(KTSG Online) – Tập đoàn công nghiệp Siemens (Đức) đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư thêm vào Đông Nam Á để đa dạng hóa khỏi Trung Quốc. Tập đoàn này đang đi theo xu hướng giảm rủi ro chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Bắc Kinh dâng cao.
- Siemens, Alstom lập công ty đường sắt lớn nhất châu Âu
- Siemens và BioNTech sẽ thành lập một cơ sở sản xuất vaccine tại Singapore
Siemens đang tuyển nhân viên và xem xét bổ sung các nhà máy tại các nền kinh tế đang phát triển nhanh trong khu vực gồm Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, Judith Wiese, Giám đốc nhân sự và bền vững của Siemens, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
“Đó là một khu vực rất đa dạng, nhưng có nhiều tiềm năng. Với việc thế giới nói bàn luận rất nhiều về Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề đa dạng hóa sản xuất, điều đó rất thú vị đối với chúng tôi”, Wiese nói.
Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh buộc nhiều công ty đa quốc gia cảnh giác về sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Các chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng bởi nỗ lực của Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Thêm vào đó là cú sốc chính sách “zero Covid” trước đây của Bắc Kinh cũng như tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Wiese, dù Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất chính của châu Á, nhưng đang dễ dàng bị thay thế hơn khi những nơi khác phát triển. Ông nhận thấy Đông Nam Á có nhiều cơ hội về thị trường cũng như từ góc độ sản xuất.
Siemens, một trong những tập đoàn công nghiệp hùng mạnh của nền kinh tế toàn cầu với hơn 311.000 nhân viên ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tập đoàn này kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng, năng lượng, giao thông thông minh và y tế. Siemens đạt doanh thu 72 tỉ euro và lãi ròng 4,4 tỉ euro trong năm tài chính 2022. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tập đoàn ở châu Á và lớn thứ hai ở nước ngoài sau Mỹ.
Trong năm 2021, 13% doanh số bán hàng của tập đoàn đến từ Trung Quốc, nơi đảm nhận hoạt động sản xuất quan trọng ở bộ phận tự động hóa và số hóa công nghiệp của Siemens.
Sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, Đức đã đánh giá lại mức độ nền kinh tế phụ thuộc vào Nga. Cùng lúc đó, các tập đoàn công nghiệp nghiệp của nước này cũng xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.
Philip Buller, nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg, nhận định Siemens không thể bỏ qua vấn đề địa chính trị. Ông nói: “Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, mọi chính phủ trên hành tinh này bắt đầu cân nhắc lại các mối quan hệ chính trị, không chỉ với Nga mà cả Trung Quốc”.
Nhưng Buller nhấn mạnh động lực đằng sau những quyết định đầu tư của Siemens là triển vọng về nhu cầu và tăng trưởng. Ông nói: “Trong vài thập niên qua, Trung Quốc là động lực tăng trưởng của chúng tôi nhưng vai trò đó đang giảm dần”.
Một số công ty đa quốc gia đang giảm tiếp xúc với Trung Quốc và xây dựng vai trò trong chuỗi cung ứng cho các nước khác trong chiến lược sản xuất “Trung Quốc + 1”. Sony, Apple, Samsung và Adidas nằm trong số các doanh nghiệp đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Thái Lan.
“Các công ty châu Âu đã chậm hơn trong nỗ lực chuyển dấu ấn của họ sang Đông Nam Á. Nhưng tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy sự khẩn trương của họ ngay bây giờ do rủi ro đối đầu và xung đột leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc”, một luật sư tư vấn doanh nghiệp sản xuất toàn cầu ở Singapore, nhận định.
Ấn Độ cũng thu được hưởng lợi tương tự từ quyết định của các công ty công đa quốc gia chuyển dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Không giống như Đông Nam Á, nơi họ phải đối mặt các quy định khác nhau giữa các nước, Ấn Độ là một thị trường lớn duy nhất. Ấn Độ được đánh giá có tiềm năng tái tạo các điều kiện kinh doanh vốn giúp Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất của thế giới.
Wiese nói: “Xét về sự đa dạng hóa sản xuất ở châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN là các sự lựa chọn”.
Theo Financial Times