Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Cứu vãn’ niềm tin thị trường trong cơn suy giảm mạnh

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu, cắt giảm giờ làm và lao động hàng loạt, giá tài sản bắt đầu giảm mạnh là những hệ lụy tiếp theo của mặt bằng lãi suất cao, áp lực lạm phát và sự biến động kinh tế toàn cầu. Nhu cầu thị trường suy giảm ngày càng có thể thấy rõ hơn, đòi hỏi những giải pháp giúp “cứu vãn” niềm tin của thị trường.

Nhu cầu thị trường vẫn đang tiếp tục suy giảm, dọc tuyến đường này có đến cả chục mặt bằng chưa thể tìm được khách thuê. Ảnh: L.Vũ

Đầu tư và tiêu dùng đồng loạt đi xuống

Sức cầu yếu đang dần thấy rõ hơn trong bối cảnh hiện nay. Mới đây, các hãng xe hơi không chỉ đề xuất giảm một nửa phí trước bạ để kích cầu, mà còn nói rằng sẽ không tổ chức triển lãm lớn trong năm nay vì không hiệu quả, theo thông tin từ trang tin VNExpress.

Lĩnh vực bán lẻ ô tô không phải là lĩnh vực duy nhất lo ngại về sức cầu của thị trường. Trong tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên sắp tới, Công ty cổ phần Thế giới di Động (TGDĐ) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 1% và 2% so với kết quả năm 2022, bảo vệ dòng tiền và chi phí, đồng thời tạm ngưng mở rộng chuỗi bán lẻ, chỉ giữ cửa hàng có lợi nhuận dương.

Trong giai đoạn hiện tại, TGDĐ đánh giá sức mua đang giảm mạnh hơn dự báo, khi khách hàng e ngại mua các sản phẩm lâu bền có giá trị cao, trong khi nhóm khách hàng thu nhập thấp thì khó khăn hơn trong việc tiếp cận khoản vay tiêu dùng. Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh hay dược phẩm cũng đối diện với khó khăn khi người dùng cắt giảm chi tiêu.

Trong báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) hồi cuối tháng 2 vừa qua, khảo sát cũng cho thấy có 83% doanh nghiệp đang gặp khó, bao gồm thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng. Một bất thường khác so với các năm trước là không có đơn hàng dự trữ, lao động nghỉ việc nhiều vào đầu năm.

Cụ thể hơn, lĩnh vực dệt may gặp khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao và tỷ giá biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu. Đơn hàng đầu năm của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quí 2 với ức giảm 50-60%. Các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm hoạt động cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, nguồn cung dự trữ trong khi áp lực đầu vào tăng cao.

Theo HUBA, doanh nghiệp cần vay vốn với lãi suất phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân khách hàng, giữ thị trường. “Do lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay”, báo cáo của HUBA nhận định.

Chính các nhà băng đánh giá các doanh nghiệp khách hàng cũng đang hết sức khó khăn. Chia sẻ tại một sự kiện đầu tháng 3, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết không chỉ lĩnh vực bất động sản cần “giải cứu”, mà nhiều thị trường hàng hóa khác cũng đang gặp khó khăn, doanh nghiệp hầu như không có đơn hàng, công nhân thất nghiệp.

“Hiện nay khách hàng không muốn vay cũng vì nhiều lý do, nhưng bất động sản có giảm giá, ngân hàng có giảm lãi thì mới hấp dẫn người mua. Nếu lãi suất không giảm thì doanh nghiệp cũng chết vì mức lãi suất này nhiều doanh nghiệp làm ra không đủ trả lãi, dễ thành nợ xấu, mà thực tế cả ngân hàng cũng như khách hàng không muốn bán rẻ tài sản”, ông đánh giá.

Không chỉ có mặt bằng lãi suất cao và sức cầu quốc tế yếu đi ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân, nhu cầu trong nước còn bị ảnh hưởng bởi lạm phát có thể tăng cao hơn trong năm 2023 khiến sức mua các hộ gia đình bị xói mòn, theo báo cáo kinh tế Việt Nam của World Bank công bố mới đây.

“Lạm phát cao hơn và kéo dài hơn có xu hướng làm giảm động lực tiêu dùng trong nước do giá cả các mặt hàng cao hơn, đồng thời giảm động lực đầu tư trong nước do bất định về tình hình kinh tế gia tăng. Những yếu kém trong cơ chế chính sách và giám sát khu vực tài chính cùng những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực ngân hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình có thể làm tăng thêm rủi ro, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước”, báo cáo của WB nhận định.

Lạm phát tiếp tục là áp lực lớn đối với xu hướng giảm lãi suất. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Ở góc độ vĩ mô, ông Hoàng Huy, Chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB, đánh giá bức tranh vĩ mô tháng 2 tương đối phức tạp. Trong khi doanh thu bán lẻ duy trì đà phục hồi duy trì đà phục sau Covid-19 và cho thấy nhu cầu phục hồi, bức tranh lạm phát toàn phần lại ngược lại.

“Trong khi kết quả tài chính của các ngành liên quan đến bất động sản bắt đầu phản ánh sự suy thoái của thị trường bất động sản, niềm tin của người tiêu dùng yếu đi do doanh thu thấp hơn và hiệu ứng ngược của cải đã phủ bóng đen lên các ngành liên quan đến tiêu dùng, vốn vừa mới phục hồi sau thiệt hại do Covid-19. Tác động đã xuất hiện sớm hơn chúng ta dự kiến”, ông Huy bình luận.

Cần chính sách tổng thể để phục hồi

Khó có ai có thể dự báo tình hình kinh tế khi nào sẽ hết khó khăn vì có không ít các biến số ảnh hưởng đến từ thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang đặt ra kỳ vọng đơn hàng sẽ khá lên từ quí 2, sức cầu trở lại từ quí 3.

Theo đánh giá của chuyên gia World Bank, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro tăng cao liên quan đến những trở ngại bên ngoài và nguy cơ dễ tổn thương trong nước. Các yếu tố bao gồm áp lực lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, các biến động trên thị trường tài chính, quá trình mở cửa và phục hồi của Trung Quốc và những bất định về rủi ro địa chính trị.

Vào tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ giảm một số lãi suất điều hành. Đây được xem là bước đi rất quan trọng, nhằm định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới.

Đi cùng đó, nhiều ngân hàng thương mại đẩy mạnh xu hướng giảm lãi suất huy động từ tháng 2 đến nay. Báo cáo của NHNN cũng cho biết trong tháng 2, đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới ở mức khoảng 9,4%/năm.

“Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên”, báo cáo của NHNN có đoạn.

Động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN phát tín hiệu giảm lãi suất thương mại trên thị trường.

“Đây là chính sách điều hành rất khả quan, là xu hướng tốt cho thị trường. Giá huy động giảm đồng nghĩa giá cho vay cũng sẽ giảm theo”, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng VIB chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên vừa qua.

Cũng theo ông Vỹ, trong hai tháng đầu năm tăng trưởng toàn xã hội ở mức rất thấp trong bối cảnh tháng 1 rơi vào dịp nghỉ lễ kéo dài. Về phía ngân hàng, VIB tăng trưởng tín dụng ở mức “hạn chế’’ trong giai đoạn hiện nay để xem xét thị trường nước ngoài và chất lượng người vay trong nước.

Nếu tín hiệu thuận lợi hơn thì khả năng tăng trưởng tín dụng của VIB là “không vấn đề gì lớn”, vị này đánh giá. Năm 2023, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến 25% (còn tùy thuộc vào hạn mức được cấp).

Nhưng câu hỏi tiếp theo hiện nay là việc giảm lãi suất đầu ra đến khi nào mới trở thành hiện thực và mức độ lan tỏa của nó như thế nào. Theo ông Huy, Maybank IB, điều quan trọng cần theo dõi để nhìn nhận việc cắt giảm lãi suất thực chất hơn, liên quan đến mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Các yếu tố theo dõi là diễn biến lạm phát ở Việt Nam và lãi suất đô la Mỹ.

Có thể nói động thái mới từ chính sách tiền tệ đã đem lại hi vọng “hồi sinh” mới cho thị trường khi mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Tuy nhiên, khi nhu cầu vay của doanh nghiệp và hộ gia đình suy giảm, một hướng khác để tác động là đầu tư công.

Theo World Bank, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai hợp phần đầu tư trong chương trình hỗ trợ phục hồi đã được thông qua (với quy mô lên đến khoảng 1,6% GDP).

“Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động. Trong ngắn hạn, trọng tâm nên cần nhằm vào triển khai dự toán chi đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong gói chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số và cơ sở vật chất”, báo cáo của World Bank có đoạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới