Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuối tháng 9, trình Chính phủ đề án chính quyền đô thị TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuối tháng 9, trình Chính phủ đề án chính quyền đô thị TPHCM

Văn Nam

Cuối tháng 9, trình Chính phủ đề án chính quyền đô thị TPHCM
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải phát biểu tại hội nghị Đảng bộ bất thường sáng 11-9 – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Dự kiến cuối tháng 9 này UBND TPHCM sẽ trình Chính phủ thông qua đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM. Theo đó vào tháng 10 và tháng 11 Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết cho phép thành phố triển khai thí điểm chính quyền đô thị và thành lập 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc trực thuộc chính quyền thành phố.

Đây là thông tin được Bí thư Thành ủy thành phố Lê Thanh Hải cho biết tại hội nghị bất thường Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM diễn ra sáng 11-9.

>> TPHCM dự kiến lập bốn thành phố mới

>> Doanh nhân góp ý mô hình chính quyền đô thị

Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố, theo lộ trình từ nay đến 2015, thành phố sẽ sắp xếp bộ máy, nhân sự, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của chính quyền từng đô thị, dự toán ngân sách cho triển khai đề án.

Mô hình chính quyền đô thị sẽ chính thức áp dụng từ năm 2016 vào thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Theo ông Quân, thiết kế bộ máy chính quyền đô thị sắp tới theo hướng phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu, do đó sẽ giảm bớt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Do cải cách theo mô hình mới nên cũng sẽ ít tầng nấc trung gian, các bộ phận giải quyết công vụ sẽ gần dân hơn và chắc chắn sẽ làm giảm bớt thời gian chờ đợi của người dân, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Từ đó dẫn đến giảm chi phí, tiết kiệm và tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị, tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Ban soạn thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM cho biết, theo đề án này thì sắp tới thành phố sẽ phải kiến nghị sửa đổi lại khoảng 100 văn bản pháp luật bị “vênh”, không phù hợp theo mô hình chính quyền đô thị.

Theo ông Lịch, điều quan trọng nhất chính là phải thay đổi đội ngũ cán bộ mới có thể triển khai tốt theo mô hình mới, bởi hiện nay đa số cán bộ hiện nay là không đạt yêu cầu. Vấn đề cốt lõi không phải ở trình độ cán bộ mà chính là đội ngũ công chức phải chuyên nghiệp, mẫn cán với công vụ chứ không nhất thiết phải là thạc sĩ, tiến sĩ.

“Theo tôi sắp tới thành lập 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc thì các thị trưởng thành phố phải là những người đúng tầm chứ như các cán bộ quận, huyện hiện nay đưa lên chắc là không làm được”, ông Lịch nói.

Theo ông Lịch thì sắp tới việc sắp xếp lại cán bộ hành chính trên địa bàn thành phố cũng khá nan giải bởi hệ thống cán bộ hiện nay là khá đông, nếu tinh gọn theo mô hình chính quyền đô thị chắc chắn cán bộ công chức sẽ dư thừa nhiều.
 
 
 
    
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới