Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuối tháng 5 miền Trung bớt khô hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuối tháng 5 miền Trung bớt khô hạn

Văn Nam

Cuối tháng 5 miền Trung bớt khô hạn
Cánh đồng lúa vụ Đông Xuân ở Quảng Nam – Ảnh: Trung Thanh.

(TBKTSG Online) – Tình hình khô hạn ở các tỉnh khu vực Trung bộ từ Quảng Bình đến Ninh Thuận sẽ giảm bớt nhờ lũ tiểu mãn được dự báo về vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, sau đó khu vực này tiếp tục đối mặt với hạn hán gay gắt cho đến cuối tháng 8.

>> Hàng chục tỉ đồng chạy dầu bơm nước chống hạn

>> Thủy điện ngưng phát điện để cứu lúa

Đây là thông tin được ông Bùi Đức Long, Trưởng phòng Dự báo thủy văn khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (7-5). 

Hiện nay khu vực miền Trung đã có mưa nhưng không nhiều, lượng nước về các hồ chứa không lớn, dòng chảy trung bình trên phần lớn các sông chính ở Trung bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 – 70%.

Trong khi đó, cũng theo ông Long thì khu vực Nam bộ và Tây nguyên đã có mưa trong những ngày gần đây nên tình trạng khô hạn, dòng chảy về các hồ chứa dần được cải thiện. Riêng các sông ở Quảng Nam và khu vực Tây nguyên ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 14 – 22%.

Đến thời điểm cuối tháng 4, phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đều đạt từ 65- 95% dung tích thiết kế, riêng một số hồ như Yên Mỹ, Cửa Đạt (Thanh Hóa); Vệ Vừng, Khe Đá (Nghệ An), Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Cẩm Ly (Quảng Bình), Liệt Sơn (Quảng Ngãi) mới đạt từ 30- 40% dung tích thiết kế. Các hồ chứa ở Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận mới chỉ đạt từ 10- 40% dung tích thiết kế; hồ Tân Giang (Ninh Thuận), Đu Đủ (Bình Thuận), Đắc Uy (Kon Tum) mới chỉ đạt từ 0- 7% dung tích thiết kế, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó thì mực nước trên hầu hết các hồ thủy điện đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,3 – 16 mét; một số hồ có mực nước còn thấp như Bản Vẽ (28,89 m), A Vương (26,26 m), Sông Tranh 2 (34,7 m), Hàm Thuận (22,16 m).

Thêm 403 MW thủy điện cho hệ thống

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các nhà máy thuỷ điện hiện nay huy động phát điện theo tình hình thủy văn thực tế và lên kế hoạch tích nước cho phát điện từ nay đến cuối mùa khô năm 2013.

Trong tháng 5 này dự kiến có thêm 8 tổ máy phát điện mới được đưa vào vận hành với tổng công suất 403 MW, gồm tổ máy 1 thủy điện Khe Bố (50 MW), tổ máy 2 thủy điện Nậm Chiến 1 (100 MW), tổ máy 1 thủy điện Tà Thàng (30 MW), tổ máy 1 thủy điện Văn Chấn (19 MW), tổ máy 1 thủy điện Sông Giang 2 (18,5 MW), tổ máy 1 thủy điện Xekaman 3 (125 MW), tổ máy 1 thủy điện Serepok 4A (32 MW) và tổ máy 2 thủy điện Sông Bung 5 (28,5 MW).

Trao đổi với báo chí ngày 6-5 vừa qua, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5 này, ngành điện sẽ khai thác tối đa nguồn điện than, khí và mua điện từ Trung Quốc để không phải chạy dầu phát điện, tránh tăng giá thành sản xuất điện.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết cơ cấu huy động nguồn phát điện này có thể thay đổi linh hoạt nếu nguồn nước cho thủy điện về sớm hơn dự kiến.

Hiện nay, tổng công suất điện cả nước là 25.482 MW; năm 2013 sẽ đưa thêm vào hệ thống 2.683 MW, nâng tổng công suất cả nước lên 28.165 MW. Trong đó, thủy điện chiếm 44%, nhiệt điện than và khí 44,4%, nhiệt điện dầu 4,6%, nhập khẩu 3,8% và các nguồn còn lại chiếm 2,9%.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới