Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đã dành hơn 850.000 tỉ đồng cho chương trình nông thôn mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đã dành hơn 850.000 tỉ đồng cho chương trình nông thôn mới

Trúc Diễm

Đã dành hơn 850.000 tỉ đồng cho chương trình nông thôn mới
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Ảnh: VOV

(TBKTSG Online) – Không thể phủ nhận những thành tích mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được trong 5 năm qua nhưng nguồn lực của xã hội đã bỏ ra cho chương trình cũng rất lớn.

Nhiều đại biểu cho rằng cần điều tra lại tình trạng nợ của các xã, huyện… cũng như đánh giá tác động của việc chi tiêu của chương trình tới ngân sách nhà nước.

Hàng trăm ngàn tỉ đồng đã chi cho chương trình

Ngày 4-11, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, đến nay đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.

Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,38%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)… Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Về nguồn vốn thực hiện chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng hơn 850.000 tỉ đồng cho chương trình này. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 267.000 tỉ đồng; vốn tín dụng gần 435.000 tỉ đồng, chiếm phần lớn (51%); huy động từ doanh nghiệp gần 42.000 tỉ đồng, chiếm thấp nhất (gần 5%) và người dân đóng góp gần 107.000 tỉ đồng, chiếm 12,62%.

Hàng chục ngàn tỉ đồng nợ đọng

Không thể phủ nhận những thành quả đạt được từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng nguồn lực để sử dụng cho chương trình cũng rất lớn. Cùng với đó là tỷ lệ nợ đọng cao.

Theo báo cáo tại buổi thảo luận, các địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố (tương đương hơn 84%) có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỉ đồng, cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện. 

Tại phiên thảo luận, địa biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý gây lãng phí như tiêu chí về chợ, trung tâm bưu điện. Không ít chợ xây xong đã lãng phí trong lúc đó lại thiếu tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, đặc biệt là các nhà văn hóa ở từng thôn, bản.

“Nhiều xã chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, huy động cả hộ nghèo, cả người cao tuổi và cả những hộ chính sách… Cá biệt còn có những xã, phường, thôn, bản lợi dụng chương trình xây dựng nông thôn mới nên cán bộ suy thoái đã tham ô và gây nhiều đơn thư khiếu kiện, tố cáo và gây mất niềm tin trong xây dựng nông thôn mới”, đại biểu Phương cho hay.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng cần đánh giá mức độ tương xứng của kết quả đạt được với chi phí bỏ ra, cũng như không thể phớt lờ những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài, nhiều xã, nhiều gia đình nông thôn, đặc biệt là những gia đình nghèo phải gánh chịu.

Theo đại biểu Tuấn Anh, cần phải điều tra, thống kê đầy đủ, công bố tình trạng nợ của các xã, số lượng hộ nông dân lâm vào tình trạng bị huy động quá sức dẫn đến phá sản. Cần phải đặt câu hỏi về cách xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi, nhiều chỗ hướng tới thành tích phô trương, chạy theo chủ nghĩa thành tích, nặng tính phong trào, trong giai đoạn hiện nay còn phù hợp hay không?

Qua khảo sát ở Bình Phước cho thấy tổng vốn đầu tư trung bình trong một đồ án quy hoạch được phê duyệt cho một xã nông thôn mới khoảng 175 tỉ đồng. Tỉnh Bình Phước có 100 xã như vậy, tổng vốn để Bình Phước triển khai công việc này đến năm 2025 là 175.000 tỉ đồng, chia cho 11 năm tính ra mỗi năm tỉnh Bình Phước phải chi 15.000 tỉ đồng cho riêng chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, mỗi năm ngân sách tỉnh thu khoảng 4.000 tỉ đồng.

Như vậy, theo đại biểu Tuấn Anh lời giải cho nông thôn mới tỉnh Bình Phước hiện nay nói riêng và cả nước nói chung là phải ưu tiên cho sản xuất và giao thông nông thôn trước để kết nối và tạo ra của cải cho xã hội, sau đó mới phát triển hạ tầng.

Mời đọc thêm:

Nông thôn mới là của ai?

Tiền đâu trả nợ xây dựng nông thôn mới?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới