Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng: 10 tháng, chỉ thu hút 2 dự án FDI vào khu công nghệ cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng: 10 tháng, chỉ thu hút 2 dự án FDI vào khu công nghệ cao

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa giới thiệu một lô đất tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (DHTP) cho tập đoàn Fujikin (Nhật Bản) để đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) quốc tế Fujikin Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 35 triệu đô la Mỹ.

Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) quốc tế Fujikin Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 35 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (DHTP). Ảnh: DHTP cung cấp

Mục tiêu của dự án là nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao bao gồm các thế hệ robot khác nhau với trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái tự động với AI, thiết bị y tế và thiết bị môi trường, năng lượng mới…

Dự án có sự tham gia của Giáo sư Amano Hiroshi, là người đạt được giải thưởng Nobel Vật lý năm 2014 về công trình nghiên cứu đèn LED. Giáo sư Amano Hiroshi đã tham gia nghiên cứu và phát triển hệ thống lọc nước bằng ứng dụng đèn LED tia UV (tia cực tím) sâu được phát triển lần đầu tiên vào năm 2015 thay thế cho công nghệ đèn Halogen và sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống truyền điện không dây được sử dụng trong các nghiên cứu và phát triển Máy bay không người lái.

Tính từ đầu năm đến nay, đây chỉ mới là dự án đầu tư nước ngoài (FDI) thứ 2 tại DHTP sau một dự án FDI được cấp phép có vốn đầu tư 60 triệu đô la Mỹ trong số 14 dự án được cấp phép đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư tại đây.

Mười ba dự án còn là đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 1.250 tỉ đồng bên cạnh điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 4,99 triệu đô la Mỹ.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, Ban Quản lý đang xem xét, hướng dẫn nhiều nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư vào DHTP nên hy vọng số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tại đây sẽ tăng lên.

Ông cũng chia sẻ việc thu hút và cấp chủ trương đầu tư dự án R&D của Fujikin tiếp tục khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển tổng thể DHTP đến năm 2030 tại Quyết định số 4621/QĐ-UBND ngày 14-10-2019 của UBND thành phố Đà Nẵng và Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13-1-2020 của Thành ủy Đà Nẵng về việc triển khai thực hiện Chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”.

Cổng vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, Ban Quản lý đang xem xét, hướng dẫn nhiều nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư vào DHTP nên hy vọng số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tại đây sẽ tăng lên. Ảnh: Nhân Tâm

Những dự án như vậy được kỳ vọng sẽ thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến nghiên cứu tại Đà Nẵng, góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố.

Lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tại Đà Nẵng đã thu hút được 490 dự án, trong đó có 362 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 25.347,8 tỉ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.598,7 triệu đô la Mỹ.

Riêng DHTP đã thu hút 22 dự án, trong đó có 10 dự án FDI với vốn đầu tư là 400,1 triệu đô la Mỹ và 12 dự án trong nước với vốn đầu tư là 6.291 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án được Ban Quản lý cấp phép tại cuộc tọa đàm mùa xuân năm 2019 đã đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Khu công nghệ cao (vốn đầu tư 170 triệu đô la Mỹ); Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử Key Tronic tại KCN Hòa Khánh mở rộng (70 triệu đô la Mỹ); Dự án Nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu (giai đoạn 1) tại DHTP (vốn đầu tư 120 tỉ đồng).

Trong chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng được xác định nhiệm vụ “phát triển điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số” là 1 trong 5 nhiệm vụ ưu tiên triển khai; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghệ thông tin đóng góp vào 10% GRDP của thành phố và năm 2030 là 15% GRDP.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới