Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cuối năm vui buồn lẫn lộn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuối năm vui buồn lẫn lộn

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) - Ung thư chắc chắn là bệnh có thể phòng ngừa. Ung thư rõ ràng là căn bệnh có thể điều trị, dù không đơn giản, nhưng cũng không còn nan giải như nhiều thập niên trước. Ấy thế mà tỷ lệ điều trị ung thư hiệu quả cho đến nay, dù đã có nhiều cải thiện, vẫn là thực tế khiến thầy thuốc chưa dám hãnh diện, khiến người đã bệnh khó nuôi hy vọng, khiến người chưa bệnh vẫn còn kinh hoàng khi nghe đến hai tiếng “ung thư”! Tại sao lại thế?

Mặc dầu ngành y có thể hãnh diện với nhiều tiến bộ nhảy vọt trong thập niên vừa qua, ung thư vẫn trước sau chẳng khác nào bản án tử hình vừa không cho kháng án, lại thêm không hề báo trước ngày thi hành án!

Thử hỏi mấy ai bình tĩnh cho nổi khi nhận chẩn đoán với hai tiếng “ung thư” lạnh lùng cay nghiệt? Thử hỏi có bao nhiêu người gom đủ nghị lực để nuôi niềm tin khỏi bệnh khi thầy thuốc tiến hành điều trị trong ánh mắt còn nước còn tát?

Nhưng nếu tưởng bức tranh ung thư vẫn chỉ toàn màu xám thê lương, hay thậm chí là màu đen tăm tối thì lầm. Chuyên gia ở Brussel (Bỉ) sau khi đúc kết và so sánh dữ liệu thống kê ở 21 nước châu Âu trong suốt thế kỷ 20 đã mạnh dạn tô nhiều gam màu tươi sáng trên bức ảnh rọi lớn của tế bào ung thư. Tuy chưa rực rỡ như ánh bình minh của một ngày mới nhưng đã rõ nét màu xanh của hy vọng. Nhiều ít không quan trọng, có đằng nào cũng còn hơn không!

Điều đáng vui đầu tiên là tỷ lệ ung thư phổi giảm rõ rệt, tất nhiên chỉ ở những quốc gia có biện pháp chống thuốc lá quyết liệt. Tuy vậy, niềm vui vẫn không trọn vẹn vì tỷ lệ ung thư phổi ở phái nữ lại tăng cao, phần vì nhiều người thuộc phái yếu sinh tật hút thuốc, phần vì không có biện pháp bảo vệ số nạn nhân tuy không hút nhưng hít phải khói thuốc của chồng, của đồng nghiệp, của người vô trách nhiệm nhả khói nơi công cộng…

Biết đến bao giờ ở Việt Nam mới có thái độ xem thuốc lá là thuốc độc để có biện pháp đột phá nhằm bảo vệ những người không hút thuốc, người già, thai phụ, trẻ em… Đó là chưa kể đến khói xe, khói, chất thải công nghiệp đang bay thả dàn trên khắp bầu trời. Bệnh viện Ung bướu vẫn tiếp tục quá tải là chuyện đương nhiên, dù nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào!

Kế đến, số người mắc ung thư tuyến tiền liệt và cổ tử cung lại tăng hơn trước. Đừng hiểu lầm rồi ngã lòng. Chẳng qua nhờ biện pháp tầm soát nên thầy thuốc phát hiện nhiều người mắc bệnh. Nhưng ngược lại, cũng nhờ thế mà số người được điều trị hiệu quả cũng cao hơn. Cộng sổ cuối cùng vẫn là thuận lợi, cho dù thầy thuốc ở thế “ngư ông”.

Muốn được vậy phải tầm soát định kỳ và thường xuyên. Không có cách nào khác. Khổ nỗi là tầm soát ung thư nghe sao vẫn còn quá xa lạ ở nước ta. Nói chi đến ung thư cho ghê gớm. Ngay cả viêm gan, lao phổi, bệnh phong tình… còn chưa được tầm soát đúng mức thì lo làm gì đến chuyện ngoài tầm tay cho thêm mất ngủ!

Bên cạnh đó, tỷ lệ ung thư dạ dày ở châu Âu cũng giảm thấy rõ từ khi thầy thuốc phát hiện và hiểu sâu hơn về tác hại của vi khuẩn Helicobacter pylori không chỉ khu trú trên đường tiêu hóa như nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Chuyện gì cũng có hai mặt mới kẹt. Tỷ lệ này lại tăng ở những quốc gia không có biện pháp đẩy lùi thuốc lá!

Ai cũng rõ mối liên hệ giữa khói thuốc và ung bướu ác tính từ thực quản xuống đến trực tràng, nói thêm là thừa, trừ những người đang hút thuốc! Mặt khác, tỷ lệ này giảm đáng kể ở những quốc gia mà vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo tối đa. Khỏi nói dông dài cũng hiểu tế bào ung thư dạ dày đang khỏe re thế nào ở xứ mình khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thậm chí chưa lọt được vào vòng trà dư tửu hậu! Không bệnh mới lạ!

Trong khi ung thư da ở nam giới dậm chân tại chỗ thì căn bệnh này lại có chiều hướng tấn công các bà. Lý do là vì nữ giới dễ thiếu sinh tố D trong giai đoạn tiền mãn kinh. Do đó, lo cho các bà mà quên quý vị “sồn sồn” là điều thiếu sót lớn. Ngược lại, ung thư đại tràng rõ ràng xưa nay không quấy rầy các bà thì trước sau vẫn đe dọa giới mày râu do nhiều ông vẫn né tránh biện pháp tầm soát định kỳ từ tuổi 50, mặc dầu biện pháp này hoàn toàn miễn phí ở nhiều nước phương Tây. Không tốn tiền còn né, trách chi nhiều ông xứ mình dại gì chổng mông cho thêm khổ! Các ông ơi, chịu khó chút đi, hơi thốn một chút nhưng an tâm bước vào hiệp hai của trận đấu, nếu muốn theo cho đủ trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ bệnh khéo là ghét nhau!

Bản báo cáo tổng kết của Tổ chức Chống ung thư châu Âu (ECCO) quả thật có nhiều điều đáng để cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân suy nghĩ. Ung thư chắc chắn là bệnh có thể phòng ngừa. Ung thư rõ ràng là căn bệnh có thể điều trị, dù không đơn giản, nhưng cũng không còn nan giải như nhiều thập niên trước. Ấy thế mà tỷ lệ điều trị ung thư hiệu quả cho đến nay, dù đã có nhiều cải thiện, vẫn là thực tế khiến thầy thuốc chưa dám hãnh diện, khiến người đã bệnh khó nuôi hy vọng, khiến người chưa bệnh vẫn còn kinh hoàng khi nghe đến hai tiếng “ung thư”! Tại sao lại thế? Nguyên nhân do đâu? Câu trả lời không quá khó nên xin dành cho độc giả.

Cuối năm lẽ nào không có được ít phút để nghĩ về đoạn đường đã qua, rồi thêm ít phút cho cuộc đời trước mặt? 

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG - Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới