Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng cần phát triển thêm nhà ở xã hội

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đà Nẵng hiện có 194 khối nhà chung cư thuộc diện nhà ở xã hội với gần 14.000 căn, chưa kể gần 2.000 phòng ký túc xá sinh viên. Tuy nhiên, quỹ nhà ở xã hội đang cạn dần trong khi nhu cầu lại đang tăng. Vì vậy, theo đại biểu HĐND, thành phố cần tìm cách phát triển nhà ở xã hội trong thời gian đến.

Khu chung cư dành cho người thu nhập thấp tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Thông tin này được ghi nhận tại phiên thảo luận chung tại hội trường của kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vào sáng nay 13-7, và được phát trực tiếp trên trang thông tin điện tử của Đà Nẵng.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Tiến (tổ đại biểu quận Hải Châu), những năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội, hoàn thành 194 khối nhà với 13.938 căn hộ chung cư; 16 khối nhà với 1.874 phòng ký túc xá sinh viên… Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, việc đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách thành phố có phần chậm lại.

Ông Tiến cho hay qua giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay rất lớn, nhất là các hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hàng năm có trên 1.000 đơn thư xin thuê nhà chung cư nhưng chưa được đáp ứng.

Từ thực trạng đó, đại biểu này đề nghị UBND thành phố quan tâm một số giải pháp để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian đến.

Theo đó, đối với nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý hiện nay với số lượng khoảng 10.579 căn nhà, đại biểu Nguyễn Thành Tiến đề nghị thành phố sớm nghiên cứu lộ trình giải quyết bán nhà cho các hộ đang thuê, đang ở để thu hồi ngân sách nhằm tái đầu tư nhà ở xã hội khác; hoặc giải quyết các thủ tục cho những đối tượng này được mua hoặc thuê nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội do tư nhân đầu tư sắp hoàn thành trong năm 2023.

Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư quan tâm thực hiện tái thiết, tái đầu tư các nhà ở hiện có theo hướng nâng tầng, nâng hệ số sử dụng đất và hiện đại hóa nhà ở xã hội; có cơ chế quy định về thời gian, thời hạn thuê nhà không quá 5 năm nhằm hạn chế chiếm hữu nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý.

Ngoài ra, đối với kế hoạch phát triển nhà xây mới, Đà Nẵng cần rà soát, thống kê các trường hợp hộ nghèo, đặc biệt khó khăn về chỗ ở để xem xét đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách thành phố, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thuê nhà chung cư cho nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, trước mắt thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án về nhà ở xã hội có vốn ngoài ngân sách.

Giải trình vấn đề này, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết, Đà Nẵng đang hoàn thành và sử dụng 13.938 căn hộ và 1.874 phòng ký túc xá sinh viên với nguồn đầu tư đến từ ngân sách nhà nước (10.579 căn nhà và 1.874 phòng ký túc xá sinh viên) và vốn ngoài ngân sách (8 dự án nhà ở xã hội với 7.531 căn).

Hiện nay, quỹ nhà ở xã hội của thành phố còn khoảng 120 căn và thành phố ưu tiên bố trí cho thuê đối với các đối tượng là người có công cách mạng, cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hưởng lương từ ngân sách thành phố. Đồng thời, thành phố cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án bố trí cho thuê đối với các đối tượng hộ nghèo, đặc biệt khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, cho biết, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, có cả ngàn đơn của các đối tượng yếu thế và người có thu nhập thấp mong muốn có nhà ở xã hội, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu nói trên là rất khó; đặc biệt, các dự án đầu tư nhà ở xã hội hiện nay đang triển khai còn gặp nhiều vướng mắc. Ông Triết đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng xem xét vấn đề này, kể cả việc thí điểm bán nhà ở xã hội hiện nay để tăng cường công tác quản lý hiệu quả hơn đề án nhà ở xã hội, trong đó có cả nhà ở cho công nhân lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới