“Đả hổ diệt ruồi”, rồi sao nữa?
Huỳnh Hoa
![]() |
Vụ khai trừ và bắt giam ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 5-12 có thể coi là đỉnh điểm của chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc. |
(TBKTSG) - Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ráo riết thực hiện trong hai năm qua vẫn chưa làm thay đổi cảm nhận về tình trạng tham nhũng trầm kha ở nước này; để tận diệt được khối ung thư tham nhũng, Trung Quốc cần những cuộc cải cách sâu rộng hơn.
Vụ khai trừ và bắt giam ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 5-12 có thể coi là đỉnh điểm của chiến dịch chống tham nhũng. Tuy nhiên, dưới con mắt của giới phân tích chính trị quốc tế, tình trạng tham nhũng của nước này chẳng những không được cải thiện mà còn tệ hơn trước: trong báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2014 do Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) công bố ngày 3-12, Trung Quốc đã bị tụt 20 bậc, từ vị trí 80 trong 175 nước được khảo sát năm 2013 xuống vị trí 100/175 năm nay, đồng hạng với các nước châu Phi Liberia và Ai Cập. Vì sao có sự sai biệt như vậy?
Với những thông tin chính thức trên báo chí trong và ngoài Trung Quốc không thể không thừa nhận rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã có những thành công vang dội. Tính đến nay đã có ba quan chức cấp ủy viên trung ương đảng CSTQ trở lên bị bắt giam và xử tù (Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai).
Trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã bắt giam Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã xuống tay với Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ nhưng phải tới Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc mới đụng đến cỡ ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, đứng đầu ngành chính pháp (công an, kiểm sát, tòa án) như Chu Vĩnh Khang. Ông Chu là quan chức cao cấp nhất bị bắt giam vì tham nhũng kể từ khi nước CHND Trung Hoa được thành lập năm 1949, và cũng là quan chức Trung Quốc cao cấp nhất bị đưa ra xét xử kể từ sau vụ xử “Tứ nhân bang” do Giang Thanh cầm đầu khi kết thúc Cách mạng Văn hóa năm 1976.
Lần đầu tiên, ổ tham nhũng trầm kha trong quân đội Trung Quốc bị phơi bày và nhiều tướng lĩnh bị xử lý; cũng lần đầu tiên những quan chức ôm tiền tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài bị Bắc Kinh “truy sát” và dẫn độ về nước để xử lý. Về kinh tế, đã có những dấu hiệu cho thấy tác động mạnh mẽ của chiến dịch chống tham nhũng: nhu cầu mua sắm xe sang và các mặt hàng xa xỉ đã sụt giảm thảm hại; doanh thu quí 3-2014 của các sòng bài ở Macau - nơi giải trí ưa thích của các quan chức Trung Quốc - đã sụt giảm lần đầu tiên trong năm năm qua và số người tham gia các cuộc thi tuyển công chức cũng giảm mạnh vì công chức không còn là nghề béo bở nữa, theo báo China Daily.
Rõ ràng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc làm trong sạch bộ máy cầm quyền, từ đó khôi phục phần nào tính chính danh và niềm tin của dân chúng, đặt cơ sở cho những tham vọng lớn lao hơn của ông về “Giấc mộng Trung Hoa”.
Có điều, cách thức chống tham nhũng của ông Tập đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ cũng như kết quả mà ông mong muốn đạt tới.
Cho đến nay, phương thuốc của ông Tập là bao vây và trừng phạt trong một chiến dịch “từ trên xuống dưới” thay vì cải cách triệt để những khuyết tật của hệ thống chính trị-kinh tế để tiêu diệt tận gốc môi trường sản sinh và nuôi dưỡng tham nhũng. Phương thuốc đó đã phần nào mất tác dụng khi người dân có cơ sở để nghĩ rằng, những kẻ bị trừng phạt có thể là nạn nhân của những mưu đồ chính trị hơn là những tên tội phạm thực thụ!
Ngay cả ở Trung Quốc, trong hoàn cảnh thông tin bị kiểm soát chặt chẽ, cũng đã có không ít người nhận định rằng, chiến dịch chống tham nhũng hiện hành là nhằm loại bỏ những đối thủ chính trị của ông Tập, đưa những người cùng “nhóm Chiết Giang” của ông vào các cương vị chủ chốt của đảng, chính quyền và quân đội Trung Quốc. Và như vậy, xem ra ông Tập cũng không có gì khác so với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm Giang Trạch Dân (nhóm Thượng Hải), Hồ Cẩm Đào (nhóm đoàn Thanh niên).
Thomas Coombes, phát ngôn viên của Tổ chức Minh bạch quốc tế, nhận xét sở dĩ cảm nhận về tham nhũng ở Trung Quốc của giới chuyên gia và doanh nhân giảm đi là do chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” vừa không hoàn chỉnh, vừa có động cơ chính trị. “Tôi cho rằng vấn đề là những gì mà Trung Quốc không làm: tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của quan chức nhà nước”, ông Coombes nói, theo báo The New York Times.
Phương thuốc chống tham nhũng, theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, phải là một chiến dịch đa diện, từ dưới lên trên, với sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, đặt nền tảng trên hệ thống tư pháp vô tư, cơ quan điều tra độc lập, báo chí độc lập và các biện pháp triệt tiêu động cơ tham nhũng của công chức. Một thay đổi đơn giản như công khai hóa thông tin về đăng ký doanh nghiệp để người dân biết được, giám sát được ai đang sở hữu công ty nào, vốn liếng bao nhiêu mà Bắc Kinh cũng không thực hiện thì sự nghiệp chống tham nhũng khó mà thành công.
Khi mà những tiếng nói độc lập đòi công khai hóa tài sản của quan chức còn bị trù dập, luật pháp còn nương nhẹ các hành vi tham nhũng, quan chức còn có quyền lực lớn lao nhưng đồng lương không đủ sống thì tham nhũng vẫn còn đất để đâm chồi nảy lộc mà không sự trừng phạt nào dập tắt nổi.
Mời đọc thêm
“Mức độ tham nhũng của Chu Vĩnh Khang vượt xa Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu”