Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cưỡng chế thuế chỉ thực hiện sau 90 ngày hết hạn nộp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cưỡng chế thuế chỉ thực hiện sau 90 ngày hết hạn nộp

Tâm An

(TBKTSG Online) – Theo điều 92, Luật Quản lý thuế 2006 đang có hiệu lực, việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế chỉ được thực hiện trong trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá chín mươi ngày (90 ngày), kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nộp tiền phạt.

Cưỡng chế thuế chỉ thực hiện sau 90 ngày hết hạn nộp
Ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco. Ảnh: Nikkei.

Một trường hợp khác để thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế nữa là người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế khi đã hết thời hạn gia hạn.

Và trường hợp cuối cùng là cơ quan thuế có quyền cưỡng chế khi người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.

Các hình thức để cưỡng chế thuế có thể áp dụng, theo điều 93 luật này, gồm trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế ở Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu...

Chiếu theo những trường hợp quy định tại điều 92, Luật quản lý thuế như vậy thì việc Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phản ứng việc Cục Thuế TPHCM cưỡng chế thi hành là có cơ sở.

Liên quan đến vụ việc này, hôm 30-12, Sabeco đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố về việc Cục Thuế TPHCM cưỡng chế thi hành quyết định hành chính bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco.

Theo đó, ngày 28-12, công ty này bị trích tiền từ tài khoản số tiền 3.140 tỉ đồng để thi hành thông báo số 20080/TB-CT ngày 24-12 của Cục Thuế. Đây là số tiền chậm nộp và tiền phạt vi phạm hành chính của Sabeco theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo công văn này, phía Sabeco cho biết đã tham vấn ý kiến của đơn vị tư vấn pháp lý độc lập và thấy có căn cứ để cho rằng việc Cục Thuế TPHCM thực hiện cưỡng chế nói trên đã vi phạm pháp luật (cưỡng chế thi hành khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực pháp luật).

“Sabeco không đồng ý việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TPHCM và Sabeco buộc phải thực hiện các hành động pháp lý cần thiết ngay lập tức để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, văn bản do ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco ký khẳng định.

Trước đó, hôm 24-12, Cục Thuế TPHCM ra thông báo về việc Sabeco cần nộp số tiền thuế hơn 3.140 tỉ đồng, thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Thời hạn hết hạn nộp thuế là ngày 27-12. Đến hạn này, Sabeco không thực hiện và ngày 28-12, Cục Thuế ban hành quyết định cưỡng chế như đã nói ở trên.

Trao đổi với TBKTSG Online, nguồn tin riêng của chúng tôi chia sẻ, việc cưỡng chế thuế với Sabeco là chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính khi làm việc mới đây tại TPHCM. Tuy nhiên, việc thực hiện đã không đúng trình tự theo luật định.

Trong khi đó, một nguồn tin khác từ chối bình luận về tính pháp lý của quyết định cưỡng chế nhưng chia sẻ, thời điểm cuối năm, cơ quan thuế chịu áp lực nặng nề của việc phải hoàn thành chỉ tiêu thu cả năm 2018. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới