Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng: đánh giá sát sao những trụ đỡ và nút thắt kinh tế

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo những số liệu thống kê và nhận định của người trong cuộc, kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong năm 2022 có sự khôi phục nhưng chưa rõ ràng, vững vàng kèm theo đó là những thách thức được dự báo trước cho năm 2023.

Tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội ngày 30-12, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, đã có những “trải lòng” dịp cuối năm về kinh tế của thành phố biển miền Trung.

Ngành dịch vụ: Vừa là trụ đỡ vừa là điểm hạn chế

Trên nền kết quả tăng trưởng âm của 6 tháng cuối năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng cuối năm 2022 của Đà Nẵng lần đầu tiên đạt mức tăng kỷ lục với 20,77% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng cả năm 2022 của Cục Thống kê Đà Nẵng.

Khách du lịch tại thành phố Đà Nẵng. Ngành dịch vụ nói chung và du lịch nói riêng tại Đà Nẵng có sự phục hồi nhanh trong năm 2022 nhưng theo đại diện Cục Thống kê Đà Nẵng, đây mới chỉ là dấu hiệu của phục hồi. Ảnh: Nhân Tâm

Đây là động lực chính giúp kinh tế cả năm 2022 phục hồi và phát triển so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Theo đó, GRDP cả năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021; tăng 15,34% so với năm 2020 và tăng 6,34% so với năm 2019. Quy mô nền kinh tế toàn thành phố theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 125.219 tỉ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỉ đồng so với năm 2021 và hơn 14.000 tỉ đồng so với năm 2019.

“Tuy nhiên đây chỉ là những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của kinh tế Đà Nẵng sau đại dịch. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn để có thể vượt qua thách thức và phục hồi vững vàng,” ông Vũ nói và thông tin thêm GRDP bình quân đầu người tính theo giá so sánh 2010 vẫn chưa thể thoát ra khỏi mức tăng trưởng âm của hai năm 2020 và 2021 (Lần lượt là -10%, -11% và -0,5%).

Một trong những yếu tố mà thành phố Đà Nẵng cần lưu ý để phát triển cân bằng hơn mà ông Vũ nhắc đến là “trụ đỡ” dịch vụ – du lịch – thương mại.

Cụ thể, về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,95% trên tổng GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,43%; khu vực dịch vụ chiếm 68,38% và thuế sản phẩm chiếm 9,24%. Nhìn chung, nhờ sự phục hồi và tăng trưởng vượt trội của khu vực dịch vụ nên cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự dịch chuyển với xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ thêm 1,62 điểm phần trăm về cơ cấu so với năm 2021; ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,84 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18 điểm.

Dựa vào những diến biến trong thời gian qua cũng như những dự báo sắp tới, thì ngành dịch vụ nói chung sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong khi những ngành khác như xây dựng và công nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng chậm. “Từ con số 68,38%, ngành dịch vụ sẽ nhiều khả năng chiếm 70% tổng GRDP. Đây là một rủi ro cho nền kinh tế nếu lại có một sự cố nào xảy ra trong tương lai [tương tự dịch Covid-29]. Vì vậy, thành phố cần có những tính toán cho phát triển”, ông Vũ nói và chia sẻ thêm cần phải có những chiến lược tang thêm tỉ lệ công nghiệp, sản xuất, xây dựng và bất động sản.

Nút thắt về thu hút đầu tư

Trong khi ngành dịch vụ có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và theo lời ông Vũ là “ngành bị tổn thương sớm nhất và phục hồi nhanh nhất”, các ngành khác vẫn đang mang “gam màu” xám. Trong đó phải kể đến các hoạt động đầu tư, bao gồm đầu tư công và thu hút đầu tư.

Ngoài dịch vụ, các ngành khác, bao gồm công nghiệp, đầu tư và xâu dựng chưa thể có sự phục hồi rõ ràng. Ảnh: Nguồn Cục Thống kê Đà Nẵng

Cụ thể, lũy kế đến hết tháng 12 năm 2022, ước khối lượng thực hiện vốn đầu tư công tại Đà Nẵng  đạt 5.686,6 tỉ đồng, giảm 14,2% so với năm 2021 và chỉ đạt 88,2% kế hoạch vốn được giao.

Hiện nay, vẫn còn một số dự án công trình trọng điểm chậm tiến độ như Đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu (Phần cơ sở hạ tầng dùng chung); Cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT601 (đoạn Km0-Km5); Nâng cấp mở rộng nhà ga hàng hóa – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Đường vành đai phía tây thành phố Đà Nẵng; Khu bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2…

Theo giải thích từ đại diện Cục Thống kê Đà Nẵng sau khi có tham mưu từ các sở ban ngành liên quan, quá trình thi công các dự án vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý của các ban quản lý dự án còn hạn chế; công tác khảo sát, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án của một số dự án của các chủ  đầu tư còn chậm, chưa sát thực tế, thiếu sự chủ động trong công tác triển khai phối hợp thực hiện; năng lực của một số các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu chưa đảm bảo yêu cầu…

Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến thiếu nhân công lao động, thời gian thi công, nguồn cung một số nguyên, nhiên, vật liệu trong các tháng đầu năm; giá cả các nguyên, vật liệu, giá xăng dầu tăng; quy định về đền bù tái định cư còn nhiều bất cập… Trong đó, hai vướng mắc lớn nhất chính là công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến thủ tục hồ sơ thực hiện dự án.

Trong khi đó, về vấn đề thu hút đầu tư và đăng ký mới thành lập doanh nghiệp, Đà Nẵng trong năm qua vẫn chỉ là điểm đến của các dự án đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ.

Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) giảm dần đều trong 5 năm qua. Dự án cấp phép mới năm 2018 là 136 dự án, đến năm 2019 giảm còn 133 dự án. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu bị sụt giảm nghiêm trọng nên tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trực tiếp vào Đà Nẵng chỉ đạt 129,8 triệu đô la (tương ứng với 87 dự án cấp phép), giảm 70,4% về tổng vốn và giảm 34,6% về số dự án so với năm 2019. Năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Đà Nẵng (chỉ tính số vốn đăng ký cấp mới) đạt 173 triệu đô la (tương ứng 42 dự án cấp phép mới).

Năm 2022 (tính đến ngày 15-12-2022), toàn thành phố có 50 dự án FDI cấp mới chứng nhận (tăng 6 dự án so cùng kỳ năm 2021), mặc dù tăng về số dự án nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 70,24 triệu USD, bằng 46,8% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân mỗi dự án FDI chưa đạt đến 1,5 triệu đô la.

Cũng trong năm 2022 (tính đến 15/12/2022), Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.476 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 22.477 tỷ đồng. Năm 2022 là số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 26,0% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương với 2.146 doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động trong năm vẫn tăng khá cao với 3.420 doanh nghiệp, tăng tương ứng 26,0% so với cùng năm 2021. Và khoảng hơn 2/3 số doanh nghiệp này là nhỏ và siêu nhỏ, theo đại diện của Cục Thống kê Đà Nẵng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới