(KTSG Online) – Trong bối cảnh 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động gần được lấp đầy, Đà Nẵng cần phát triển thêm các cụm công nghiệp và KCN mới cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu công nghệ cao (DHTP) và khu công nghệ thông tin tập trung (DITP) để thu hút nhà đầu tư ở các quy mô từ nhỏ đến lớn.
- Đà Nẵng kêu gọi doanh nghiệp Hàn Quốc 'đổ tiền' vào dự án công nghệ
- Đầu tư là điểm sáng của kinh tế miền Trung trong đại dịch
Hiện nay, đất tại 6 khu công nghiệp của thành phố gần như lấp đầy, đất tại khu công nghệ cao thì hàm lượng khoa học kỹ thuật, quy mô của doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố không đủ khả năng tiếp cận, nên rất trông chờ mặt bằng tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ.
Thông tin này được bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, cho biết tại kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc sáng nay, 15-12.
Theo bà Nhung, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến việc đầu tư, quản lý, sử dụng các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố như phương án quản lý vận hành đối với cụm công nghiệp Cẩm Lệ sau khi đầu tư bằng ngân sách thành phố.
Việc lập quy hoạch bị chồng lấn, dẫn đến đề xuất hủy quyết định chủ trương đầu tư đối với cụm công nghiệp Hòa Hiệp Bắc.... “Chúng tôi đề nghị thành phố sớm có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại trên cũng như sớm có khai thác, vận hành, sử dụng cụm công nghiệp Cẩm Lệ; khu công viên phần mềm số 2; dự án khu phụ trợ trong khu công nghệ cao để doanh nghiệp sớm có cơ hội tiếp cận được nguồn mặt bằng này”, bà Nhung nói và cho biết thêm UBND thành phố Đà Nẵng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào DHTP và DITP.
Theo ghi nhận của người viết, Đà Nẵng đang phát triển lĩnh vực công nghệ cao với quy hoạch sử dụng đất khoảng 2.188 ha, gồm: DHTP hiện tại và mở rộng khu công nghệ cao; DITP giai đoạn 1, giai đoạn 2; khu công viên phần mềm số 1, số 2 và số 3.
DHTP có diện tích 1.128,4 ha, được quy hoạch xây dựng theo mô hình trở thành một khu đô thị khoa học – đổi mới sáng tạo. Đến nay, DHTP đã cơ bản hoàn thành 90% công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ lấp đầy 41,28% (riêng khu sản xuất, tỷ lệ lấp đầy là 56,19%). Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diện tích đất dành cho việc mở rộng khu công nghệ cao khoảng 650 ha.
Ngành công nghệ thông tin (CNTT) cũng là một thế mạnh của thành phố. Đến nay, ngành đã thu hút gần 900 doanh nghiệp CNTT, tạo ra 25.000 việc làm cho người lao động; trong đó, dịch vụ phần mềm và gia công phần mềm CNTT chiếm 43%.
Khu công nghệ thông tin tập trung tại Đà Nẵng có diện tích 341 ha, được quy hoạch xây dựng theo 2 giai đoạn, trong đó hiện đang triển khai giai đoạn 1 với quy mô 131 ha bao gồm các khu chức năng chính như sản xuất, nghiên cứu – phát triển – đào tạo – ươm tạo, quản lý, dịch vụ công nghệ cao, khu ở, hạ tầng kỹ thuật đầu mối; đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đang triển khai các hạng mục xây dựng nhà xưởng cho thuê và Khu ở.
Đà Nẵng có 6 KCN hiện đang hoạt động (3/6 KCN đã lấp đầy, diện tích đất công nghiệp còn lại chỉ khoảng 101,07 ha). Vì vậy thành phố cần hình thành các KCN mới: Hòa Cầm giai đoạn 2 (120 ha), Hòa Nhơn (360,1 ha) và Hòa Ninh (400.02 ha), tổng diện tích khoảng 880,14 ha; 1 khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao 58,33 ha; các cụm công nghiệp mới: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, làng đá chẻ Hòa Sơn với quy mô diện tích đất khoảng 89,41 ha.
Các khu công nghiệp mới sẽ được tập trung phát triển theo chiều sâu; định hướng thu hút các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, áp dụng các kỹ thuật mới trong việc quản lý điều hành; yêu cầu tổ chức không gian, môi trường sản xuất hợp lý, đảm bảo yếu tố mỹ quan, hiện đại trong quy hoạch, thiết kế kiến trúc công trình công nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng đất thông qua việc tăng tầng cao xây dựng công trình phù hợp từng loại hình sản xuất.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp hiện trạng sẽ dần được nâng cấp, chuyển đổi thành các khu sản xuất công nghệ cao; các khu vực lân cận khu dân cư được định hướng chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ; quy hoạch hành lang xanh, đảm bảo khoảng cách ly an toàn môi trường với các khu dân cư lân cận và chỉ những ngành không gây ô nhiễm mới được bố trí trong nội đô.
Tính đến 15-11-2021, Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 22 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 4.668 tỉ đồng; cấp mới 34 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 149,503 triệu đô la; có 17 lượt dự án FDI tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 10,21 triệu đô la, 46 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với giá trị 3,626 triệu đô la. Trong đó có 5 dự án ngoài KCN, tổng vốn đầu tư 4.004,985 tỉ đồng và 17 dự án trong các KCN, khu CNC, khu CNTT tổng vốn đầu tư 663,4 tỉ đồngTổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 21.309,4 tỉ đồng, bằng 97,9% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 100,8% dự toán Trung ương giao.