(KTSG) - Sau khi những mặt tối của mối liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm bị phanh phui vào năm 2023, hàng loạt ngân hàng công bố thay đổi chiến lược đối với việc bán bảo hiểm. Doanh thu của các ngân hàng kéo theo đó cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây, hoạt động bán bảo hiểm với tư cách là một món bán kèm trong chiến lược bán “bia kèm lạc” tại các ngân hàng đang có dấu hiệu quay trở lại với các chiêu thức tinh vi hơn(1).
- Để người mua bảo hiểm có thể bảo vệ quyền lợi của mình
- NHNN công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh ngân hàng ép mua bảo hiểm
Trước khi đi vào chi tiết, cần phải minh định rằng việc bảo hiểm (bất kể nhân thọ hay phi nhân thọ) là việc nên làm và luôn là cách phân bổ và phòng ngừa rủi ro mà các cá nhân, doanh nghiệp nên tính tới. Nhưng các giá trị mà bảo hiểm mang lại luôn gắn liền với bối cảnh, hoàn cảnh và nhu cầu rất cụ thể. Khi khách vay không hoặc chưa có nhu cầu mua bảo hiểm thì việc tham gia một gói bảo hiểm (ngắn hạn) hoặc một phần gói bảo hiểm (dài hạn, ví dụ như bảo hiểm nhân thọ) là sự lãng phí. Có hai câu hỏi cần phải làm rõ khi bàn về chuyện các ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm: 1. Tại sao khách vay phải mua bảo hiểm; và 2. Có cách nào để trừng phạt hành vi ép khách vay mua bảo hiểm bất chính này hay không.
Để thuận tiện cho việc trình bày, các phân tích sau đây minh họa bằng quan hệ bảo hiểm nhân thọ; với quan hệ bảo hiểm phi nhân thọ, có thể hiểu theo các nguyên lý tương đồng.
Tại sao khách vay phải mua bảo hiểm?
Ngân hàng có nhiều động cơ để ép khách vay phải mua bảo hiểm. Bởi khi bán những gói bảo hiểm kéo dài từ 10-20 năm, chiết khấu bán hàng mà hãng bảo hiểm dành cho ngân hàng rất cao. Ngân hàng gần như không mất gì khi triển khai bán bảo hiểm. Đội ngũ bán hàng của ngân hàng có sẵn, cơ sở khách hàng có sẵn, các địa điểm bán hàng có sẵn. Cái quan trọng nữa là khi bán bảo hiểm, tiền thu được sẽ được giữ lại tại ngân hàng. Họ (ngân hàng) chỉ thanh toán cho bên bảo hiểm sau 45 ngày hoặc thậm chí là 90 ngày (tùy theo thỏa thuận giữa các bên). Nhân viên của ngân hàng cũng có lợi ích về mặt thương mại khi bán bảo hiểm. Họ sẽ được chia một phần trong khoản phí bán hàng mà bên bảo hiểm chi trả.
Do đó, nhìn từ khía cạnh lợi ích, các ngân hàng và nhân viên ngân hàng có động cơ để ép khách vay mua bảo hiểm. Nhưng nhìn ở khía cạnh khách vay, việc không có nhu cầu nhưng vẫn phải mua một gói bảo hiểm nhân thọ, sau đó bỏ không tham gia nữa, là một sự lãng phí quá lớn. Sự lãng phí này có thể nhìn từ hai khía cạnh:
Một là, khi một doanh nghiệp nhỏ đi vay họ chịu một khoản lãi suất x đồng/năm. Đồng thời, họ phải bỏ thêm tiền phí y đồng cho năm đầu tiên của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tổng chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp này sẽ là (x + y) đồng. Chi phí sử dụng vốn tăng, góp phần làm chi phí sản xuất của họ tăng. Vấn đề thú vị ở chỗ khoản y đồng này là chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải bỏ ra để được sử dụng vốn nhưng nó lại không đủ điều kiện để quyết toán làm chi phí. Doanh nghiệp phải xử lý vấn đề này, về mặt sổ sách hoặc hóa đơn.
Hai là, trong hai năm qua, chúng ta chứng kiến nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc kìm hãm lãi suất ở mức thấp. Nhưng trên thực tế, với việc buộc khách vay phải chấp nhận các nghĩa vụ tài chính không liên quan, các ngân hàng đang đi ngược lại các chính sách hỗ trợ ấy để trục lợi bất chính (để đổi lại việc kìm lãi suất thấp), đẩy toàn bộ khó khăn cho khách vay.
Vòng cương tỏa khả dĩ là gì?
Có rất nhiều giải pháp đã sử dụng trong quá khứ và rất nhiều đề xuất từ cơ quan nhà nước hữu quan cho đến những cá nhân có quan tâm. Ví dụ, biện pháp đang được trông đợi đó là dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định phạt tiền từ 400-500 triệu đồng nếu các ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Ở góc độ chuyên môn, tôi cho rằng giải pháp này là ổn nhưng nó không giải quyết được bản chất của vấn đề ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm. Hãy nhìn ở góc độ thị trường.
Hãy áp dụng quy định tại điều 27 của Luật Cạnh tranh: “Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng”.
- Tại sao khách hàng lại phải chấp nhận tốn tiền mua bảo hiểm khi mà bản thân họ không có nhu cầu?
- Khách hàng có thể qua ngân hàng khác để vay mà không phải mua bảo hiểm hoặc chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan đến hợp đồng vay hay không?
Nhìn từ khả năng thay thế về cầu, nếu khách hàng có thể vay nơi khác mà không cần phải mua bảo hiểm cũng có nghĩa là thị trường đang làm rất tốt vai trò của nó. Trong trường hợp này, tôi hoàn toàn ủng hộ việc chỉ cần các biện pháp quản lý từ cơ quan quản lý trực tiếp đối với ngân hàng là NHNN. Nhưng nếu câu trả lời là “không”, khả năng thay thế về cầu không có, tức thị trường đang hoàn toàn không có cạnh tranh thì các biện pháp xử lý của NHNN không đủ sức răn đe.
Với hiện trạng ép mua bảo hiểm mà truyền thông đã đưa tin trong suốt thời gian qua, có vẻ hiện tượng này là phổ biến. Hay nói cách khác cạnh tranh đã bị bóp nghẹt bởi các ngân hàng hoặc nhóm ngân hàng có vị trí thống lĩnh trên thị trường tín dụng. Tôi cho rằng có cơ sở để áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh nhằm trừng phạt các hành vi này và khôi phục cạnh tranh. Cụ thể hãy áp dụng quy định tại điều 27 của Luật Cạnh tranh: “Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng”.
Theo quy định này, về mặt chủ thể, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh các ngân hàng thực hiện hành vi là các doanh nghiệp “đủ lớn”, tức là nó phải nắm giữ mức thị phần của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Trong trường hợp nếu hành vi ép mua bảo hiểm là phổ biến cho cả thị trường, chỉ cần chứng minh hành vi này được thực hiện bởi “năm doanh nghiệp trở lên và sở hữu 85% thị phần” là đủ để xử lý.
Chế tài có thể áp dụng đối với vi phạm là phạt tiền từ 1-10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc từng doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường(2). Ngoài ra, các doanh nghiệp này phải đối diện với việc bị (i) tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và (ii) buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường(3).
Trách nhiệm của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia
Pháp luật cạnh tranh đã có quy định rất nghiêm khắc với các hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường để bóc lột khách hàng. Nếu được thực thi một cách nghiêm chỉnh, không cần phải ban hành thêm các quy định khác, tôi tin tự thân các quy định được dẫn ở trên đã thừa sức răn đe.
Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện tượng ép khách vay phải mua bảo hiểm hoặc chấp nhận các nghĩa vụ tài chính không liên quan đã xảy ra trong một thời gian rất dài nhưng không hề thấy bất kỳ một động thái nào từ cơ quan có chức năng giám sát và bảo vệ cạnh tranh? Trong một chừng mực nào đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình, với tư cách là cơ quan có thẩm quyền trong việc này. Cụ thể, theo quy định của Luật Cạnh tranh, để khởi động một vụ tố tụng cạnh tranh, bên cạnh việc khiếu nại của các bên có liên quan thì tự thân Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng có thẩm quyền khởi động quy trình tố tụng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh(4). Trong khi đó, việc ép khách vay phải mua bảo hiểm xảy ra trong thời gian dài và truyền thông đưa tin rất rộng rãi, nhưng chưa thấy bất kỳ động thái nào từ Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Xin dẫn lời một giáo sư luật đáng kính từng phát biểu để thay lời kết cho bài viết này: tình trạng một quốc gia thiếu luật không đáng sợ bằng tình trạng một quốc gia có pháp luật đầy đủ nhưng các quy định ấy không được thực thi. Hệ quả của nó là các bên sẽ khinh nhờn pháp luật. Đó mới là cái đáng để suy ngẫm vậy.
(*) Học viện Pháp luật thực hành
(1) Ánh Hồng, Chiêu trò mới ép người vay mua bảo hiểm, Tuổi Trẻ Online ngày 6-12-2024
(2) Điều 8 Nghị định 75/2019/NĐ-CP
(3) Khoản 3 điều 3 Nghị định 75/2019/NĐ-CP
(4) Khoản 2 điều 80 Luật Cạnh tranh
Gia tăng vị thế của khách hàng khi vay vốn. Đây chính là chìa khóa để giải quyết dứt điểm tình trạng ép buộc người vay phải mua bảo hiểm không đúng thỏa thuận theo quy định pháp luật. Muốn vậy, bên cạnh việc khách hàng biết lựa chọn, tiếp cận các ngân hàng thực sự chuyên nghiệp, thì khách hàng cũng cần nâng trình “chuyên nghiệp” hơn nữa về vấn đề tài chính cá nhân.