng chiến lược lớn nhất” của Mỹ và các đồng minh kể từ cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng vào những năm của thập niên 1970.
Jen-Yi Chen, giáo sư về hoạt động và quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Cleveland, cho rằng các nước phương Tây nên kiểm tra chuỗi cung ứng của các sản phẩm chủ chốt và đảm bảo rằng chúng đủ đa dạng để “không trở thành nạn nhân của bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào”.
Theo SCMP