Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng chuẩn bị cơ sở hạ tầng đón dòng vốn dịch chuyển hậu Covid-19

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với nhận định sẽ có dòng vốn dịch chuyển hậu Covid-19, Đà Nẵng dự kiến thu hút vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 3 tỉ đô la Mỹ. Con số này sẽ tăng lên 4 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2026 – 2030.

Cảng Tiên Sa đón cùng lúc tàu hàng hóa và tàu du lịch vào năm 2019. Đà Nẵng muốn đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng để đón dòng vốn mới hậu Covid-19. Ảnh: Nhân Tâm

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

Những con số này được đề cập trong đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt.

Để có thể thu hút dòng vốn hậu Covid-19 này, Đà Nẵng đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, đô thị được xem là yếu tố sẽ giúp thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong giai đoạn sắp tới.

Cụ thể, bên cạnh phối hợp với các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành ga hàng hóa tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, Đà Nẵng sẽ thực hiện khơi thông vũng quay tàu để nâng trọng tải tàu trên 20.000 DWT vào Cảng Tiên Sa, từ đó nâng công suất khai thác của Cảng Tiên Sa.

Thành phố cũng sẽ xây dựng cảng cạn tại quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang nhằm tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển và khu vực nội đô.

Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin là yếu tố khác trong chuẩn bị cơ sở hạ tầng để đón dòng vốn dịch chuyển.

Hoàn thành thủ tục để đưa vào vận hành, khai thác khu công nghiệp hỗ trợ trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng và các cụm công nghiệp, quy hoạch và kêu gọi đầu tư một khu dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong các khu công nghiệp hiện có hoặc khu công nghiệp mới sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đưa vào sử dụng các Khu công nghiệp Hòa Cầm – giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, thi công hạ tầng dự án Khu công viên phần mềm số 2, xúc tiến để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân…

Về lĩnh vực đầu tư, trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới…), R&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện – điện tử, dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch – bất động sản giá trị cao, dịch vụ tài chính (dịch vụ quản lý tài sản, quỹ đầu tư, các giao dịch tài chính Offshore), các công ty công nghệ tài chính (fintech), thể dục – thể thao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.

Trong 5 năm tiếp theo, các dự án sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế, công nghệ thông tin, R&D, dịch vụ tài chính (dịch vụ quản lý tài sản, quỹ đầu tư, các giao dịch tài chính Offshore) sẽ được ưu tiên bên cạnh các công ty công nghệ tài chính (fintech), giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, du thuyền quốc tế, văn hóa, thể dục – thể thao…

Giai đoạn 2016 – 2020, thành phố Đà Nẵng thu hút được 163 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 76.130 tỉ đồng. Trong đó, 53 dự án đầu tư nằm ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 68.790 tỉ đồng và 110 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 7.340 tỉ đồng).Dòng vốn đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản – du lịch, giáo dục, y tế…Tỷ lệ giải ngân vốn giai đoạn này chiếm tỷ trọng thấp, do nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện dự án, chủ yếu liên quan đến các dự án đầu tư nằm ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp.Trong khi đó, thành phố thu hút được 530 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới là 1.045,4 triệu đô la (trong đó, các khu công nghiệp và khu công nghệ cao đã thu hút được 44 dự án với tổng vốn đầu tư 507,63 triệu đô la và có 486 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 537,77 triệu đô la); 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 144,5 triệu đô la; có 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị là 211,8 triệu đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới